Cập nhật: 20/07/2022 07:30:00
Xem cỡ chữ

Cuộc xung đột Nga-Ukraine đã bước sang tháng thứ 6 với những trận chiến ác liệt tại khu vực Donbass, nhưng những lằn ranh đỏ thực sự vẫn chưa bị phá vỡ. Kể từ khi chiến sự bùng phát cả Nga và phương Tây dường như đã đưa ra một loạt quy tắc bất thành văn.

Theo đó, phương Tây dù chuyển giao vũ khí hạng nặng và cung cấp thông tin tình báo cho Ukraine nhưng không điều động quân đội tham chiến trực tiếp để tránh xung đột với Nga. Còn Moscow vẫn dừng lại ở việc triển khai các loại vũ khí thông thường, tránh sử dụng vũ khí hạt nhân, đồng thời giới hạn các cuộc tấn công bên trong biên giới Ukraine.

 quy tac bat thanh van cua nga va my trong cuoc xung dot ukraine hinh anh 1

Binh sỹ Ukraine tại Lysychansk, Donbass, hôm 23/5. Ảnh: AFP.

Cho đến thời điểm hiện tại, những quy tắc này vẫn tiếp tục được tuân thủ. Đây là bằng chứng cho thấy cả Tổng thống Nga Putin lẫn Tổng thống Mỹ Joe Biden đều không muốn xung đột leo thang. Nhưng nhiều nhà phân tích cho rằng, một cuộc chiến quy mô lớn hơn vẫn có thể xảy ra bởi không có bất cứ cơ chế quốc tế nào để kiểm soát xung đột.

Mỹ không có khả năng kết thúc chiến tranh theo các điều kiện của nước này, cả Nga và Ukraine cũng vậy. Nhiều cuộc đàm phán giữa Kiev và Moscow đã đổ vỡ dù có rất nhiều nỗ lực ngoại giao con thoi nhằm thúc đẩy các cuộc đối thoại giữa các bên. Không có bất cứ cuộc tiếp xúc ngoại giao nào giữa Nga và Mỹ kể từ khi Moscow phát động chiến dịch quân sự từ cuối tháng 2. Số lượng các quốc gia can dự và những công nghệ mới được sử dụng trên chiến trường đã khiến tình hình chiến sự trở nên phức tạp hơn.

Quy tắc bất thành văn

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đặt ra những giới hạn nhất định liên quan đến tình hình Ukraine. Mỹ sẽ không điều quân đội tham chiến trực tiếp và cũng không phản đối những quốc gia NATO khác tham gia vào cuộc chiến. Mặc dù Washington cung cấp một số lượng lớn vũ khí cho Ukraine nhưng ông Biden khẳng định rằng, động thái này không nhằm gây hấn với Nga mà mục địch chính là giúp Ukraine “đảm bảo quyền tự vệ”. Nhà lãnh đạo Mỹ muốn Ukraine giành chiến thắng và giành lại những vùng lãnh thổ đã mất, song ông không muốn xung đột leo thang thành một cuộc chiến tranh lớn ở châu Âu.

 quy tac bat thanh van cua nga va my trong cuoc xung dot ukraine hinh anh 2

Binh sĩ Ukraine bên cạnh xe tải chở một lô tên lửa Javelin do Mỹ chuyển giao hồi tháng 2/2022. Ảnh: AFP.

Còn phía Nga tuyên bố sẽ không sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine vì điều này không phù hợp với nhiệm vụ của chiến dịch quân sự đặc biệt. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Alexei Zaisev nêu rõ, Nga giữ vững nguyên tắc, theo đó trong chiến tranh hạt nhân sẽ không có bên chiến thắng. Vì vậy, không được phép khơi mào chiến tranh hạt nhân.

Đến thời điểm hiện tại, Moscow vẫn giới hạn các cuộc tấn công bên trong lãnh thổ Ukraine và tránh để xung đột bùng phát với các quốc gia NATO. Hồi tháng 6 vừa qua, khi căng thẳng giữa Nga và Litva leo thang liên quan đến việc Litva phong tỏa tuyến đường sắt vận chuyển hàng hóa tới vùng lãnh thổ hải ngoại Kaliningrad của Nga, ông Putin đã đe dọa đáp trả bằng các sẽ đáp trả các biện pháp trừng phạt theo cách có thể "gây ra những tác động vô cùng tiêu cực" tới người dân Litva. Tuy nhiên, Moscow vẫn chưa thực hiện bất cứ động thái gì ngoài cảnh báo cứng rắn. Tổng thống Putin có lẽ hiểu rằng, nếu Nga tấn công Litva, Mỹ và các nước NATO khác sẽ đáp trả theo Điều 5 của Hiệp ước NATO và một chương mới trong cuộc chiến có thể được mở ra.

Giới phân tích cho rằng, bất chấp việc Nga đang đạt được những bước tiến lớn trên chiến trường Donbass, nước này sẽ không đủ khả năng để chuẩn bị cho cuộc chiến tranh rộng lớn hơn. Một phần do những tổn thất nghiêm trọng sau các cuộc giao tranh khốc liệt với quân đội Ukraine. Trong khi đó, một cuộc xung đột với NATO đòi hỏi các lực lượng của Moscow phải được trang bị tốt cả về binh lực lẫn vật lực.

Dư âm của Chiến tranh Lạnh

Chiến tranh Lạnh có thể cung cấp những chỉ dẫn hữu ích cho những gì sẽ xảy ra tiếp theo trong cuộc chiến Nga-Ukraine. Trong thời kỳ chiến tranh Lạnh, cuộc đối đầu giữa Mỹ và Liên Xô được cho là đã kết thúc hòa bình, nhưng phía sau đó là góc tối của những cuộc xung đột cận kề và sự leo thang diễn ra theo từng đợt. Một số nhà quan sát cho rằng, cuộc chiến tại Ukraine có thể diễn ra theo mô hình này và các nhà chính sách lẫn nhà ngoài giao ở cả hai bờ Đại Tây Dương thậm chỉ phải chuẩn bị cho kịch bản này kỹ lưỡng hơn là một kịch bản xung đột leo thang.

Đối với các nước phương Tây, điều quan trọng nhất dường như là giữ cho các binh sỹ của họ không phải ra chiến trường. Về phần mình, Nga đã không tấn công vào các đoàn xe chở vũ khí tiến vào Ukraine khi chúng vẫn đang ở trên lãnh thổ NATO. Moscow cũng không thực hiện hành động mạnh tay khi các nhà lãnh đạo hoặc các quan chức của Mỹ và châu Âu đén thăm Ukraine. Sự kiềm chế như vậy không xảy ra trong Thế chiến II nhưng lại là dấu hiện điển hình của thời kỳ Chiến tranh Lạnh.

Điều gì sẽ phá vỡ giới hạn đỏ

Bất chấp nỗ lực của ông Biden và ông Putin nhằm tránh một cuộc chiến tranh lan rộng, không có gì đảm bảo xung đột sẽ bị giới hạn trong phạm vi nhất định. Thay vì đó, nó có thể vượt ra ngoài tầm kiểm soát dù không bên bên nào chủ ý đẩy căng thẳng lên cao trào hoặc sử dụng vũ khí hạt nhân. Theo các nhà phân tích, sự leo thang do vô tình còn đáng sợ hơn sự leo thang có chủ ý vì các bên có thể hiểu nhầm ý định của nhau. Vậy điều gì có thể phá vỡ giới hạn đỏ?

Trước hết là một tai nạn bất ngờ. Tiếp theo là một chuỗi những sự kiện đòi hỏi các bên phải thực hiện hành động gây leo thang một cách có chủ ý. Theo các nhà quan sát, cuộc xung đột tại Ukraine sẽ không thể tránh những sự cố ngoài ý muốn. Chẳng hạn như tên lửa hay pháo binh của Nga có thể bay lạc sang lãnh thổ của một nước thành viên NATO. Khi đó, Mỹ sẽ coi vụ việc như vậy là một hành vi có chủ ý do Điện Kremlin chỉ đạo và thực hiện hành động đáp trả. Tất yếu một cuộc xung đột giữa Nga và NATO sẽ xảy ra. Do các bên có rất ít kênh liên lạc, tiếp xúc nên rất khó để đưa ra sự giải thích chính đáng. 

Kịch bản khác là trong khi tấn công các mục tiêu quân sự của Nga, quân đội Ukraine có thể tính toán sai lầm và tấn công một mục tiêu dân sự bên trong lãnh thổ Nga. Điện Kremlin có thể cho rằng, các quốc gia phương Tây đang đứng sau cuộc tấn công này của Kiev và sẽ quyết định tấn công các nguồn cung cấp vũ khí cho Ukraine, nằm ở gần, thậm chí ngay trên lãnh thổ NATO.

Bất chấp những rủi ro nói trên, “cái đầu lạnh” của các bên có thể giữ cho xung đột Nga-Ukraine không vượt khỏi tầm kiểm soát. Trong trường hợp xảy ra sự cố, điều quan trọng là cả Nga và NATO phải xem xét sự việc một cách kỹ lưỡng, đồng thời tránh hành động “ăn miếng trả miếng”. Nếu không, cả hai bên sẽ khó có thể đảo ngược một chu kỳ leo thang không cần thiết./.

Theo Hồng Anh/VOV.VN (biên dịch)

https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/quy-tac-bat-thanh-van-cua-nga-va-my-trong-cuoc-xung-dot-ukraine-post957744.vov