Cập nhật: 26/07/2022 11:20:00
Xem cỡ chữ

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 7/2022 để xem xét 4 dự án luật, 1 đề nghị xây dựng luật và 1 nghị quyết của Chính phủ.

Dự phiên họp sáng 26/7, tại trụ sở Chính phủ còn có các Phó Thủ tướng: Phạm Bình Minh, Lê Minh Khái, Vũ Đức Đam, Lê Văn Thành; các Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.  

thu tuong chu tri phien hop chinh phu chuyen de xay dung phap luat hinh anh 1

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 7/2022

Phát biểu mở đầu phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, việc hoàn thiện thể chế là 1 trong 3 đột phá chiến lược. Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Chính phủ rất quan tâm và tập trung cho công tác này. Cùng với tăng cường tần suất họp để xem xét các dự án luật, Chính phủ đã tập trung chỉ đạo nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong xây dựng pháp luật, các văn bản quy phạm pháp luật; nâng cao chất lượng xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật thông qua rà soát thực tiễn, tháo gỡ những vướng mắc, điểm nghẽn về luật pháp, khoảng trống về pháp lý.

Thủ tướng yêu cầu rà soát từ thực tiễn để tích cực bổ sung, hoàn thiện, phục vụ quản lý, điều hành tốt hơn. Cùng với đó, tăng cường siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật; tổ chức nhiều cuộc họp của Thường trực Chính phủ xem xét các văn bản quy phạm pháp luật trước khi trình ra Chính phủ. Quan tâm nguồn lực cho công tác xây dựng pháp luật, văn bản quy phạm pháp luật.

Thủ tướng đề nghị, các bộ, ngành, địa phương tăng cường nguồn lực cho công tác này bởi vẫn còn nhiều nơi chưa thực sự quan tâm. Thủ tướng giao Bộ Tư pháp có hướng dẫn tăng cường nguồn lực cho việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; Bộ Tài chính cần quan tâm về việc này. Các cơ quan phải quan tâm đến nguồn nhân lực, sắp xếp, bố trí cán bộ có năng lực, kinh nghiệm về hoạt động thực tiễn, nghiên cứu làm công tác xây dựng pháp luật của các bộ, ngành.

Cùng với đó, tổ chức thực thi các văn bản pháp luật tích cực hơn, mạnh mẽ hơn, nhất là trong quá trình tổ chức thực thi các văn bản quy phạm pháp luật để thấy vướng ở đâu, thuộc thẩm quyền của ai thì chúng ta kịp thời phát hiện, kịp thời xử lý, nhất là văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ, của các bộ, ngành. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo để hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật các cấp với tinh thần quyết liệt.

thu tuong chu tri phien hop chinh phu chuyen de xay dung phap luat hinh anh 2

Thủ tướng yêu cầu tăng cường siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật

Thủ tướng cho biết, phiên họp này tập trung xem xét 4 dự án luật, gồm Luật Phòng thủ dân sự, Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi), Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), Luật Giao dịch điện tử, là những luật rất cần trong điều kiện hiện nay để thực thi quản lý nhà nước chặt chẽ, hiệu quả hơn, tạo điều kiện cho người dân thực thi pháp luật tốt hơn.

Chính phủ cũng xem xét đề nghị xây dựng Luật Dân số và dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về việc tháo gỡ vướng mắc trong việc bàn giao đất quốc phòng xây dựng nhà ga T3 Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất.

Thủ tướng cho biết, vừa qua các đoàn công tác Chính phủ đi thị sát thấy rõ nhiều vấn đề tồn đọng do các khoảng trống pháp lý, do thiếu các quy định pháp luật, hoặc các quy định không còn phù hợp. Có nhiều công trình, dự án kéo dài mấy chục năm. Có vấn đề đã được đề xuất từ những năm 2000, thậm chí trước đó.

Vì thế, Thủ tướng đề nghị phải rà soát, xem khoảng trống pháp lý ở đâu, việc giải quyết những vướng mắc đó thuộc thẩm quyền của ai? "Chúng ta có phát hiện vấn đề nhưng chưa tích cực giải pháp, dẫn đến xử lý kéo dài. Những dự án lớn, công trình lớn càng kéo dài càng dễ gây lãng phí. Quá trình thực thi nếu có vướng mắc phải kiến nghị tháo gỡ", người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh./.

Theo Vũ Khuyên/VOV

https://vov.vn/chinh-tri/thu-tuong-chu-tri-phien-hop-chinh-phu-chuyen-de-xay-dung-phap-luat-post959076.vov