Cập nhật: 29/04/2022 08:05:00
Xem cỡ chữ

Trong suốt thai kỳ, cơ thể phụ nữ trải qua rất nhiều thay đổi. Những căng thẳng và thay đổi này có thể khiến thai phụ bị trầm cảm. Phụ nữ bị trầm cảm khi mang thai có nguy cơ cao bị trầm cảm sau sinh.

Sự thay đổi cảm xúc có thể tác động đến cách thai phụ cảm nhận về bản thân và thế giới xung quanh. Điều quan trọng là phụ nữ mang thai nên đi khám sức khỏe nếu đang bị trầm cảm vì bệnh này có thể điều trị được.

1. Bệnh trầm cảm là gì?

Trầm cảm là một rối loạn tình trạng ảnh hưởng đến trạng thái cảm xúc. Nó có thể khiến một người có cảm giác buồn bã dai dẳng và mất kết nối. Tình trạng này xảy ra ở phụ nữ thường gấp đôi so với nam giới và sự khởi phát ban đầu của bệnh trầm cảm lên đến đỉnh điểm trong những năm sinh sản của phụ nữ.

Tâm trạng chán nản là một phản ứng bình thường đối với mất mát, thay đổi trong cuộc sống hoặc các vấn đề về lòng tự trọng. Tuy nhiên, đôi khi trầm cảm có thể trở nên dữ dội, kéo dài trong thời gian dài và ngăn cản có một cuộc sống bình thường. Vì vậy, cần đến ngay bác sĩ để khám bệnh nếu đang có dấu hiệu bị trầm cảm để được điều trị, giúp người bệnh cảm thấy tốt hơn.

2. Phụ nữ mang thai có thường bị trầm cảm không?

Trầm cảm có thể gặp ở phụ nữ không mang thai cũng như ở phụ nữ mang thai. Tình trạng trầm cảm có thể xảy ra bất cứ lúc nào trong cuộc đời của con người. Cơ thể phụ nữ trải qua rất nhiều thay đổi và những căng thẳng khi mang thai có thể gây ra chứng trầm cảm, thậm chí cả chứng trầm cảm sau sinh ở một số phụ nữ. Tuy nhiên, không phải phụ nữ nào có thai cũng sẽ bị trầm cảm.

Nếu đã từng bị trầm cảm trong quá khứ, các triệu chứng có thể quay trở lại hoặc nếu đã sống chung với chứng trầm cảm trước khi mang thai, nó có thể trở nên tồi tệ hơn khi mang thai. Khi đó, cần nói chuyện với bác sĩ về chứng trầm cảm khi mang thai vì nó có thể kéo dài sau khi sinh.

Trầm cảm mang thai ảnh hưởng gắn kết giữa thai phụ với thai nhi - Ảnh 2.

Trầm cảm khiến mẹ bầu luôn thấy mệt mỏi, tuyệt vọng và chán nản nên sức khỏe suy giảm nghiêm trọng.

Những yếu tố làm tăng nguy cơ bị trầm cảm khi mang thai:

Có nhiều yếu tố khác nhau có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh trầm cảm khi mang thai. Những rủi ro này có thể bao gồm:

 

Có tiền sử trầm cảm hoặc rối loạn trầm cảm tiền kinh nguyệt.

Tuổi tác tại thời điểm mang thai, phụ nữ càng trẻ thi nguy cơ trầm cảm càng cao.

Sống một mình và hạn chế tiếp xúc với xã hội.

Đã từng trải qua xung đột hôn nhân.

Những lo lắng về việc mang thai.

3. Dấu hiệu của bệnh trầm cảm khi mang thai

Khi mang thai, cơ thể phụ nữ trải qua nhiều thay đổi. Có thể trải qua nhiều cảm xúc khác nhau trong suốt thai kỳ và phụ nữ mang thai có thể cảm nhận được tất cả những cảm xúc khác nhau này.

Tuy nhiên, nếu nhận thấy mình có bất kỳ triệu chứng nào sau đây khi mang thai, đó có thể là bệnh trầm cảm và phụ nữ nên liên hệ với bác sĩ và đi khám ngay lập tức. Các dấu hiệu trầm cảm khi mang thai có thể bao gồm:

Thường xuyên có ý nghĩ về cái chết hoặc tự tử.

Có tâm trạng chán nản hầu như cả ngày kéo dài trong hai tuần qua.

Cảm thấy tội lỗi, tuyệt vọng hoặc vô giá trị.

Gặp khó khăn trong việc suy nghĩ, tập trung hoặc đưa ra quyết định.

Mất hứng thú hoặc niềm vui trong hầu hết các hoạt động trong thời gian gần đây.

Nếu bạn có bất kỳ triệu chứng nào ở trên, bác sĩ hay chuyên gia tâm lý có thể hỏi những câu hỏi sau:

Trong hai tuần qua, bạn có cảm thấy hụt hẫng, chán nản hay tuyệt vọng không?

Trong hai tuần qua, bạn có cảm thấy ít hứng thú hoặc không thích làm việc gì không?

Nếu trả lời có cho một trong hai câu hỏi này, bác sĩ sẽ hỏi bạn nhiều câu hỏi hơn trong một cuộc kiểm tra tầm soát trầm cảm chuyên sâu hơn.

4. Bệnh trầm cảm ảnh hưởng đến thai kỳ như thế nào?

Trầm cảm mang thai ảnh hưởng gắn kết giữa thai phụ với thai nhi - Ảnh 4.

Trầm cảm mang thai ảnh hưởng gắn kết giữa thai phụ với thai nhi.

Trải qua trầm cảm khi mang thai có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của người mẹ theo một số cách. Trầm cảm khi mang thai có thể ảnh hưởng đến phụ nữ do:

Cản trở khả năng chăm sóc bản thân: Điều quan trọng là phải tự chăm sóc sức khỏe của mình trong suốt thời kỳ mang thai. Trầm cảm có thể khiến phụ nữ gạt những nhu cầu cá nhân đó sang một bên. Nếu bị trầm cảm khi mang thai, có thể không tuân theo các khuyến nghị y tế cũng như ngủ và ăn uống hợp lý.

Đặt bản thân vào nguy cơ cao hơn sử dụng các chất độc hại: Những chất này có thể bao gồm thuốc lá, rượu và các chất gây nghiện. Trầm cảm có thể khiến phụ nữ sử dụng những chất này, tất cả đều có thể có tác động tiêu cực đến thai kỳ.

Cản trở khả năng gắn kết giữa thai phụ với thai nhi: Khi thai nhi ở trong bụng mẹ (tử cung), thai nhi thực sự có thể nghe thấy mẹ nói và có thể cảm nhận được cảm xúc bằng cao độ, nhịp điệu và độ căng trong giọng nói của mẹ. Nếu đang bị trầm cảm khi mang thai, có thể khó phát triển mối quan hệ này với thai nhi. Thai phụ có thể cảm thấy bị cô lập về mặt cảm xúc.

5. Cần làm gì nếu bị trầm cảm khi mang thai?

Trầm cảm mang thai ảnh hưởng gắn kết giữa thai phụ với thai nhi - Ảnh 5.

Phụ nữ mang thai rất cần sự quan tâm chăm sóc của mọi người trong gia đình, đặc biệt là người chồng.

Nếu phụ nữ đang bị trầm cảm khi mang thai, có những bước có thể thực hiện để giúp cải thiện cảm giác của mình. Chuẩn bị chào đón sự ra đời của một em bé là rất nhiều công việc vất vả, nhưng hãy nhớ rằng sức khỏe của thai phụ là điều quan trọng và cần phải đặt lên hàng đầu. Có một số điều thai phụ có thể làm để giúp giảm bớt chứng trầm cảm khi mang thai, bao gồm:

Chống lại sự thôi thúc hoàn thành mọi thứ: Cắt giảm công việc nhà và làm những việc giúp bạn thư giãn. Và hãy nhớ rằng, chăm sóc bản thân là một phần thiết yếu khi bạn chăm sóc thai nhi.

Nói về mối quan tâm: Nói chuyện với bạn bè, đối tác và gia đình để nhận được chia sẻ, quan tâm.

Nếu thai phụ không thể giảm bớt lo lắng và trầm cảm bằng cách thực hiện những thay đổi này, hãy nghe tư vấn của bác sĩ chuyên gia sức khỏe tâm thần.

6. Thuốc chống trầm cảm có an toàn khi mang thai không?

Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy rằng nhiều loại thuốc chống trầm cảm hiện có tương đối an toàn để điều trị trầm cảm khi mang thai, ít nhất là về tác dụng ngắn hạn đối với thai nhi. Tuy nhiên, các ảnh hưởng lâu dài vẫn chưa được nghiên cứu đầy đủ, do đó, thai phụ nên thảo luận về những rủi ro và lợi ích có thể có với bác sĩ.

Theo Bác sĩ Mạnh Hùng/suckhoedoisong.vn 

  https://suckhoedoisong.vn/nhan-biet-som-tram-cam-khi-mang-thai-de-ngua-nhung-tieu-cuc-co-the-xay-ra-169220421215648947.htm