Cập nhật: 02/06/2022 15:35:00
Xem cỡ chữ

Sáng 2/6, đồng chí Trần Quang Hoài, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên đã đi kiểm tra thực tế công tác phòng chống thiên tai trên địa bàn tỉnh. Cùng đi có đồng chí Trần Thanh Hải, Ủy viên Ban Thường Tỉnh ủy, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Tổng cục trưởng Tổng cục PCTT Trần Quang Hoài kiểm tra thực địa trạm điều tiết Cầu Sắt.

Từ ngày 22/5-24/5/2022 trên địa bàn tỉnh có mưa to đến rất to, lượng mưa đo được trong 3 ngày tại một số trạm là Tam Đảo 930mm, Vĩnh Yên 506mm, Tam Dương 482mm, Bình Xuyên 480mm, Phúc Yên 314mm. Cấp độ rủi ro thiên tai do mưa lớn ở cấp độ 2. Từ ngày 25/5 - 31/5/2022 trên địa bàn tỉnh tiếp tục có mưa rào và rải rác có dông với lượng mưa phổ biến từ 50-150mm.

Mưa lớn đã gây ngập úng trên diện rộng, mực nước trên sông Phó Đáy tại xã Kim Xá, huyện Vĩnh đạt 13,8m, vượt báo động 1 là 0,3m; mực nước các sông nội đồng dâng cao; mực nước tại các hồ chứa lớn trên địa bàn tỉnh lên nhanh và ở ngưỡng rất cao và phải xả tràn các hồ Thanh Lanh, Đại Lải, Xạ Hương; 7 hồ phải xả tràn tự gây áp lực thoát lũ cho vùng hạ du. Mưa lũ đã làm 6 người chết, 2 người bị thương; làm ngập lụt nhiều địa điểm trên địa bàn tỉnh đặc biệt tại thành phố Vĩnh Yên, Khu công nghiệp trên địa bàn huyện Bình Xuyên; sạt lở nhiều địa điểm quốc lộ 2B đi Tam Đảo; ngập úng trên 12.600ha lúa, hoa màu, thủy sản.

Hiện nay, phần lớn lượng nước trên địa bàn tỉnh tiêu thoát qua hệ thống sông Phan, sông Cà Lồ rồi đổ ra sông Cầu. Tuy nhiên mực nước sông Cầu cũng đang ở mức cao khó tiêu thoát nước cho các sông trên địa bàn tỉnh

Qua kiểm tra, đồng chí Trần Quang Hoài đề nghị Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh chun bị đầy đủ lực lượng bảo vệ, tuần tra, canh gác, hộ đê kịp thời; rà soát các vị trí xung yếu cần được nâng cấp; xử lý dứt điểm các vụ vi phạm bảo vệ hành lang đê điều; chỉ đạo các địa phương có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét kịp thời di dời Nhân dân, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của Nhân dân; vận hành bảo đảm an toàn công trình và hạ du hồ chứa nước; nhân rộng các mô hình xây dựng tuyến đê kiểu mẫu gắn với phong trào xây dựng nông thôn mới tại các địa phương. Đồng thời, cử cán bộ tham gia các lớp tập huấn, đào tạo cho cán bộ chuyên trách về quản lý đê điều; nhanh chóng đẩy nhanh tiến độ dự án Quản lý ngập lụt của tỉnh, công tác quản lý, vận hành sau khi hoàn thành.

Đối với các đề xuất, kiến nghị của tỉnh cần có báo cáo đánh giá sơ bộ để kịp thời báo cáo đến Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để xem xét, giải quyết kịp thời./.

Lưu Trường