Tỉnh Thanh Hóa hiện có khoảng 8 cảng cá; trong đó có 3 cảng cá lớn là cảng cá Hòa Lộc, cảng Cá Lạch Hới và cảng cá Lạch Bạng, trải qua nhiều năm sử dụng các công trình này đang bị bồi lấp nghiêm trọng nhưng chưa có kinh phí để nạo vét. Tàu thuyền nhiều lúc mắc cạn không thể ra khơi do phụ thuộc vào mức nước.
Cảng cá Lạch Hới, thành phố Sầm Sơn được xây dựng từ năm 2001 để phục vụ tàu thuyền của ngư dân neo đậu, trung bình một năm cảng cá này đón 4.000 lượt tàu cập bến với số lượng khoảng 300 tàu neo đậu cố định, sản lượng hải sản do ngư dân đánh bắt, giao thương tại cảng là 15.000 tấn/ngày. Trải qua nhiều năm sử dụng, nhiều khu vực neo đầu tàu thuyền đã bị bồi lắng với tổng diện tích khoảng 9 ha, ảnh hưởng đến việc neo đậu tàu thuyền của ngư dân.
Ông Nguyễn Duy Hòa, phường Quảng Tiến, thành phố Sầm Sơn cho biết: Trước đây việc ra vào bờ cảng thuận tiện, tuy nhiên vài năm trở lại đây tàu cá của ông liên tục gặp khó khăn do đoạn neo đậu đã bị bồi lắng và phải phụ thuộc vào mực nước biển. Nếu như tàu cập bến bốc hàng bốc hàng hôm nay thì phải chờ vào buổi sau mới có thể xuất bến, bởi khi vào nước đang dâng cao, lúc ra chiều nước thấp đi nên tàu không không ra được, có những thời điểm phải chờ 3-5 hôm khi mực nước to mới ra khơi được.
Ông Lê Văn Hân, Ban quản lý cảng cá Lạch Hới, Sở nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa cho hay: Năm 2005, cảng cá Lạch Hới đã được tỉnh tu sửa, tuy nhiên đến nay công trình này đang dần lạc hậu, xuống cấp nghiêm trọng, tình trạng bồi lắng ngày càng lan rộng làm tàu thuyền gặp khó khăn trong việc đi lại, neo đậu, trao đổi hàng hóa, cũng như trách trú bão từ cửa lạch cho đến cảng. Hiện Ban cảng cá Lạch Hới đã kiến nghị lên Sở nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa để xin dự án nạo vét để đảm bảo an toàn cho tàu thuyền neo đậu.
Khu vực bồi lắng của Cảng cá Lạch Bạng, thị xã Nghi Sơn, Thanh Hóa gây khó khăn cho tàu thuyền của ngư dân khi ra vào trao đổi hàng hóa và tránh trú bão.
Còn tại cảng cá Lạch Bạng, công trình này được xây dựng từ những năm 2009-2012, hệ thống luồng lạch ra vào cảng và khu neo đậu bị bồi lập nghiêm trọng, đặc biệt khu vực này còn tồn tại dải đá ngầm trong luồng chạy tàu gây khó khăn cho tàu thuyền của ngư dân khi ra vào trao đổi hàng hóa và tránh trú bão. Hiện tình trạng bồi lắng đã lan rộng ra khu vực gần bờ đê, gây mất an toàn cho tàu thuyền của ngư dân khi ra vào.
Tại khu vực ven bờ cảng cá Lạch Bạng, đã xuất hiện một số lấn chiếm hành lang bờ đê, rác thải của người dân vứt bữa bãi quanh khu vực bị bồi lắng, điều này làm tăng nguy cơ ô nhiễm môi trường biển. Đồng thời, làm ảnh hưởng đến dòng chảy, tăng sự bồi lắng tại khu vực này.
Theo ông Hoàng Minh Trí, phường Hải Bình, thị xã Nghi Sơn, Thanh Hóa: Hiện nay diện tích neo đậu tàu thuyền của cảng cá Lạch Bạng đang bị cạn đi, tàu thuyền to hay nhỏ đều không ra được bởi nước quá thấp. Chúng tôi mong nhà nước sớm thực hiện dự án nạo vét, nâng cấp để mở mang luồng lạch thông suốt để yên tâm ra khơi, đánh bắt hải sản.
Trao đổi với ông Lê Cao Kích, Giám đốc Ban quản lý cảng cá Lạch Bạng, Sở nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa, ông Kích cho biết: Diện tích cảng cá Lạch Bạng khoảng hơn 40 ha, cảng hiện có 300-400 tàu thuyền neo đậu thường xuyên với số lượng hàng hóa trao đổi, mua bán là 300-500 tấn/ngày. Do nhiều năm chưa nạo vét nên hiện nay luồng lạch ra vào cạn kiệt, rất mong nhà nước triển khai nạo vét để bà con ra vào cảng thuận lợi.
Bờ Cảng cá Lạch Bạng, thị xã Nghi Sơn, Thanh Hóa có sự lấn chiếm.
Trước thực trạng, cảng cá Lạch Bạng bị bồi lắng, Hội đồng nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã ban hành nghị quyết số 93/NQ-HĐND vào năm 2021về đầu tư dự án nạo vét, thanh thải dải đá ngầm luồng tàu, khu vực cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão tàu thuyền nghề cá Lạch Bạng, thị xã Nghi Sơn với số vốn 76 tỷ đồng do Ban Quản lý Dự án đầu tư xay dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, trong quá trình lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án chủ đầu tư đã gặp một số vướng mắc liên quan đến tuyến đường thủy nội địa Việt Nam nên đã kiến nghị lên tỉnh tìm phương án giải quyết.
Đến tháng 3/2022, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có văn bản kiến nghị Bộ Giao thông vận tải chấp thuận cho tỉnh đầu tư đầu tư nạo vét dải đá ngầm đoạn từ K0-KO+900 trên tuyến đường thủy nội địa quốc gia Lạch Bạng-Đảo Hòn Mê bằng nguồn vốn từ ngân sách tỉnh.
Ông Lê Đại Minh, Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa khẳng định: "UBND tỉnh Thanh Hóa đã báo cáo với Bộ giao thông vận tải xin đầu tư, nạo vét luồng vào cho tàu cá và đang chờ ý kiến Bộ. Sau khi có ý kiến Bộ chúng tôi sẽ trình duyệt dự án, thi công theo đúng tiến độ, mục tiêu từ 2022-2024 sẽ hoàn thành dự án này, và sau khi dự án được hoàn thành sẽ đảm bảo thiết kế, đảm bảo số lượng tàu thuyền ra vào cảng, cũng như vào âu tránh bão, góp phần phát triển kinh tế xã hội tại địa phương".
Ngoài ra, địa bàn tỉnh Thanh Hóa còn có cảng cá Hòa Lộc đang bị vẫn đang bị bồi lắng nghiêm trọng nhưng không có kinh phí để sữa chữa, ảnh hưởng việc neo đậu tàu thuyền của ngư dân. Để khắc phục tình trạng trên, tỉnh Thanh Hóa đang huy động các nguồn lực để đầu tư các dự án tu sửa, nạo vét các cảng cá thông qua các nguồn vốn của ngân sách tỉnh và Ngân hàng thế giới, qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho tàu thuyền của ngư dân ra vào bến cảng.
Theo Tin, ảnh: Nguyễn Nam (TTXVN)
https://baotintuc.vn/kinh-te-bien-dao/cang-ca-boi-lang-anh-huong-viec-ra-vao-cua-tau-thuyen-o-thanh-hoa-20220506164701175.htm