Cập nhật: 18/05/2022 11:25:00
Xem cỡ chữ

Nhà ngoại giao hàng đầu Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell cam kết với Ukraine về một nguồn cung cấp vũ khí “không bao giờ cạn kiệt”

“Liên minh châu Âu sẽ không để Ukraine cạn kiệt trang thiết bị”, Giám đốc chính sách đối ngoại của EU Josep Borrell nói hôm 17/5 tại Brussels, sau cuộc họp của các bộ trưởng quốc phòng châu Âu.

Binh sĩ Ukraine cầm súng máy tại chiến hào ở gần làng Travneve, vùng Donetsk, Ukraine. Ảnh: Reuters

Binh sĩ Ukraine cầm súng máy tại chiến hào ở gần làng Travneve, vùng Donetsk, Ukraine. Ảnh: Reuters

Nhà ngoại giao châu Âu cho rằng Nga có thể đã phải hứng chịu “những tổn thất đáng kể” trong chiến dịch quân sự tại Ukraine, song không đưa ra câu trả lời khi được hỏi ông nghĩ rằng cuộc chiến sẽ kéo dài bao lâu nữa.

Tuần trước, ông Borrell thông báo một gói viện trợ vũ khí sát thương mới trị giá 526 triệu USD cho Ukraine, nâng tổng số tiền viện trợ quân sự lên 2,11 tỷ USD. Gói viện trợ mới sẽ được sử dụng để mua vũ khí hạng nặng như xe tăng và pháo.  

Ông Borrell cũng tin rằng EU sẽ đạt được một thỏa thuận về lệnh cấm vận dầu mỏ của Nga.

Tới nay, EU vẫn chưa đạt được sự đồng thuận về việc cấm nhập khẩu hoàn toàn dầu mỏ Nga. Hungary, nước phản đối lệnh trừng phạt nhằm vào năng lượng Nga, nhấn mạnh rằng việc cắt nguồn cung dầu và khí đốt của Moscow sẽ ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế của nước này.

Sau khi Nga triển khai chiến dịch quân sự ở Ukraine, EU đã có những động thái chưa từng có khi cung cấp 450 triệu USD vũ khí sát thương cho Ukraine. Trước đây, EU có chính sách không cung cấp vũ khí cho các nước đang xảy ra xung đột.

Giải thích về việc này, ông Borrell cho biết: “Chúng ta đang sống trong giai đoạn chưa từng xảy ra. Cuộc chiến này đòi hỏi sự tham gia của chúng ta để hỗ trợ quân đội Ukraine”.

Các nước phương Tây cũng đã tăng cường cung cấp vũ khí cho Ukraine kể từ khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra vào cuối tháng 2, chủ yếu là những vũ khí nhỏ, tên lửa chống tăng và tên lửa phòng không di động, cùng nhiều loại đạn dược và nhiên liệu./.