Bộ trưởng Tài chính cho biết giảm thuế xăng dầu hay không thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ rà soát lại thuế, phí xăng dầu và xem trách nhiệm thuộc bên nào.
Một trong những nội dung được quan tâm nhất trong phiên chất vấn Bộ trưởng Tài chính sáng nay (8/6) là về vấn đề giá xăng dầu tăng cao. Đại biểu Quốc hội đề xuất xem xét giảm thuế để hạ giá xăng.
Cụ thể, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) đặt vấn đề, trước tình hình giá xăng dầu tăng cao phức tạp, nhiều ý kiến cho rằng cần giảm thuế đối với mặt hàng này để hỗ trợ người dân, quan điểm Bộ trưởng về vấn đề này ra sao.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Bộ trưởng Tài chính rà soát lại các loại thuế và phí xăng dầu (Ảnh: Quốc Chính).
Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, giá xăng dầu gần đây tăng cao. Song nếu so với các nước xung quanh thì giá xăng của Việt Nam vẫn rẻ hơn. Ông dẫn ví dụ giá xăng tại Lào, Thái Lan, Campuchia đang cao hơn Việt Nam từ 2.000 đồng đến 11.000 đồng/lít. Vậy có nên giảm thuế với xăng dầu hay không, theo Bộ trưởng, vấn đề này thuộc thẩm quyền Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Quốc hội.
Theo Bộ trưởng Phớc, vừa qua, Bộ đã đề xuất giảm 50% thuế bảo vệ môi trường, giảm 24.000 tỷ đồng ngân sách. "Bây giờ còn dư địa giảm tiếp thuế này là 2.000 đồng/lít, nhưng thẩm quyền UBTVQH chỉ được giảm tiếp 1.000 đồng (50%) nữa thôi, còn giảm cả 2.000 đồng thì thẩm quyền của Quốc hội. Với các loại thuế khác như tiêu thụ đặc biệt, thuế VAT, xuất nhập khẩu… thuộc thẩm quyền Quốc hội", Bộ trưởng cho biết.
Do vậy, trước mắt, Bộ Tài chính sẽ đánh giá tác động, báo cáo Chính phủ để trình UBTVQH, trình Quốc hội để có thể giảm thuế, giảm giá xăng dầu. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Tài chính, ngoài giảm thuế thì cũng phải thực hiện chính sách đồng bộ khác, bởi nếu chỉ giảm thuế thì không cẩn thận sẽ bị "chảy" ra nước ngoài.
Thêm nữa, Bộ trưởng cũng lưu ý đến việc tìm nguồn cung giá rẻ khác để nhập khẩu như Hàn Quốc, ngoài việc nhập từ Singapore lâu nay.
Đồng thời, Bộ trưởng cho rằng phải đẩy mạnh sản xuất trong nước vì nhà máy Nghi Sơn hiện sản lượng rất thấp, có những giai đoạn còn dừng lại. "Chúng tôi xin tiếp thu ý kiến đại biểu, chúng tôi sẽ đánh giá tác động, tham mưu cho Chính phủ", Bộ trưởng hứa.
Bộ trưởng Tài chính thông tin, trước có dự định có văn bản đề nghị Chính phủ, đề nghị Quốc hội ủy quyền cho UBTVQH quyết định thuế cho xăng dầu bởi Quốc hội 6 tháng họp một lần. Chỉ khi Quốc hội đồng ý thì Bộ mới có sở để trình.
Không đồng ý với câu trả lời này của Bộ trưởng Tài chính, đại biểu nguyễn Văn Thân (đoàn Thái Bình) cho rằng, trong nền kinh tế thị trường, nếu can thiệp quá nhiều sẽ không vận hành phù hợp với giá thị trường. Đại biểu Thân cho rằng, hãy để tăng giảm theo giá thế giới bởi nếu giảm cái này sẽ ảnh hưởng cái khác. Đại biểu này cho hay nên can thiệp đúng mức, không thể theo hướng giá rẻ nhất với các nước xung quanh.
Về ý kiến đại biểu Thân, ông Hồ Đức Phớc cho biết xăng dầu là mặt hàng bình ổn nên đến lúc nào đó Nhà nước phải can thiệp vào. Giảm giá xăng dầu thì giảm được giá thành sản xuất, thúc đẩy được tăng trưởng, từ đó có tích lũy cho nền kinh tế, chúng ta lại thu thuế được thông qua tăng giá trị ở mặt hàng khác. Đây cũng là giải pháp nhưng giảm tới mức nào thì phải đánh giá được tác động.
Sau phần trả lời của Bộ trưởng Phớc về thuế xăng dầu, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Bộ trưởng cần rà soát lại các loại thuế và phí, xem cái nào thuộc trách nhiệm của Quốc hội, phần nào của UBTVQH và phần nào của Chính phủ.
"Ví dụ như biểu thuế xuất nhập khẩu trong công thức giá cơ sở là trách nhiệm của ai? Có phải của Chính phủ không, không phải cái nào cũng của Quốc hội và UBTVQH", Chủ tịch Vương Đình Huệ nói.
Ngoài ra, theo ông, cần phải nghiên cứu các công vụ và giải pháp để hỗ trợ người dân khó khăn, ngư dân khi giá xăng dầu tăng cao. "Giá theo thị trường nhưng cần có sự quản lý của Nhà nước", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Theo Nguyễn Mạnh/dantri.com.vn
https://dantri.com.vn/kinh-doanh/nong-gia-xang-dau-chu-tich-quoc-hoi-yeu-cau-ra-soat-lai-thue-phi-20220608111023508.htm