Một số lãnh đạo thuộc 7 nước công nghiệp hàng đầu thế giới G7 đã bày tỏ sự ủng hộ về đề xuất về việc đặt giá trần cho dầu và khí đốt Nga, động thái có thể khiến doanh thu của Kremlin sụt giảm mạnh.
Kinh tế Nga vẫn chống chịu được lệnh trừng phạt nhờ giá năng lượng tăng vọt (Ảnh minh họa: Reuters).
Guardian đưa tin, trong cuộc họp thượng đỉnh G7 ngày 26/10 tại Đức, đề xuất về việc đặt trần cho giá dầu và khí tự nhiên chảy qua đường ống của Nga đã bắt đầu nhận được sự ủng hộ từ các lãnh đạo.
Theo giới quan sát, chương trình nghị sự dự kiến sẽ được đưa ra bàn bạc chính thức tại hội nghị G7 là các phương pháp nhằm gia tăng áp lực khiến Nga phải từ bỏ chiến dịch quân sự ở Ukraine, mà không dẫn tới những hậu quả lan rộng ảnh hưởng trực tiếp tới phương Tây và toàn cầu.
Đề xuất về việc đặt mức giá trần cho dầu và khí đốt qua đường ống của Nga là ý tưởng của Thủ tướng Italy Mario Draghi và nó đã nhận được sự ủng hộ của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Một nguồn tin nói với Guardian rằng: "Giờ đây có một sự lạc quan đang gia tăng rằng phương án này sẽ được thông qua".
Mức giá trần áp lên khí đốt chảy qua đường ống của Nga được hiểu là các quốc gia châu Âu sẽ từ chối trả nhiều tiền hơn một mức được quy định cho khí tự nhiên của Moscow. Đề xuất này dựa vào giả thuyết là Nga trong thời gian ngắn hạn sẽ không kiếm được thị trường thay thế đủ lớn để bán khí đốt chảy qua đường ống như châu Âu. Vì vậy, nếu châu Âu áp giá trần, Nga sẽ có 2 phương án là hoặc mất đi lợi nhuận khổng lồ thông qua việc khóa van cấp khí đốt sang châu Âu, hoặc chấp nhận nhượng bộ bán theo mức giá trần mà phương Tây quy định. Khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) không bị áp giá trần.
Thủ tướng Draghi nói với G7: "Việc áp trần giá nhiên liệu hóa thạch nhập khẩu từ Nga có mục tiêu địa chính trị cũng như kinh tế và xã hội. Chúng ta cần giảm việc đổ tiền cho Nga. Và chúng ta cần loại bỏ một trong những nguyên nhân chính gây ra lạm phát. Chúng ta phải tránh những sai lầm mắc phải sau cuộc khủng hoảng năm 2008. Chúng ta phải giảm thiểu tác động của việc tăng giá năng lượng, hỗ trợ cho các gia đình và doanh nghiệp gặp khó khăn, cũng như đánh thuế các công ty có lợi nhuận đột biến".
Với dầu thô, đề xuất đặt giá trần sẽ hoạt động theo cơ chế rằng nếu các công ty cấp bảo hiểm cho tàu chở dầu của Nga cho phép dầu được bán vượt giá trần, các công ty trên sẽ bị trừng phạt.
Đề xuất đặt giá trần cho năng lượng của Nga được Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen tích cực ủng hộ.
Sản lượng dầu của Nga đã giảm dưới áp lực của các lệnh trừng phạt, nhưng doanh thu trên mỗi thùng của nước này vẫn tăng do giá dầu liên tục phá đỉnh trên toàn cầu, diễn biến mà các nhà lãnh đạo phương Tây không mong xảy ra.
Đức có thể là quốc gia G7 không "mặn mà" với đề xuất áp giá trần lên năng lượng của Nga vì họ phụ thuộc quá lớn vào nguồn cung từ Moscow. Kịch bản Nga ngắt năng lượng cấp tới châu Âu có thể tạo ra thiệt hại nghiêm trọng cho Đức. Tuần trước, Đức đã cảnh báo khủng hoảng năng lượng sau khi Nga giảm 60% lượng khí đốt sang châu Âu vì lý do kỹ thuật.
Nếu Nga quyết định ngắt năng lượng cấp sang châu Âu, EU sẽ gặp khó khăn nghiêm trọng trong việc lấp đầy kho dự trữ khí đốt mà họ cần để chống chọi qua mùa đông năm nay. Các nước EU có mục tiêu lấp đầy dự trữ khí đốt của họ ở mức tối thiểu là 80% nhưng họ đang thiếu rất nhiều để đạt được mức này.
Theo Đức Hoàng/ dantri.com.vn/Guardian
https://dantri.com.vn/the-gioi/phuong-tay-ruc-rich-tung-vu-khi-moi-nham-vao-dau-mo-khi-dot-nga-20220627115033218.htm