Cập nhật: 17/05/2022 08:21:00
Xem cỡ chữ

Sau khi điều trị Covid-19 trở về nhà, người phụ nữ phải hút đàm nhớt 2-3 lần mỗi ngày và không thể nói được suốt 7 tháng vì một lý do đặc biệt.

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (TPHCM) cho biết, các bác sĩ nơi đây vừa thực hiện ca phẫu thuật nối đoạn hẹp thực quản, tháo bỏ canule (ống thông) thành công cho nữ bệnh nhân 62 tuổi từng nhiễm Covid-19 nặng, phải điều trị trong nhiều tháng.

Trước đó, tháng 11/2021, người phụ nữ 62 tuổi, ngụ quận 8 (TPHCM) được xác định nhiễm SARS-CoV-2, phải nhập bệnh viện dã chiến trong tình trạng suy hô hấp, hôn mê, cần đặt nội khí quản, thở máy kéo dài. Sau đó, bệnh nhân được mở khí quản và cai máy thở.

Trở về nhà sau điều trị Covid-19, nữ bệnh nhân vẫn phải đeo canule mở khí quản ở cổ vì nhiều lần rút thất bại. Việc đeo canule cũng kích thích đờm nhớt trong phổi. Suốt 7 tháng trời, bệnh nhân không thể nói được, người nhà phải mua máy hút đờm nhớt để xử lý dịch từ 2-3 lần mỗi ngày.

Bên cạnh hẹp khí quản, vì bệnh nhân lớn tuổi, mắc bệnh đái tháo đường, có nhiều yếu tố nguy cơ khiến vết thương khó lành hơn người bình thường.

ThS.BS Ngô Thế Hải, Phó trưởng khoa Tai Mũi Họng của bệnh viện cho biết, sau khi bệnh nhân được đưa vào khoa, ê-kíp mổ đã phẫu thuật cắt đoạn sẹo hẹp, nối khí quản, giúp đường thở thông thoáng. Hậu phẫu, vết thương lành tốt. Bệnh nhân thở được thông qua mũi như người bình thường, không phải đeo canule như trước nữa.

Người phụ nữ suốt 7 tháng không nói được sau khi mắc Covid-19 - 1

Sau phẫu thuật tháo bỏ ống canule, bệnh nhân đã nói chuyện được (Ảnh: BV cung cấp).

PGS.TS.BS Lâm Huyền Trân, Trưởng khoa Tai Mũi Họng chia sẻ, đây là trường hợp hẹp khí quản vì đặt nội khí quản hỗ trợ hô hấp dài ngày. Sẹo hẹp nặng gây bít hoàn toàn lòng khí quản một đoạn 5-6cm, giống như nút chai cắm chặt vào đường thở. Nếu không phẫu thuật rút canule ra, bệnh nhân có thể phải đeo ống này suốt đời.

Theo các bác sĩ, bệnh nhân đeo canule thường gặp nhiều bất lợi như hạn chế trong quá trình giao tiếp, không nói được, dễ ho khạc đờm nhiều, đờm nhớt trong phổi văng ra ngoài dễ lây nhiễm, ảnh hưởng đến người khác. Khi không khí đi trực tiếp qua lỗ mở khí quản, vào trong phổi khiến bệnh nhân dễ mắc bệnh viêm phổi. Ngoài ra, bệnh nhân cũng gặp bất tiện trong giao tiếp cũng như trong sinh hoạt hằng ngày, khó chăm sóc.

Việc phẫu thuật lấy ống canule giúp bệnh nhân quay lại cuộc sống bình thường, có thể thở qua mũi, nói chuyện, giao tiếp được.

Bác sĩ khuyến cáo, bệnh nhân còn đặt canule khi đã xuất viện không nên bỏ qua giai đoạn tái khám, vì lúc này bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện nội soi, CT-scan, đánh giá tổn thương và có thể mổ rút ống ra khi phù hợp.

Theo Biên Thùy/dantri.com.vn

https://dantri.com.vn/suc-khoe/nguoi-phu-nu-suot-7-thang-khong-noi-duoc-sau-khi-mac-covid-19-20220516162146719.htm