Chiều 20/6, Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND tỉnh thẩm tra nội dung dự thảo Nghị quyết về một số chính sách hỗ trợ giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2022-2025. Đồng chí Đỗ Thị Thanh Hương, Ủy viên Thường trực HĐND tỉnh, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND tỉnh chủ trì buổi thẩm tra.
Đồng chí Đỗ Thị Thanh Hương, Trưởng Ban Văn hóa-Xã hội, HĐND tỉnh phát biểu kết luận buổi thẩm tra.
Từ năm 2007 đến nay, HĐND tỉnh đã ban hành nhiều Nghị quyết nhằm giải quyết việc làm cho người lao động. Tính riêng trong giai đoạn 2016-2020, toàn tỉnh đã hỗ trợ việc làm cho hơn 11 nghìn lao động với tổng số tiền hỗ trợ hơn 400 tỷ đồng.
Tại buổi thẩm tra các đại biểu đã tập trung làm rõ một số nội dung của tờ trình dự thảo Nghị quyết về một số chính sách hỗ trợ giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2022-2025 hướng đến hỗ trợ cho người dân tự tạo việc làm tại chỗ; đi làm việc ở nước ngoài theo Luật người lao động Việt Nam. Ưu tiên hỗ trợ người lao động vay vốn là người thuộc diện hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng; người thuộc hộ nghèo, cận nghèo theo quy định của pháp luật; người dân tộc thiểu số; người khuyết tật; người chấp hành xong án phạt tù.
Người lao động trong nước được hỗ trợ vay không phải bảo đảm tiền vay tối đa 100 triệu đồng từ nguồn vốn giải quyết việc làm của tỉnh ủy thác qua Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh. Thời hạn vay vốn tối đa 120 tháng. Người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được hỗ trợ 15 triệu đồng/người đối với người lao động thuộc đối tượng ưu tiên và 12 triệu đồng/người đối với các đối tượng khác.
Ý kiến của các đại biểu tại buổi thẩm tra đều khẳng định sự cần thiết ban hành Nghị quyết; đồng thời cho rằng Nghị quyết cần quy định cụ thể về điều kiện hỗ trợ, mức vay, thời gian vay vốn; trình tự thủ tục, thành phần hồ sơ, quy trình, thời gian; cắt giảm thủ tục hành chính, giúp người lao động dễ dàng tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ.
Phát biểu kết luận buổi thẩm tra, đồng chí Đỗ Thị Thanh Hương đề nghị trên cơ sở ý kiến các đại biểu, cơ quan soạn thảo xem xét, thống nhất, bổ sung một số nội dung, căn cứ pháp lý, số liệu thực tiễn để hoàn thiện các báo cáo, tờ trình, dự thảo Nghị quyết. Đồng thời, bảo đảm hồ sơ về quy trình, thủ tục; lưu ý hoàn thiện một số lỗi kỹ thuật trong quá trình soạn thảo văn bản. Các sở, ngành, địa phương cần phối hợp chặt chẽ, sớm hoàn thiện báo cáo trình HĐND tỉnh tại kỳ họp tới./.
Trường Giang