Chiến tranh đã lùi xa, song nỗi đau cả về thể xác lẫn tinh thần vẫn còn hiện hữu đối với những nạn nhân bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam/dioxin. Để góp phần xoa dịu phần nào nỗi đau ấy, trong thời gian qua, tỉnh Vĩnh Phúc đã tích cực triển khai nhiều hoạt động chăm lo sức khỏe cũng như đời sống cho các nạn nhân, giúp họ vươn lên trong cuộc sống.
Dù không thể bù đắp toàn bộ những thiệt thòi mà nạn nhân chất độc da cam và gia đình của họ phải gánh chịu nhưng trong những năm qua, các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh đã có nhiều hoạt động thiết thực quan tâm đến các đối tượng là nạn nhân của chất độc hóa học bị ảnh hưởng trong cuộc chiến tranh bảo vệ tổ quốc. Những hành động, việc làm cụ thể ấy chứa đựng ý nghĩa nhân văn sâu sắc, phần nào chia sẻ khó khăn với các nạn nhân, động viên họ vươn lên trong cuộc sống.
Hiện nay, tỉnh Vĩnh Phúc có trên 8.000 hội viên nạn nhân chất độc da cam, trong đó số người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học đang được hưởng chính sách trên 3.700 người; số nạn nhân chất độc da cam gián tiếp đang hưởng chính sách trên 1.400 người.
Từ đầu năm đến nay, các cấp hội nạn nhân chất độc da cam đioxin đã vận động, quyên góp, ủng hộ và tặng trên 2.000 suất quà cho các đối tượng. Hỗ trợ đột xuất cho 2 gia đình nạn nhân chất độc da cam có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Kỷ niệm 61 năm Ngày thảm họa da cam ở Việt Nam 10/8/1961-10/8/2022 là dịp để chúng ta cùng nhìn lại những ảnh hưởng nặng nề của chất độc da cam/đioxin gây ra đối với môi trường, hệ sinh thái và sức khỏe con người. Đồng thời thể hiện vai trò, trách nhiệm của các cấp chính quyền trong việc chung tay hàn gàn gắn vết thương chiến tranh, xoa dịu nỗi đau da cam. Nỗi đau của nạn nhân chất độc da cam/đioxin là nỗi đau chung của nhân dânViệt Nam, đồng thời là nỗi đau của nhân loại tiến bộ trên toàn thế giới./.
Thu Thủy