Cập nhật: 27/07/2022 09:26:00
Xem cỡ chữ

Hôm nay, ngày 27/7/2022 - tròn 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, ngày toàn dân cùng thể hiện truyền thống đạo lý uống nước nhớ nguồn tốt đẹp của dân tộc với nhiều hoạt động đền ơn đáp nghĩa diễn ra sôi nổi ở khắp các địa phương.

Chặng đường 75 năm qua, nhất là từ khi tái lập tỉnh đến nay, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Vĩnh Phúc luôn phát huy truyền thống cách mạng của quê hương, trọn nghĩa vẹn tình với các Anh hùng, liệt sĩ, thương bệnh binh, người có công với cách mạng đã không tiếc máu xương vì độc lập tự do của dân tộc, hạnh phúc của Nhân dân.

Những ngày tháng 7 lịch sử hng năm, khúc ruột Miền Trung đầy nắng gió, một thời bão lửa hay mảnh đất biên giới Tây Bắc tổ quốc một thời khốc liệt trong chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc, từ Thành cổ Quảng Trị đến các Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia đường 9, Trường Sơn; từ các Nghĩa trang liệt sĩ A1, Độc Lập, Him Lam, Tông Khao, tỉnh Điện Biên đến Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Vị Xuyên - Hà Giang địa đầu tổ quốc, nơi có hàng ngàn người con ưu tú của quê hương Vĩnh Phúc đã anh dũng chiến đấu, hi sinh vì độc lập tự do, thống nhất Tổ quốc là địa chỉ đỏ trong hành trình về nguồn tri ân các anh hùng liệt sĩ của các Đoàn cán bộ lãnh đạo tỉnh. Đây là những hành trình đặc biệt ý nghĩa, khi mỗi địa danh lịch sử đều mang dấu ấn của một thời hoa lửa, nhắc nhở mỗi người dân Vĩnh Phúc hôm nay và mai sau ghi nhớ công ơn của các anh hùng liệt sĩ đã dâng hiến cho Đất nước, vì hạnh phúc của Nhân dân.

Màu xanh của cỏ cây giờ đã phủ lên những điểm cao tại Vị Xuyên địa đầu tổ quốc, nơi từng diễn ra những cuộc chiến đấu khốc liệt của bộ đội ta chống quân xâm lược. Đã bao người con đất Việt, trong đó có các chiến sĩ quê hương Vĩnh Phúc anh dũng chiến đấu, hi sinh và nằm lại mảnh đất này để bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng nơi biên cương tổ quốc.

Hiện nay Vĩnh Phúc có trên 138.000 người có công, trong đó có 15.925 liệt sĩ, 1.537 bà mẹ Việt Nam anh hùng, 1.460 anh hùng LLVTND, cán bộ lão thành cách mạng, cán bộ tiền khởi nghĩa; 12.200 thương bệnh binh, 1.100 người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày; 5.600 người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, 1.706 người và gia đình có công giúp đỡ cách mạng và 70.000 người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc được tặng huân, huy chương các loại. 75 năm qua, nhất là từ khi tái lập tỉnh đến nay, Vĩnh Phúc đã quán triệt và triển khai toàn diện các văn bản pháp luật về chính sách ưu đãi người có công, cụ thể hóa sự ưu đãi đặc biệt của Đảng, Nhà nước đối với người có công, góp phần quan trọng bảo đảm an sinh xã hội. Những quyết sách về người có công đã luôn được thực hiện một cách thực chất, hiệu quả với trách nhiệm và lòng biết ơn sâu sắc. 

Vĩnh Phúc là một trong những tỉnh đầu tiên ban hành nghị quyết về chính sách đặc thù hỗ trợ điều dưỡng phục hồi sức khỏe đối với người có công với cách mạng và hỗ trợ hng tháng đối với thanh niên xung phong đã hoàn thành nhiệm vụ trong kháng chiến và cũng là địa phương đi đầu cả nước trong sắp xếp, chỉnh lý và ứng dụng công nghệ thông tin vào lưu trữ hồ sơ người có công.

Đến nay, Vĩnh Phúc đã quy tập được trên 8.500 hài cốt liệt sĩ; đóng góp quỹ đền ơn đáp nghĩa được gần 46 tỷ đồng, xây mới và sửa chữa trên 5000 căn nhà, tặng trên 3000 sổ tiết kiệm với tổng số tiền gần 2 tỷ đồng; hoàn thiện đề án hỗ trợ nhà ở đối với người có công với tổng kinh phí trên 86 tỷ đồng. Hằng năm, ngân sách tỉnh dành trên 30 tỷ đồng để thực hiện chính sách người có công. Dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào, người có công luôn ở vị trí đầu tiên trong thực hiện các chính sách an sinh xã hội.

Tháng 7 hng năm cũng là dịp để tuổi trẻ cả nước trong đó có tuổi trẻ Vĩnh Phúc sôi nổi các hoạt động đền ơn đáp nghĩa tri ân những Anh hùng liệt sĩ, người có công với cách mạng, trong đó có các chương trình tình nguyện hè, tổ chức thăm hỏi, tặng quà gia đình chính sách, tham gia thắp nến tri ân, tu bổ nghĩa trang liệt sĩ.

Phong trào đền ơn đáp nghĩa đã trở thành nét đẹp văn hóa trong đời sống, phần nào góp phần quan trọng bù đắp những cống hiến to lớn của các anh hùng liệt sĩ, thương bệnh binh, người có công với cách mạng và sẽ tiếp tục lan tỏa để mỗi người Việt Nam hôm nay luôn trọn nghĩa, vẹn tình với nhiều hành động thiết thực, ý nghĩa tri ân những người có công với Tổ quốc.

Tuyết Minh