Cập nhật: 20/08/2022 18:45:00
Xem cỡ chữ

DN Việt Nam phải lưu ý khi ký kết hợp đồng và lựa chọn phương thức thanh toán an toàn bởi đã xuất hiện nhiều trường hợp đối tác Italy không trả tiền hàng, không giao hàng hoặc dùng địa chỉ giả mạo.

Khuyen cao doanh nghiep Viet Nam can trong khi xuat khau sang Italy hinh anh 1

Chế biến càphê xuất khẩu. (Ảnh minh họa: Hữu Quyết/TTXVN)

Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) đi vào thực thi đã giúp hàng hóa và doanh nghiệp Việt Nam được hưởng nhiều ưu đãi cũng như khả năng cạnh tranh và chen chân vào chuỗi cung ứng của Liên minh châu Âu; trong đó, có Italy.

Thế nhưng, Thương vụ Việt Nam tại Italy vừa đưa ra khuyến cáo doanh nghiệp cần cảnh giác với nạn lừa đảo có xu hướng tăng trong thời gian gần đây và đang phải giải quyết rất nhiều vụ việc gian lận của doanh nghiệp Italy với doanh nghiệp Việt Nam.

Chẳng hạn như việc đối tác Italy không trả tiền hàng còn lại hoặc không giao hàng hay sử dụng địa chỉ giả mạo… Do đó, doanh nghiệp Việt Nam phải lưu ý khi ký kết hợp đồng và lựa chọn phương thức thanh toán an toàn.

Đặc biệt, doanh nghiệp cần thường xuyên liên hệ với Thương vụ Việt Nam tại nước sở tại để phối hợp xác minh tính chính xác thông tin đối tác, tránh bị lừa đảo.

Thương vụ Việt Nam tại Italy cũng chỉ ra khó khăn với doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu sang thị trường này là tiêu chuẩn kỹ thuật, quy định về chứng nhận, bao bì...

Hơn nữa, khi hợp tác với doanh nghiệp nước này, doanh nghiệp Việt Nam còn phải đối mặt với môi trường pháp lý phức tạp, đôi khi thiếu sự minh bạch, rõ ràng và hiệu quả.

Không những thế, các sản phẩm liên quan đến sức khỏe, an toàn hoặc về môi trường được đưa ra các quy định và tiêu chuẩn kỹ thuật cao, đôi khi còn cao hơn cả những yêu cầu cơ bản của EU.

Ngoài ra, Thương vụ Việt Nam tại Italy cũng lưu ý truyền thống thương mại của người bản địa nơi đây đã quen với các đối tác ở châu Âu, Nam Mỹ và châu Phi là nơi có nhiều người châu Âu, người gốc Italy kinh doanh nên khó chấp nhận đối tác mới.

Thống kê cho thấy, 6 tháng đầu năm kim ngạch xuất khẩu giữa Việt Nam và Italy đạt 3,18 tỷ USD, tăng 14,8% so với cùng kỳ năm 2021.

Trong số đó, Việt Nam xuất khẩu sang Italy 2,32 tỷ USD, tăng 26,6% so với cùng kỳ năm 2021.

Hàng hoá Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này chủ yếu là máy móc, thiết bị, điện thoại và linh kiện, máy vi tính và linh kiện, phương tiện vận tải và phụ tùng, sắt thép, cà phê, hàng dệt may, hàng thủy sản…

Ở chiều ngược lại, Việt Nam đã nhập khẩu 861 triệu USD, giảm 8,2% so với cùng kỳ năm trước và tập trung vào máy móc thiết bị cơ khí, nhựa và các sản phẩm nhựa, dược phẩm, tủ bàn ghế, phụ kiện dệt may, đồ uống, rượu.

Để doanh nghiệp Việt thâm nhập sâu hơn, Thương vụ Việt Nam tại Italy cho hay, tiếng Italy là ngôn ngữ chính thức và được sử dụng ở tất cả các vùng nên việc trao đổi thư từ với các công ty, nhất là những lần liên hệ ban đầu nên được ưu tiên bằng tiếng Italy.

Mặt khác, doanh nghiệp nên xem trước các ngày nghỉ lễ để chủ động sắp xếp thời gian phù hợp trước mỗi kỳ sang đây công tác bởi từng địa phương sẽ có những ngày lễ thánh tùy vào truyền thống từng khu vực.

Đáng lưu ý, tiền tệ chính thức của nước này là euro còn USD không được chấp nhận rộng rãi. Do đó, dù ngân hàng cho phép mở tài khoản bằng USD nhưng phải đổi sang euro khi sử dụng. Tất cả các ngân hàng thương mại được phép thực hiện các giao dịch ngoại hối.

Vì vậy, Thương vụ Việt Nam tại Italy có thể cung cấp, hỗ trợ cho doanh nghiệp Việt Nam cả về phương thức thanh toán được sử dụng, điều khoản hợp đồng và chia sẻ thông tin thương mại khi đàm phán và cách thức thực hiện hiệu quả tránh rủi ro./.

Theo Uyên Hương (TTXVN/Vietnam+)

https://www.vietnamplus.vn/khuyen-cao-doanh-nghiep-viet-nam-can-trong-khi-xuat-khau-sang-italy/812173.vnp