Sau các chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan vừa yêu cầu tất cả các cục rà soát hoạt động cấp phép nhập khẩu (NK), thu thuế ô tô biếu tặng từ năm 2016 đến hết tháng 5/2022. Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng-kinh tế-buôn lậu (C03) - Bộ Công an cũng đã làm việc với Tổng cục Hải quan về vấn đề này.
C03 làm việc với Tổng cục Hải quan
Liên quan loạt bài “Bất thường đường dây nhập siêu xe biếu tặng” Tiền Phong phản ánh mấy ngày qua, nguồn tin của phóng viên Tiền Phong cho biết, C03 đã làm việc với Tổng cục Hải quan (TCHQ) và một số đơn vị liên quan.
Theo nguồn tin của phóng viên Tiền Phong, ngày 25/5, Bộ Tài chính đã họp khẩn với TCHQ, Tổng cục Thuế, Vụ Chính sách thuế, Vụ Pháp chế, Vụ Hợp tác quốc tế về vấn đề này. Trên cơ sở báo cáo của các bên, lãnh đạo Bộ Tài chính giao các đơn vị liên quan phối hợp cơ quan thuế nội địa, các đơn vị quản lý đăng ký kinh doanh (đối với doanh nghiệp), hoặc nơi cư trú (đối với cá nhân) để xác minh các hồ sơ cấp giấy phép NK, tạm NK.
Năm 2021, dịch bệnh bùng phát phức tạp nhất cũng là thời điểm xe theo diện quà biếu tặng nhập khẩu đột biến
Bộ Tài chính giao TCHQ chủ trì, phối hợp Tổng cục Thuế thanh, kiểm tra các tổ chức, cá nhân NK ô tô không nhằm thương mại theo nguyên tắc quản lý rủi ro. Đồng thời, TCHQ phải phối hợp các đơn vị cấp dưới kiểm tra, rà soát việc cấp giấy phép đảm bảo cấp đúng đối tượng, tránh hiện tượng trục lợi, gian lận. Trường hợp có nghi vấn về đối tượng thụ hưởng và đối tượng cho, biếu, tặng, TCHQ yêu cầu phải xác minh làm rõ (kể cả xác minh ở nước ngoài), xử lý nghiêm theo quy định. Bộ Tài chính yêu cầu TCHQ báo cáo kết quả thực hiện những nội dung này trước 30/6/2022. Riêng nội dung báo cáo kết quả thanh kiểm tra, xử lý theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái tại công văn ngày 24/5, Bộ Tài chính yêu cầu TCHQ phải báo cáo trước ngày 2/6.
Các cục hải quan đứng đầu cả nước về cấp phép, NK ô tô biếu tặng từ năm 2020 đến tháng 7/2021:
Đà Nẵng 385 xe; Hà Nam Ninh 216; Quảng Nam 127 xe; TPHCM 136 xe (tính đến hết 2021); Hải Phòng 36 xe; Hà Nội 34 xe; Bắc Ninh 4 xe…Riêng Bà Rịa–Vũng Tàu từ năm 2020 đến 23/9/2021 làm thủ tục cho 118 xe. Trong đó, 41 xe có giá khai báo không phù hợp, phải xác định lại. Tổng số thuế phải nộp đối với 118 tờ khai hơn 471 tỷ đồng; trong đó tổng số thuế chênh lệch trước và sau khi xác định trị giá hải quan hơn 53 tỷ đồng. Xe chêch lệch giá cao nhất lên tới 10 tỷ đồng (DN khai giá 385 triệu đồng, hải quan xác định lại lên tới 10,8 tỷ đồng).
Bộ Tài chính cũng giao TCHQ khẩn trương hoàn thành rà soát pháp luật và tổng kết, đánh giá kết quả triển khai thực hiện Thông tư 143 (2015/TT-BTC) để kịp thời đề xuất biện pháp cụ thể, khả thi, phù hợp với quy định pháp luật nhằm quản lý ô tô NK, tạm NK không nhằm mục đích thương mại. TCHQ phải trình Bộ Tài chính văn bản xin ý kiến các bộ, ngành liên quan đối với dự thảo công văn báo cáo Thủ tướng; dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 143, hoàn thành báo cáo trước 30/5/2022.
Lãnh đạo Tổng cục Thuế không nắm được thông tin?
Ngày 30/5, TCHQ ra công văn yêu cầu các cục trực thuộc khẩn trương kiểm tra, xác minh tình hình hoạt động của các tổ chức nhận quà biếu, tặng tại địa chỉ đăng ký kinh doanh, hoặc địa chỉ ghi trên đơn đề nghị đối với cá nhân.
Theo đó, đối với các Cục Hải quan các tỉnh, thành phố chuyên cấp phép NK ô tô (Đà Nẵng, Hà Nam Ninh, Nghệ An, Quảng Nam, Bà Rịa - Vũng Tàu, TPHCM, Hải Phòng, Hà Nội, Bắc Ninh), TCHQ yêu cầu rà soát các hồ sơ đã được cấp giấy phép NK trong 6 năm (từ 2016-2021) và 5 tháng đầu năm 2022. Trường hợp có nghi vấn về giấy đăng ký kinh doanh đối với tổ chức, về nhân thân đối với cá nhân, TCHQ đề nghị các cục trao đổi, phối hợp với cơ quan thuế nội địa, cơ quan cấp giấy đăng ký kinh doanh hoặc công an để xác minh. “Nếu phát hiện các dấu hiệu bất thường như công ty không hoạt động tại địa chỉ đăng ký, giải thể, phá sản, bỏ trốn hoặc người đại diện DN, người đứng tên trên đơn đề nghị phủ nhận việc NK xe thì chuyển hồ sơ cho cơ quan cảnh sát điều tra xử lý theo quy định”. TCHQ đề nghị các cục gửi số liệu báo cáo về những nội dung trên về tổng cục, thông qua Cục Giám sát quản lý trước ngày 10/6.
Trả lời phóng viên Tiền Phong ngày 30/5 và 1 lần trước đó, Tổng cục phó Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh (người từng ký công văn hỏa tốc gửi TCHQ ngày 14/2/2022 đề nghị cung cấp thông tin để chỉ đạo các cục thuế tỉnh, thành phố phối hợp rà soát, thu thuế thu nhập đối với DN, tổ chức, cá nhân có NK xe biếu tặng) nói rằng không nắm được thông tin, cũng không nhớ chính văn bản do mình từng ký. Phóng viên đã gọi điện nhiều lần cho Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Cao Anh Tuấn để hỏi về vấn đề này.
Các dấu hiệu lách luật, trục lợi từ NK ô tô biếu tặng từng được Tiền Phong phản ánh trong nhiều loạt bài hồi năm 2016. Ngay sau đó, một Phó Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Tài chính rà soát báo cáo. Bộ Tài chính sau đó có báo cáo cho biết, từ 1/1 đến 30/9/2016, có hơn 1.000 xe được NK theo diện quà biếu, tặng, tương đương số thuế DN khai báo hơn 1.500 tỷ đồng. Trên cơ sở các dấu hiệu nghi vấn, TCHQ đã kiểm tra và xác định lại trị giá tính thuế đối với 871 xe, qua đó xác định số thuế tăng thêm so với số thuế khai báo của DN hơn 800 tỷ đồng. Tổng cục Hải quan thời điểm đó báo cáo dự kiến thu bổ sung khoảng 16 tỷ đồng, còn Tổng cục Thuế dự kiến truy thu thêm 5,4 tỷ đồng đối với xe NK diện biếu, tặng.
Theo tìm hiểu của phóng viên Tiền Phong, nhiều lãnh đạo thuộc Cục Kiểm tra sau thông quan (TCHQ) thời kỳ đó, về sau được điều chuyển đi làm lãnh đạo nhiều cục khác như Cục Hải quan Hà Nội, Hà Nam Ninh, Nghệ An…
Theo Nhóm PV Điều tra/tienphong.vn
https://tienphong.vn/bat-thuong-duong-day-nhap-sieu-xe-bieu-tang-hai-quan-tong-ra-soat-c03-vao-cuoc-post1442391.tpo