Nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội của địa phương gắn với xây dựng nông thôn mới nâng cao, xã Đức Bác, huyện Sông Lô đã chọn 2 thôn Khoái Thượng và Khoái Trung để quy hoạch xây dựng làng nghề trồng hoa, cây cảnh. Hiện, chính quyền địa phương đang tích cực lập hồ sơ trình UBND tỉnh công nhận các làng nghề, hướng tới mục tiêu bảo tồn, phát triển làng nghề, quảng bá thương hiệu, nâng cao đời sống, thu nhập cho Nhân dân.
Nhờ lợi thế đất bãi ven sông, cùng sự cần cù, sáng tạo của người dân, nghề trồng hoa cây cảnh nơi đây đã trở thành cây thế mạnh, góp phần nâng cao thu nhập cho bà con, giải quyết bài toán nông dân bỏ ruộng hoang.
Cho đến nay, số hộ trồng hoa, cây cảnh đã phát triển đến hơn 150 hộ với trên 100 chủng loại hoa, cây cảnh khác nhau như: cây thế các loại, cây bonsai nghệ thuật, hoa giấy ngũ sắc, hoa trà, hải đường. Thu nhập bình quân từ trồng hoa, cây cảnh khoảng 150 triệu đồng/1 hộ/1 năm trở lên.
Tuy nhiên, hoạt động sản xuất của bà con vẫn ở quy mô nhỏ, mang tính tự phát và gặp không ít khó khăn như thiếu mặt bằng để sản xuất tập trung, thiếu đội ngũ lao động có tay nghề cao, thiếu vốn để đầu tư đổi mới công nghệ, sức tiêu thụ sản phẩm còn hạn chế, thường bị thương lái ép giá.
Chính vì vậy, người trồng hoa, cây cảnh nơi đây mong muốn sớm được công nhận làng nghề, được quan tâm đầy đủ để làng nghề có tiềm lực phát triển bền vững. Từ đó, nâng cao vị thế, uy tín, khẳng định thương hiệu, chỗ đứng trên thị trường, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, đời sống cho người dân địa phương.
Để làng nghề trồng hoa phát triển ổn định và bền vững, xã Đức Bác chủ động xây dựng vùng sản xuất hoa tập trung; thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho người trồng hoa; lập hồ sơ trình UBND tỉnh công nhận làng nghề, nâng cao thu nhập cho nhân dân./.
Đặng Thưởng