Cập nhật: 08/05/2022 13:52:00
Xem cỡ chữ

Ngày 7/5, Anh và Mỹ tuyên bố sẽ viện trợ quân sự đáng kể cho. Những động thái của phương Tây được nhận định là “đổ thêm dầu vào lửa”, khiến cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine kéo dài dai dẳng, không có lối thoát.

Theo hãng tin Reuters, Anh cam kết viện trợ quân sự thêm 1,3 tỉ bảng (1,6 tỉ USD) cho Ukraine. Cam kết mới nâng lên gần gấp đôi các cam kết viện trợ trước đó của Anh dành cho Ukraine và chính phủ Anh cho biết đây là mức chi cao nhất đối với một cuộc xung đột kể từ chiến sự ở Iraq và Afghanistan. Cho đến thời điểm này, Anh đã gửi các tên lửa chống tăng, hệ thống phòng không và những vũ khí khác cho Ukraine.

Hệ thống tên lửa đất đối không Starstreak đã được Anh chuyển cho Ukraine. Ảnh: PA

Hệ thống tên lửa đất đối không Starstreak đã được Anh chuyển cho Ukraine. Ảnh: PA

Cùng ngày, Tổng thống Mỹ Joe Biden công bố gói hỗ trợ an ninh Ukraine trị giá 150 triệu USD. Gói hỗ trợ mới nhất bao gồm 25.000 đạn pháo 155 mm, radar chống pháo binh, thiết bị gây nhiễu và nhiều phụ tùng thay thế. Gói hỗ trợ 150 triệu USD được đưa ra sau khi ông Biden hồi tuần trước đề nghị Quốc hội Mỹ phê chuẩn gói viện trợ 33 tỷ USD cho Ukraine. Khoản viện trợ này lớn hơn gấp đôi so với gói 13,6 tỷ USD hồi tháng 3 và được cho là sẽ giúp Ukraine trong 5 tháng tiếp theo.

“Chúng tôi đã gửi trực tiếp những nguồn viện trợ này đến tiền tuyến, nơi các binh sỹ Ukraine đang chiến đấu. Sự hỗ trợ bền vững của quốc tế do Mỹ đứng đầu tiếp tục thể hiện sự cam kết của chúng tôi  giúp Ukraine có thể ngăn chặn được Nga kiểm soát đất nước”, Tổng thống Biden nói.

Trong những gói viện trợ gần đây, Mỹ đã đồng ý cung cấp các vũ khí hạng nặng cho Ukraine, bao gồm lựu pháo, hệ thống phòng thủ tên lửa và xe bọc thép.

Trước những động thái mới nhất của Anh và Mỹ, Nga cáo buộc phương Tây khiến đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine bị ngưng trệ, ngăn chặn chiến dịch quân sự của Nga kết thúc “nhanh chóng”.

Người phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết: “Cùng với dòng vũ khí mà những nước này đang gửi đến Ukraine, đây đều là những hành động không góp phần vào việc giúp chiến dịch kết thúc nhanh chóng.Tuy nhiên, điều đó không thể ngăn cản việc đạt được các mục tiêu của chiến dịch quân sự Nga ở Ukraine”.

Bộ Quốc phòng Nga ngày 7/5, quân đội nước này dùng tên lửa Iskander để phá hủy vũ khí viện trợ từ phương Tây cùng với lực lượng cơ giới hóa của Ukraine tại tỉnh Kharkiv.

Dự kiến, ngày 8/5, Tổng thống Mỹ Biden cùng những nhà lãnh đạo khác trong nhóm G7 sẽ có cuộc gặp trực tuyến với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Chương trình nghị sự sẽ tập trung vào các lệnh cấm vận nhắm vào Nga./.