Cập nhật: 20/05/2022 11:36:00
Xem cỡ chữ

Chuyến công du châu Á đầu tiên của Tổng thống Mỹ Joe Biden, bắt đầu từ ngày 20/5, được tiến hành nhằm hiện thực hóa cam kết “Quan hệ đồng minh vững như bàn thạch”.

Hôm nay (20/5), Tổng thống Mỹ Joe Biden bắt đầu chuyến thăm đầu tiên tới châu Á trên cương vị người đứng đầu Nhà Trắng. Trong khuôn khổ chuyến thăm, Tổng thống Biden sẽ hội đàm với các nhà lãnh đạo Hàn Quốc và Nhật Bản để thúc đẩy cam kết mạnh mẽ của Mỹ đối với một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở cũng như đối với quan hệ liên minh Washington, Seoul và Tokyo.

Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: Reuters

Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: Reuters

Trong chuyến thăm kéo dài 4 ngày, Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ có cuộc gặp song phương với Tổng thống đắc cử Hàn Quốc Yoon Suk-yeol và Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio. Cũng trong khuôn khổ chuyến công du, Tổng thống Biden sẽ tham dự hội nghị với các nhà lãnh đạo Nhóm Đối thoại An ninh “Bộ tứ kim cương” (QUAD) gồm Australia, Nhật Bản, Ấn Độ và Mỹ.

Quan hệ đồng minh “vững như bàn thạch”

Đây là chuyến công du châu Á đầu tiên của Tổng thống Biden kể từ khi nhậm chức và với ưu tiên chính sách đối ngoại hàng đầu của mình đó là kiềm chế Trung Quốc thì mục tiêu của chuyến đi này là nhằm thể hiện sự can dự của Mỹ ở châu Á trong khi gửi một thông điệp tới Trung Quốc và Triều Tiên, nước đã tiến hành một loạt các vụ thử tên lửa trong thời gian qua, rằng các liên minh khu vực với Hàn Quốc và Nhật Bản vẫn rất mạnh mẽ.

Mỹ muốn tăng cường quan hệ với Hàn Quốc và Nhật Bản nhằm đối phó với các vấn đề cấp bách của khu vực, bao gồm tham vọng hạt nhân của Triều Tiên, sự thống trị của Trung Quốc trong chuỗi cung ứng và vấn đề Đài Loan. Thông qua chuyến thăm này, không chỉ với Hàn Quốc và Nhật Bản, ông Biden cũng sẽ tiếp tục tìm kiếm sự ủng hộ của các đồng minh và đối tác trong nhóm bộ Tứ bao gồm Australia, Ấn Độ và Nhật Bản trong ứng phó với các vấn đề quốc tế bao gồm hạn chế tầm ảnh hưởng của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Mỗi lần tới châu Á thì các Tổng thống Mỹ thường mang theo hành trang là một đề xuất hay sáng kiến nào đó và lần này cũng vậy. Ông Biden dự kiến sẽ giới thiệu Khung Kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương từng được cho ra mắt hồi tháng 10 năm ngoái. Mỹ kỳ vọng Khung kinh tế này sẽ làm đối trọng với Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực của Trung Quốc, qua đó làm giảm ảnh hưởng toàn cầu của nước này. Cũng có ý kiến cho rằng, khung kinh tế này sẽ bù đắp lại những cơ hội bị mất của Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương mà Tổng thống Donald Trump đã hủy bỏ ngay sau khi lên nắm quyền.  

Xích lại gần các đồng minh châu Á

Chuyến thăm tới Hàn Quốc và Nhật Bản của Tổng thống Mỹ Joe Biden diễn ra trong bối cảnh hai đồng minh quan trọng này của Mỹ có chính phủ mới.

Chuyến thăm của nhà lãnh đạo Mỹ lần này được tiến hành nhằm tăng cường việc xác lập quan hệ đồng minh chiến lược toàn diện Nhật - Mỹ và Hàn - Mỹ như một trục trọng tâm trong hòa bình và thịnh vương khu vực Đông Á. Sau đó là tìm tiếng nói chung liên quan đến cách thức giải quyết các vấn đề quốc tế đang nổi cộm là xung đột Nga - Ukraine, vấn đề hạt nhân của Triều Tiên trong bối cảnh nước này đang gia tăng thử tên lửa.

Tại Nhật Bản, theo thông tin mới nhất, hai bên sẽ đề cập tới hợp tác Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ - Thái Bình Dương (IPEF) do Mỹ đề xuất, gọi đây là nỗ lực của Washington nhằm thu hút các nước Đông Nam Á “tách khỏi Trung Quốc”, mà trong đó Mỹ mong muốn Nhật Bản sẽ nỗ lực hợp tác tăng cường đầu tư vào cơ sở hạ tầng chất lượng cao và tăng cường mạng lưới cung cấp chuỗi cung ứng bao gồm chất bán dẫn, từ đó sẽ tạo ra nguyên tắc chung trong lĩnh vực thương mại số và chuỗi cung ứng. Đây là chủ đề mới trong hội đàm cao cấp Nhật - Mỹ.

Riêng tại Hàn Quốc, trong cuộc gặp Thượng đỉnh giữa hai Tổng thống dự kiến diễn ra vào ngày 21, hai bên sẽ đề ra kế hoạch thực hiện nhằm tăng cường năng lực răn đe mở rộng Hàn - Mỹ, cụ thể là bàn về phương án tái khởi động cơ chế thảo luận chiến lược về răn đe mở rộng, từng được tổ chức hai lần sau khi hai bên đạt thỏa thuận vào năm 2016. Đồng thời, chủ đề nổi bật nữa đó là giải pháp ngoại giao trong vấn đề hạt nhân, tên lửa của Triều Tiên, đặt trên nền tảng là Tuyên bố chung Bàn Môn Điếm năm 2018.

Trước đó, Hàn - Mỹ đã mở rộng quan hệ đồng minh quân sự thành quan hệ "đồng minh kinh tế" thông qua Hiệp định thương mại tự do (FTA). Tại Hội nghị Thượng đỉnh lần này, có thể hai bên sẽ bổ sung thêm "quan hệ đồng minh công nghệ".

Như vậy, vấn đề hợp tác kinh tế, xung đột Nga - Ukraine, hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên là những vấn đề chung mà ông Joe Biden mong muốn bàn bạc với Thủ tướng Kishida Fumio và Tổng thống Yoon Suk-yeol. Tuy nhiên, trong từng góc độ, các bên đều mong muốn hiểu rõ thêm về đối tác của mình khi Thủ tướng Nhật Bản và Tổng thống Hàn Quốc mới nhậm chức một thời gian, để từ đó có những quyết sách hợp tác mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.

Điểm nhấn đáng chú ý

Theo tiết lộ của Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo, trong chặng dừng chân tại Tokyo, Nhật Bản, Tổng thống Biden sẽ công bố Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (IPEF), tầm nhìn thực tế đầu tiên của Mỹ về can dự kinh tế đối với khu vực có tầm quan trọng chiến lược này kể từ khi lên nắm quyền. Khung kinh tế này xoay quanh bốn trụ cột. Trong đó, trụ cột thứ nhất tập hợp các vấn đề về thương mại sẽ do Đại diện Thương mại (USTR) vận hành. Ba trụ cột còn lại do Bộ Thương mại vận hành, bao gồm chuỗi cung ứng, năng lượng sạch, thuế và chống tham nhũng. Những vấn đề đó đều có ý nghĩa quan trọng đối với các lợi ích của Mỹ.

Nhật Bản và Hàn Quốc cũng góp phần quan trọng vào những nỗ lực của Mỹ đối phó với chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine thông qua áp đặt các gói trừng phạt kinh tế và kiểm soát xuất khẩu. Bên cạnh đó, Nhật Bản và Hàn Quốc là nền kinh tế lớn thứ hai và thứ ba tại châu Á, với khả năng sản xuất và công nghệ tiên tiến, hai nước có chung cách tiếp cận với Mỹ về các quy tắc, chuẩn mực, tiêu chuẩn về hành vi hoặc hoạt động kinh tế.

Chắc chắn Tổng thống Mỹ sẽ không thể không “lôi kéo” hai đồng minh thân cận của mình vào Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ - Thái Bình Dương mà nước này vừa khởi xướng. Và nhân dịp tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Bộ Tứ kim cương, Mỹ có khả năng cao sẽ thăm dò lập trường của cả Australia và Ấn Độ. Bởi Mỹ trong bất cứ tổ chức hợp tác quốc tế nào đều mong muốn có nhiều nước lớn tham gia.

Nội dung của khuôn khổ này cũng không nằm ngoài mục đích tăng cường chuỗi cung ứng một cách ổn định chính cho thị trường Mỹ, sau đó tới các nước khác, nhất là thế giới vừa trải qua thời kỳ khó khăn do dịch Covid-19 gây ra, nghĩa là chuỗi cung ứng đứt gãy, nền kinh tế Mỹ cũng chịu ảnh hưởng lớn. Nhật Bản có khả năng sẽ quyết định tham gia cùng với Mỹ nhanh hơn là Hàn Quốc, bởi Tổng thống Hàn Quốc mới chỉ nhậm chức chưa tròn nửa tháng còn đang có những nghiên cứu và tìm hiểu sâu hơn./.