Cập nhật: 23/06/2022 17:33:00
Xem cỡ chữ

Năm 2022 tình hình diễn biến thời tiết rất phức tạp; trong những ngày qua trên địa bàn tỉnh đang xuất hiện thời tiết nắng nóng, khô hanh, đây cũng là thời điểm người dân trên địa bàn xử lý thực bì để chuẩn bị hiện trường trồng rừng.

Theo dự báo, thời gian tới, diễn biến thời tiết phức tạp, khó lường, xuất hiện nhiều đợt nắng nóng kéo dài, nguy cơ xảy ra cháy rừng rất cao.

Để chủ động triển khai các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR), nhằm giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại do cháy rừng gây ra. UBND tỉnh chỉ đạo và yêu cầu tổ chức, triển khai thực hiện có hiệu quả một số nội dung sau:

1. Thủ trưởng các Sở, ban, ngành; UBND các huyện, thành phố có rừng và Thường trực Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh khẩn trương triển khai quán triệt, thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; Thông tư số 25/2019/TT- BNNPTNT ngày 27/12/2019 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về phòng cháy và chữa cháy rừng; thực hiện và chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp theo Điều 102 của Luật Lâm nghiệp, Quyết định số 07/2012/QĐ-TTg ngày 08/02/2012 của Thủ tướng Chính phủ; chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 5256/VPCP -NN ngày 30/6/2020 của Văn phòng Chính phủ về tăng cường công tác phòng cháy chữa cháy rừng, Công điện số 905/CĐ-TTg ngày 01/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường các biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng; Công điện số 3249/CĐ-BNN-TCLN ngày 01/6/2021 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về tăng cường các biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng; Kết luận số 57-KL/TU ngày 19/11/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh; Chỉ thị số 02/CT-UBND ngày 31/3/2020 của UBND tỉnh về việc tăng cường các biện pháp cấp bách phòng cháy chữa cháy rừng, bảo vệ rừng; Kế hoạch số 131/KH-UBND ngày 24/5/2022 của UBND tỉnh về Kế hoạch PCCCR trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc năm 2022 - 2023;

Chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện Quyết định số 44/2021/QĐ-UBND ngày 17/08/2021 của UBND tỉnh về ban hành Quy định trách nhiệm, quan hệ phối hợp giữa các cấp, các ngành trong công tác quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng; phát triển, sử dụng rừng và quản lý lâm sản; xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.

2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố có rừng:

Rà soát lại toàn bộ cơ sở vật chất, trang thiết bị của tỉnh bảo đảm công tác phòng chống cháy rừng đạt hiệu quả; kịp thời tham mưu, đề xuất với UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện chủ trương và giải pháp về PCCCR; tăng cường chỉ đạo, kiểm tra công tác PCCCR tại các địa phương, nhất là các khu vực trọng điểm về cháy rừng; xử lý nghiêm minh những hành vi vi phạm các quy định về PCCCR;

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong dự báo, cảnh báo nguy cơ cháy rừng và phát hiện sớm cháy rừng, đảm bảo phù hợp, sát thực tiễn, hiệu quả, sẵn sàng hỗ trợ các địa phương khi xảy ra cháy rừng;

Rà soát lại các văn bản đã chỉ đạo, cập nhật bổ sung và xây dựng dự thảo đề xuất Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Chỉ thị về tăng cường các biện pháp phòng cháy chữa cháy rừng, bảo vệ rừng để thay thế Chỉ thị số 02/CT-UBND ngày 31/3/2020 của UBND tỉnh;

Chủ động, tăng cường công tác nắm tình hình diễn biến thời tiết và các địa điểm có nguy cơ cao xẩy ra cháy rừng, tổng hợp báo cáo Lãnh đạo UBND tỉnh kịp thời chỉ đạo không để bị động, bất ngờ khi tình huống cháy rừng xẩy ra.

3. Đối với các huyện, thành phố có rừng khẩn trương triển khai một số biện pháp cấp bách sau:

Chỉ đạo UBND xã, phường, thị trấn có rừng và các cơ quan chức năng thực hiện nghiêm trách nhiệm quản lý về công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát về PCCCR;

Chỉ đạo các lực lượng liên ngành (Kiểm lâm, Công an, Quân đội) thực hiện quy chế phối hợp trong công tác PCCCR, bảo vệ rừng; phối hợp chặt chẽ với UBND cấp xã và chủ rừng trên địa bàn khu vực giáp ranh tăng cường kiểm tra công tác PCCCR trên địa bàn; Kiểm tra lực lượng, phương tiện, vật tư, kinh phí để sẵn sàng tham gia chữa cháy rừng theo phương châm 4 tại chỗ, đảm bảo xử lý kịp thời các tình huống cháy rừng xảy ra;

Chỉ đạo các đơn vị, chủ rừng chủ động rà soát các phương án PCCCR đã xây dựng và có phương án sẵn sàng thực hiện sơ tán dân khi cần thiết; chủ động di dời dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của Nhân dân và Nhà nước;

Chỉ đạo tăng cường công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức khác nhau; trong đó, hình thức tuyên truyền về PCCCR trên Đài truyền thanh của cấp huyện và hệ thống loa truyền thanh của cấp xã phải được ít nhất 3 lượt/ngày;

Thường xuyên theo dõi thông tin cảnh báo cháy rừng trên hệ thống thông tin cảnh báo cháy sớm của Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh Vĩnh Phúc để kiểm tra, phát hiện sớm điểm cháy rừng. Báo cáo ngay khi phát sinh cháy rừng về cơ quan thường trực PCCCR, BVR tỉnh (Chi cục Kiểm lâm tỉnh) để phối hợp chỉ đạo;

Rà soát lại toàn bộ cơ sở vật chất, trang thiết bị... để kịp thời triển khai phương án của Kế hoạch số 131/KH-UBND ngày 24/5/2022 của UBND tỉnh về Kế hoạch PCCCR trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc năm 2022 - 2023 khi có tình huống cháy rừng xảy ra; chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp điều tra làm rõ nguyên nhân, đối tượng vi phạm để xử lý theo quy định của pháp luật và xử lý nghiêm trách nhiệm quản lý của người dứng đầu khi để xảy ra cháy rừng.

4. Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh chỉ đạo chuẩn bị các phương án, lực lượng, phương tiện tham gia phòng chống cháy rừng, sẵn sàng ứng cứu các tình huống khẩn cấp về cháy rừng khi có tình huống; Công an tỉnh tổ chức điều tra, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm về phòng cháy, chữa cháy rừng theo quy định của pháp luật.

5. Sở Tài chính trên cơ sở đề xuất của các đơn vị tham mưu UBND tỉnh cân đối, bố trí kinh phí mua sắm, bổ sung trang thiết bị, vật tư phục vụ công tác PCCCR; hướng dẫn việc sử dụng kinh phí cho PCCCR đảm bảo thiết thực, hiệu quả.

6. Thường trực Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh triển khai, thực hiện nhiệm vụ được phân công nhằm đảm bảo tốt công tác theo kế hoạch của tỉnh;

7. Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Vĩnh Phúc và các cơ quan thông tấn, báo chí đóng trên địa bàn tỉnh có trách nhiệm tăng cường công tác truyền thông, phổ biến rộng rãi về công tác chỉ đạo phòng chống cháy rừng của tỉnh và chỉ đạo của UBND tỉnh tại công văn này; kịp thời đưa thông tin về cảnh báo và dự báo cháy rừng trong thời kỳ cao điểm.

8. Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, thủy văn và thông báo kịp thời, chính xác cho các ngành liên quan để chủ động phối hợp đối phó với mọi tình huống xấu có thể xẩy ra.

9. Các Sở, ban, ngành, đoàn thể, đơn vị tùy theo chức năng, nhiệm vụ để huy động lực lượng, phương tiện tham gia chữa cháy rừng khi có yêu cầu của Ban Chỉ huy tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ và Phòng chống thiên tai tỉnh.

ĐT