Thực hiện Thông báo kết luận số 246 ngày 12/8/2022 của Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 tại Phiên họp thứ 16 trực tuyến với các địa phương, Chủ tịch UBND tỉnh,Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, UBND các huyện, thành phố:
Tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế, Tỉnh ủy Vĩnh Phúc, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo tỉnh trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Thời gian tới, công tác phòng, chống dịch tập trung thực hiện các mục tiêu: Không để dịch bệnh bùng phát trở lại; cơ quan, địa phương nào để dịch bệnh bùng phát trở lại phải chịu trách nhiệm trước Tỉnh ủy, UBND tỉnh, trước Nhân dân; Hoàn thành việc tiêm mũi 3, mũi 4 cho các đối tượng chỉ định trên 18 tuổi và mũi 2 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi trong tháng 8/2022.
Các sở, ban, ngành, địa phương trên cơ sở rà soát những người đủ điều kiện tiêm chủng, chưa đủ điều kiện tiêm chủng, thực hiện đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc-xin tại địa phương, đơn vị mình; yêu cầu phải xây dựng kế hoạch cụ thể, nêu cao vai trò gương mẫu của người đứng đầu, đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức trong việc tham gia tiêm đủ vắc-xin phòng Covid-19 theo đối tượng đã được Bộ Y tế hướng dẫn; đồng thời, tuyên truyền vận động gia đình, người thân tham gia tiêm chủng.
Tiếp tục khẳng định và quán triệt các quan điểm chỉ đạo: Kiên quyết, kiên trì, kiên định kiểm soát dịch bệnh có hiệu quả để góp phần thúc đẩy phục hồi nhanh và phát triển bền vững kinh tế - xã hội; Đặt tính mạng, sức khỏe người dân lên trên hết, trước hết; Phòng bệnh hơn chữa bệnh, phòng bệnh từ sớm, từ xa, từ cơ sở; Tiêm chủng vắc xin phòng ngừa dịch bệnh là trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của mỗi người dân; tổ chức đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người để vận động tiêm vắc xin và phòng, chống dịch.
Sở Y tế (Cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo)
Tiếp tục khẩn trương tiếp nhận và phân bổ vắc xin cho các đơn vị, địa phương; đôn đốc, hướng dẫn và kiểm tra việc tổ chức tiêm vắc xin phòng COVID-19 tại các địa phương, không để tình trạng thừa, phải hủy bỏ vắc xin. Sẵn sàng cử các kíp tiêm chủng của các đơn vị y tế tuyến tỉnh hỗ trợ địa phương khi có yêu cầu.
Tham mưu và bảo đảm đủ thuốc, trang thiết bị, sinh phẩm, vật tư y tế cho phòng, chống dịch bệnh nói chung và phòng, chống dịch COVID-19 nói riêng; kịp thời đề xuất, báo cáo UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo tỉnh.
Chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định của tỉnh để bảo đảm công khai, minh bạch, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí trong phòng, chống dịch.
Phối hợp với UBND các huyện, thành phố thực hiện hằng tuần báo tiến độ triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19; báo cáo UBND tỉnh; đồng thời gửi Báo Vĩnh Phúc, Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh để theo dõi, đưa tin.
Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 cấp huyện, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các huyện, thành phố
Đẩy mạnh hơn nữa việc tiêm vắc xin, coi vắc xin là giải pháp chiến lược quan trọng nhất, quyết định trong phòng, chống dịch COVID-19. Bảo đảm tiến độ tiêm chủng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia và UBND tỉnh.
Có biện pháp và phân công cụ thể cho lãnh đạo thực hiện việc kiểm tra, giám sát công tác tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 trên địa bàn; kịp thời phát hiện những khó khăn, vướng mắc để tháo gỡ; hỗ trợ lực lượng cho ngành Y tế triển khai tiêm chủng tại địa phương. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền tại khu dân cư: Thông qua hệ thống loa truyền thanh phát tin, bài, thông điệp, nhắc nhở, đôn đốc người dân đi tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 theo hướng dẫn, khuyến cáo của ngành Y tế; thông báo cụ thể các địa điểm tiêm (cố định và lưu động) để người dân nắm được và liên hệ tiêm ngay khi đủ điều kiện; tổ chức xe tuyên truyền, xe phát loa di động, các nhóm zalo đã thành lập trước đây, các hình thức khác như họp tổ dân phố, họp dân... để tuyên truyền, vận động người tham gia tiêm vắc-xin mũi tăng cường.
Yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, nâng cao kỷ luật, kỷ cương hành chính, thể hiện trách nhiệm, thống nhất về nhận thức và hành động trong phòng, chống dịch bệnh; quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, hành động quyết liệt hơn, xác định trọng tâm, trọng điểm trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ được giao. Rà soát các vấn đề khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện phòng, chống dịch bệnh; báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định đối với các vấn đề vượt thẩm quyền để kịp thời giải quyết./.