Những ngày tháng 7, nhiều cựu tù chính trị Côn Đảo trở lại thăm Côn Đảo - nơi giam giữ, tra tấn dã man các chiến sỹ cách mạng, nhà yêu nước và kể lại cho nhau nghe ký ức một thời.
Bà Trương Mỹ Hoa, nguyên Phó Chủ tịch nước, cựu tù chính trị Côn Đảo, cùng đồng đội thăm bà Nguyễn Thị Ni hay còn gọi là bà Tư Hoàng (sinh năm 1939), cựu tù Côn Đảo hiện đang sinh sống ở huyện Côn Đảo. (Ảnh: Thanh Vũ/ TTXVN)
Trong 160 năm tồn tại, hệ thống nhà tù tại Côn Đảo có gần 113 năm giam giữ cán bộ, chiến sỹ yêu nước trong cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ trước ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước năm 1975.
Thông tấn xã Việt Nam xin giới thiệu 2 bài viết về trường học cách mạng với khúc ca bi tráng của vùng đất Côn Đảo thiêng liêng.
Bài 1: Hồi ức về Côn Đảo
Những ngày tháng 7, nhiều cựu tù chính trị Côn Đảo trở lại thăm Côn Đảo - nơi giam giữ, tra tấn dã man các chiến sỹ cách mạng, nhà yêu nước và kể lại cho nhau nghe ký ức một thời tranh đấu hào hùng trong gông cùm, bên trong song sắt.
Thắp nén hương thơm cho đồng đội, đồng chí ở nghĩa trang Hàng Dương, Hàng Keo hay Cầu tàu 914, nhiều cựu tù Côn Đảo không khỏi nghẹn lòng bởi sự hy sinh anh dũng kiên cường, bất khuất của nhiều bạn tù vì độc lập, tự do, thống nhất nước nhà.
Một thời hoa lửa bi hùng
Năm nào cũng vậy, bà Trương Mỹ Hoa, nguyên Phó Chủ tịch nước, cựu tù chính trị Côn Đảo đều trở lại thăm mảnh đất in dấu bao kỷ niệm này. Song lần trở lại nào bà cũng đong đầy cảm xúc, nhất là khi thắp nén hương cho đồng đội, thăm lại “chuồng cọp” - nơi bà cùng bạn tù chính trị đã sống, chiến đấu, kiên định theo con đường cách mạng.
Thăm lại căn phòng giam 27 tại chuồng cọp, nữ cựu tù Côn Đảo nhớ lại những năm tháng bị giam giữ, nhớ về đồng đội năm xưa, nhớ người phụ nữ quê ở Quảng Nam thường được gọi là má Sáu mù bởi lòng khẳng khái.
“Dù 2 mắt đã mù nhưng tinh thần của má Sáu rất sáng tỏ, chí khí quật cường. Nhờ ý chí của Má, của các dì, các chị đã hun đúc cho chúng tôi tinh thần đoàn kết vượt qua mọi khó khăn, chống lại sự đàn áp tàn khốc của kẻ thù…,” nữ cựu tù Côn Đảo bồi hồi nhớ lại.
Với tù nhân nam đã khổ cực, nữ tù chính trị còn cơ cực gấp bội phần. Thường chúng nhốt 5 người trong một buồng, đấu tranh thì 5-7 ngày mới cho tắm một lần, có khi 1-2 tháng không cho tắm.
Có lúc nóng bức quá không chịu được các nữ tù chỉ mặc đồ lót. Cực nhất là những “ngày” của phụ nữ. Nhiều chị em bị hoảng loạn tâm thần, bị tàn tật và không ít người đã chết trong tù do bị đối xử tàn tệ...
Hơn 40 lần trở lại nơi đây kể từ ngày đất nước thống nhất, ông Võ Ái Dân, cựu tù Côn Đảo, nguyên là Vụ trưởng Vụ Công tác phía Nam thuộc Văn phòng Quốc hội (quê ở Bến Tre) vẫn không khỏi lặng mình, bồi hồi xúc động nhớ lại những năm tháng bị tù đày cùng đồng đội đấu tranh bên trong song sắt của nhà tù Côn Đảo từ năm 1964.
Trong cuộc đấu tranh bảo vệ chính nghĩa, bảo vệ đường lối cách mạng, ông cùng đồng đội đã chịu đựng những trận roi đòn, tra tấn dã man.
Trong khoảng thời gian đó, cai ngục nhà tù Côn Đảo đàn áp, sử dụng nhiều chiêu bài chống cộng, dùng tù trị tù, dùng Cộng sản diệt Cộng sản. Mỗi lần tù chính trị đấu tranh, cai ngục lại đổ vôi bột xuống rồi dội nước làm cơ thể bị lở loét...
Côn Đảo có 2 chuồng cọp, 120 phòng giam. Có những lúc chúng giam 1 phòng 1 người, nhưng cũng có những lúc giam 10 người trong căn phòng bề ngang khoảng 1,6m, dài khoảng 1,5m để đày đọa, ép anh em đầu hàng.
Sau hiệp định Paris, chúng vẫn uy hiếp những người tù bằng nhiều thủ đoạn khác nhau như gậy, dùi cui, súng, lựu đạn cay… Nhưng cũng từ trong gian khó, những người tù có cách khắc phục, giải pháp để sinh tồn.
Vượt qua nỗi đau về thể xác và tinh thần, nhiều cuộc đấu tranh của các chiến sỹ cách mạng trong nhà tù Côn Đảo diễn ra vô cùng quyết liệt, bằng nhiều hình thức như tuyệt thực, viết kiến nghị đòi giảm mức khổ sai, bãi bỏ đánh đập, đòi cải thiện đời sống, sinh hoạt...
Cùng lúc, các phong trào đấu tranh chống ly khai Đảng Cộng sản, chống chào cờ ngụy của những người yêu nước đồng loạt diễn ra, rộng khắp các khu trại giam với sự tham gia của hàng ngàn người.
Tuy nhiên, các cuộc đấu tranh của những chiến sỹ cách mạng, yêu nước tại nhà tù Côn Đảo đều bị đàn áp. Hàng chục ngàn người bị nhốt hầm đá, chuồng cọp, bị thương tật vĩnh viễn và nhiều người đã mãi mãi ra đi…
Với chủ trương biến nhà tù thành trường học cách mạng, khi thoát cảnh ngục tù, nhiều đồng chí trở thành cán bộ cao cấp của Ðảng, Nhà nước.
Trường học lớn sau song sắt
Đến chốn thiêng liêng nơi đảo xa, chúng tôi có dịp nghe lại những câu chuyện bi hùng của các cựu tù trong suốt thời gian bị giam cầm tại nhà tù Côn Đảo.
Bút tích của anh hùng lực lượng vũ trang, liệt sỹ Lưu Chí Hiếu trên bia mộ tại nghĩa trang Hàng Dương-Côn Đảo. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)
Thắp nén nhang lên mộ phần của anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Lưu Chí Hiếu - người anh, người đồng chí cùng bị bắt tù đày tại Côn Đảo, Trung tướng Châu Văn Mẫn bồi hồi kể, anh Hiếu bị bắt khi đang chỉ đạo cuộc biểu tình của Nghiệp đoàn Thợ giày và đã bị giam ở nhiều nơi trước khi bị đày ra Côn Đảo, giam ở phòng số 6, trại I.
Trong thời gian ở đây, anh Hiếu cùng nhiều người chống ly khai đã chịu đủ mọi loại cực hình tra tấn dã man, bị giam giữ trong điều kiện khắc nghiệt, nhưng anh cùng nhiều đồng đội kiên cường đấu tranh cho lẽ phải.
“Càng bị tra tấn, hành hạ, anh Hiếu càng kiên định khí tiết, một lòng theo Đảng, Bác Hồ, trung thành với Tổ quốc,” Trung tướng Châu Văn Mẫn chỉ lên bia mộ, nơi lưu dấu bút tích của anh hùng liệt sỹ Lưu Chí Hiếu. Bút tích ghi rõ: “Tôi là Lưu Chí Hiếu, không ly khai Đảng Cộng sản được, tôi xin chịu trách nhiệm không ly khai…”
Từng là cựu tù Côn Đảo, ông Nguyễn Văn Ước (sinh năm 1940) đã chọn ở lại và sinh sống tại đảo từ sau ngày giải phóng.
Bồi hồi nhớ lại chuyện xưa, người cựu tù Côn Đảo khẳng khái, “ở trong tù, bọn quản ngục hành hạ đủ kiểu, dùng đủ loại cực hình. Gian khổ của người tù, nỗi đau thể xác do bọn cai ngục gây ra là chuyện thường ngày, nhưng chúng tôi vẫn không lung lay ý chí. Ngược lại, nhiều đồng chí vẫn quyết tâm, kiên định lý tưởng của Đảng, Bác Hồ, đấu tranh vì độc lập tự do cho dân tộc, cho Tổ quốc.”
Từ trong song sắt của những trại giam, nhiều chiến sỹ cách mạng, các thế hệ tù Côn Đảo đã biến nơi đây thành trường học cách mạng; tuyên truyền về đường lối của Đảng, Bác Hồ, về cuộc chiến tranh phi nghĩa của thực dân, đế quốc.
Nhiều đồng chí đã nghĩ ra cách học bằng việc giấu những mẩu gạch vỡ khi đi lao động khổ sai để đêm đến, tổ chức lớp học trên nền ximăng.
Người biết chữ dạy cho người chưa biết, người am hiểu về tình hình đất nước thì giảng giải cho các anh em tù khác. Nhiều lớp học chính trị về Đảng, Bác Hồ, về xã hội chủ nghĩa được ra đời từ đây...
Đã 47 năm trôi qua kể từ ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, song bà Nguyễn Thị Ni hay còn được gọi là bà Tư Hoàng (sinh năm 1939) - nữ tù duy nhất hiện ở Côn Đảo còn nhớ như in những ngày bị giam giữ cùng nhiều chị em tù chính trị khác ở phòng 6 trại 2 (trại Phú Hải).
“Ở các trại giam Côn Đảo ai cũng bị tra tấn, truy xét. Chúng dùng dùi cui đập 2 đầu gối, chích điện vào đầu các ngón tay, dí điện vào tai... cuộc sống rất gian khổ nhưng chị em vẫn động viên nhau vượt qua,” bà Tư Hoàng chia sẻ.
Các nữ tù động viên nhau phải đoàn kết, chăm sóc cho nhau khi bệnh tật. Đã làm cách mạng thì khi bị bắt vào tù xác định nơi đây là chiến trường - để đấu tranh dứt khoát không đầu hàng, không khai báo dù có hy sinh cũng hoàn thành nhiệm vụ.
Năm 1932, Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên được thành lập tại Côn Đảo do ông Nguyễn Hới làm Bí thư. Năm 1950, Chi bộ Nhà tù Côn Đảo phát triển thành Đảng ủy Côn Đảo.
Từ đây, nhiều phong trào lớn đã diễn ra trong suốt thời gian dài như phong trào chống ly khai, chống chào cờ địch, phong trào đòi giảm mức khổ sai, bãi bỏ đánh đập và ngược đãi tù nhân, đòi cải thiện đời sống, sinh hoạt, chữa bệnh khi ốm đau, nhận thư từ sách báo… thu hút ngày càng nhiều người tham gia và sẵn sàng đấu tranh quên mình./.
Theo Thanh Vũ (TTXVN/Vietnam+)
https://www.vietnamplus.vn/noi-linh-thieng-ban-tho-cua-to-quoc-hoi-uc-ve-con-dao/808037.vnp