Cập nhật: 05/07/2022 17:00:00
Xem cỡ chữ

Tại bản giải trình gửi tòa án trước phiên xét xử phúc thẩm vụ án liên quan gói thầu số hóa diễn ra, ông Nguyễn Đức Chung, cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội khẳng định, toàn bộ cơ sở dữ liệu về đăng ký doanh nghiệp do Sở KH&ĐT quản lý đã được đấu nối liên thông, nên giúp cho việc đăng ký thành lập doanh nghiệp mới của người dân trên địa bàn Hà Nội rút xuống từ 5 ngày còn 1 ngày...

Ngày 11/7, TAND Cấp cao tại Hà Nội sẽ mở phiên phúc thẩm, xét đơn kháng cáo của ông Nguyễn Đức Chung, cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội trong vụ án can thiệp vào gói thầu số hóa xảy ra tại Sở KH&ĐT.

Trước phiên phúc thẩm, ông Chung gửi đơn giải trình dài 58 trang tới Tòa án Nhân dân cấp cao tại Hà Nội, trong đó khẳng định, từ cuối năm 2015, ông đã yêu cầu tất cả các quận, huyện, sở ngành dừng các dự án về công nghệ thông tin để rà soát, xây dựng hệ thống dùng chung cho toàn thành phố. Mục đích nhằm sử dụng có hiệu quả nguồn tiền từ ngân sách thành phố, đảm bảo hiệu quả tiết kiệm, chống lãng phí, thất thoát.

Đến tháng 2/2016, UBND TP Hà Nội giao nhiệm vụ cụ thể cho Sở KH&ĐT về việc bổ sung hai nội dung vào kế hoạch đấu thầu và hồ sơ mời thầu gói thầu số hóa. Thứ nhất là phải tích hợp toàn bộ kết quả số hóa hồ sơ đăng ký doanh nghiệp vào phần mềm quản lý doanh nghiệp và hộ kinh doanh cá thể. Thứ hai là toàn bộ dữ liệu này phải được lưu trữ tại cơ sở dữ liệu chung của thành phố.

Tuy nhiên, đến thời điểm chiều ngày 15/5/2016, khi ông Chung gọi điện cho ông Nguyễn Văn Tứ, cựu Giám đốc Sở KH&ĐT để kiểm tra thì được biết Sở này vẫn chưa bổ sung nội dung chỉ đạo nêu trên vào hồ sơ mời thầu.

“Đây chính là nguyên nhân quan trọng số 1 để tôi làm căn cứ yêu cầu anh Nguyễn Văn Tứ phải thực hiện đình chỉ mời thầu vào sáng ngày 16/5/2016”, bản giải trình nêu.

Ông Nguyễn Đức Chung giải trình gì trước phiên phúc thẩm vụ can thiệp gói thầu số hóa? ảnh 1

Ông Nguyễn Đức Chung tại tòa sơ thẩm.

Đề nghị tòa xem xét thấu tình đạt lý

Tại bản giải trình, ông Chung cũng liệt kê rất nhiều thành tích của Hà Nội, lợi ích của người dân khi Hà Nội triển khai tích hợp các dữ liệu doanh nghiệp và phần mềm dùng chung của thành phố.

Theo ông Chung, toàn bộ cơ sở dữ liệu về đăng ký doanh nghiệp do Sở KH&ĐT quản lý đã được đấu nối liên thông để chia sẻ dùng chung giữa các đơn vị, nên đã giúp cho việc đăng ký thành lập doanh nghiệp mới của người dân trên địa bàn Hà Nội rút xuống từ 5 ngày còn 1 ngày; từ 7 lần đi lại còn 1 lần đi lại.

Chính nhờ kết quả này mà sau đó UBND TP đã tổ chức sắp xếp lại từ 3 phòng đăng ký kinh doanh xuống còn 1 phòng đăng ký kinh doanh (thuộc Sở KH&ĐT Hà Nội). Giảm 2 trưởng phòng, 6 phó phòng và 86 cán bộ. Kết Quả này cũng là 1 nguyên nhân quan trọng giúp làm tăng chỉ số CPI của thành phố vào năm 2015 từ thứ 24 xuống thứ 17 vào năm 2016; thứ 14 vào năm 2017 xuống thứ 9 năm 2018.

Ngoài ra, việc đưa vào hệ thống đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử lên hơn 90% từ ngày 1/1/2018, góp phần tăng số doanh nghiệp thành lập mới của thành phố lên hơn 30.000/năm vào các năm 2018, 2019. Từ đó, góp phần tăng tỷ lệ thu nội địa của khối doanh nghiệp tư nhân từ 31 % lên 39 % vào 2018. Đồng thời, giảm các tiêu cực tham nhũng vặt khi người dân làm thủ tục đăng ký doanh nghiệp qua mạng.

Cuối giải trình, ông Chung đề nghị tòa phúc thẩm căn cứ vào các thành tựu của Hà Nội, thành tích của cá nhân ông khi còn công tác tại Công an, UBND TP để ra quyết định thấu tình đạt lý.

Trước đó, tháng 12/2021, TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm, tuyên ông Nguyễn Đức Chung 3 năm tù về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ".

Các bị cáo Nguyễn Văn Tứ (cựu Giám đốc Sở KH&ĐT Hà Nội) bị tuyên mức án 30 tháng tù; Nguyễn Tiến Học (cựu Phó Giám đốc) lĩnh 2 năm 6 tháng tù; Phạm Thị Kim Tuyến (cựu Trưởng phòng) 4 năm 6 tháng tù; Phạm Thị Thu Hường (cựu Chánh văn phòng) 3 năm 6 tháng tù. Hai bị cáo Võ Việt Hùng (cựu Giám đốc Công ty Đông Kinh) nhận mức phạt 4 năm tù và Lê Duy Tuấn (cựu Giám đốc kinh doanh công ty này) 3 năm 6 tháng tù giam.

Về trách nhiệm dân sự, tòa buộc Công ty Đông Kinh nộp lại hơn 6 tỷ đồng thu lợi bất chính cho Sở KH&ĐT Hà Nội. Ông Nguyễn Văn Tứ và 5 bị cáo (trừ ông Chung) phải liên đới bồi thường gần 20 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Đức Chung hiện đang chịu tổng mức phạt 10 năm tù trong hai vụ án "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" liên quan đến việc mua chế phẩm Redoxy-3C xử lý ô nhiễm sông, hồ và vụ án "Chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước".

Theo Hoàng An/tienphong.vn

https://tienphong.vn/ong-nguyen-duc-chung-giai-trinh-gi-truoc-phien-phuc-tham-vu-can-thiep-goi-thau-so-hoa-post1451151.tpo