Cập nhật: 25/04/2022 07:50:00
Xem cỡ chữ

Nghiên cứu, ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững huyện Côn Đảo là chủ đề hội thảo do Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế tuần hoàn (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tổ chức ngày 19/4, tại thành phố Bà Rịa.

Chú thích ảnh

Đường biển Tôn Đức Thắng, huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, tuyến đường có những cây bàng cổ thụ hàng trăm năm tuổi. Ảnh: Huỳnh Ngọc Sơn/TTXVN

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Nguyễn Công Danh, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Bà Rịa-Vũng Tàu nhấn mạnh: Mục tiêu của đề án “Nghiên cứu và ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu giai đoạn 2022-2026” là đánh giá hiện trạng và tiềm năng phát triển kinh tế - xã hội huyện Côn Đảo trên tư duy của mô hình kinh tế tuần hoàn, xác định tầm nhìn, định hướng chiến lược ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững huyện Côn Đảo giai đoạn 2022-2026, hoàn thiện được khung chính sách, đề xuất chiến lược, tạo tiền đề phát triển bền vững huyện Côn Đảo. Bên cạnh đó, đề xuất được giải pháp và nhiệm vụ chiến lược để ứng dụng kinh tế tuần hoàn nhằm giải quyết các thách thức Côn Đảo đang đối mặt, hỗ trợ Côn Đảo trở thành Khu du lịch quốc gia sinh thái, văn hóa lịch sử, lấy phát triển du lịch là trọng tâm, phục vụ xây dựng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Tham luận tại hội thảo, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Quân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế tuần hoàn cho biết, Côn Đảo có nguồn tài nguyên thiên nhiên và hệ sinh thái phong phú, đa dạng sinh học cao, có tiềm năng lớn trong khai thác dịch vụ sinh thái rừng. Tuy nhiên, Côn Đảo đang đối mặt với những thách thức từ các hoạt động của ngành du lịch dịch vụ. Ngoài ra, địa phương đang gặp nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế nông nghiệp và công nghiệp, phụ thuộc nguồn cung ứng về nguyên vật liệu, thực phẩm, dịch vụ từ đất liền với chi phí vận chuyển cao. Giá trị gia tăng mang lại cho nền kinh tế từ việc di dân không cao, trái lại tạo ra áp lực trong việc cung ứng nhu cầu thiết yếu và thách thức trong duy trì sự phát triển bền vững của Côn Đảo.

Một số vấn đề môi trường hiện nay của Côn Đảo đang gặp phải là xử lý rác thải, thiếu nước sinh hoạt, đặc biệt trong mùa cao điểm du lịch đe dọa toàn diện cuộc sống của người dân và ảnh hưởng tới sự phát triển ngành dịch vụ-du lịch của Côn Đảo. Hệ sinh thái của Côn Đảo đang có nguy cơ bị suy thoái do tác động của hoạt động kinh tế và biến đổi khí hậu…Từ những lợi thế cũng như thách thức Côn Đảo đang gặp phải, việc tìm ra giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu, hài hòa với hệ sinh thái đặc trưng là nhiệm vụ chính trị hàng đầu.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Quân nhấn mạnh, với kinh nghiệm quốc tế cho thấy, nếu có sự quyết tâm chính trị của lãnh đạo địa phương, sự tham gia của các bên liên quan và người dân, việc áp dụng kinh tế tuần hoàn sẽ tạo ra nhiều chuyển biến tích cực trong việc phục vụ thúc đẩy tăng trưởng bền vững của Côn Đảo.

Tại hội thảo, các đại biểu đã gợi ý chiến lược, giải pháp, kế hoạch hành động như xây dựng sản phẩm du lịch Côn Đảo gắn với du lịch biển – tự nhiên, du lịch nghỉ dưỡng cao cấp tuần hoàn tại các đảo nhỏ. Với các sản phẩm du lịch đặc trưng riêng trên các đảo nhỏ, để triển khai được cần kêu gọi đầu tư về hạ tầng dịch vụ du lịch trên các chủ thể về sản phẩm du lịch. Các đại biểu cũng gợi ý Côn Đảo cũng cần xây dựng Vườn Quốc gia Côn Đảo, sản phẩm du lịch tâm linh lịch sử, sản phẩm khách sạn, sản phẩm du lịch sự kiện, ứng dụng năng lượng tái tạo… thành các điểm du lịch tuần hoàn mang tính bền vững cao. Bên cạnh đó, huyện cần nâng cao năng lực nguồn nhân lực nhằm đáp ứng mô hình kinh tế bền vững với các chỉ số được đo đếm cụ thể theo mô hình kinh tế tuần hoàn trong việc tái tạo vốn con người để đảm bảo cho việc bảo tồn thiên nhiên và xã hội…

Để hạn chế rác thải tại Côn Đảo, các đại biểu đề xuất Trung ương cho Côn Đảo có cơ chế đặc thù về việc thu phí và chỉ tiêu về môi trường từ hoạt động du lịch. Tỉnh nghiên cứu thu phí bảo vệ môi trường đối với du khách khi đến Côn Đảo ngay khi bán vé tàu, máy bay; cấm sử dụng túi nylon và tăng phí đối với vật dụng bằng nhựa sử dụng một lần. Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cần xây dựng chính sách bảo vệ sự sống dưới nước, trên đất liền. Để thu hút các doanh nghiệp đầu tư kinh tế tuần hoàn vào Côn Đảo, tỉnh cũng cần có chính sách giảm thuế và giảm lãi vay đối với doanh nghiệp…

Theo Hoàng Nhị (TTXVN)   

 https://baotintuc.vn/kinh-te-bien-dao/phat-trien-ktxh-ben-vung-huyen-con-dao-can-mo-hinh-kinh-te-tuan-hoan-20220419143726200.htm