Nằm lưng chừng dãy Hoàng Liên Sơn, trên độ cao 1.500m so với mực nước biển, với khí hậu mát mẻ quanh năm, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, hoang sơ, những phong tục, tập quán sinh hoạt văn hóa đặc trưng cùng với phương thức lao động sản xuất thủ công truyền thống, những năm gần đây, Sin Suối Hồ đã trở thành cái tên quen thuộc thu hút không ít khách du lịch.
Bản du lịch cộng đồng Sin Suối Hồ được quy hoạch tổng thể với những con đường tinh khôi ôm quanh những nếp nhà
Nàng sơn nữ miền biên viễn
Vượt qua quãng đường 30 km với những cú ôm cua điệu nghệ của bác tài qua những ngọn núi trùng điệp của dãy Hoàng Liên Sơn, chúng tôi đặt chân lên mảnh đất Sin Suối Hồ xinh đẹp của huyện Phong Thổ (Lai Châu) sau hơn tiếng rưỡi đồng hồ xuất phát từ thành phố Lai Châu. Dọc đường vào bản, chúng tôi bắt gặp những ngôi nhà đơn sơ nép mình bên những sườn núi. Khung cảnh thật yên bình. Người dân Sin Suối Hồ sinh sống trong các căn nhà gỗ, nhà trình tường, có kiến trúc đẹp, mang những nét đặc trưng của người Mông và quanh nhà thường có hàng rào đá bao quanh.
Nhờ làm du lịch mà Bản được quy hoạch tổng thể một cách ngăn nắp, với những con đường sạch sẽ, những ngôi nhà mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Nhà nào cũng có sân vườn, với những chiếc cổng độc đáo được trang trí theo nhiều phong cách khác nhau, mỗi cách trang trí đều gắn với hình ảnh cuộc sống, phong tục tập quán của dân bản. Hộ nào làm dịch vụ lưu trú cộng đồng tại nhà dân (homestay) thì trước cổng hoặc trước nhà được gắn tấm biển tự thiết kế thủ công bằng dây thừng hoặc dây mây trông rất mộc mạc và thân thiện với môi trường, với đầy đủ tên, số điện thoại và được dịch sang tiếng Anh.
Những chiếc cổng được thiết kế theo nhiều phong cách độc đáo
Đến Sin Suối Hồ ngày cuối trong lịch trình 3 ngày, anh Phạm Ngọc Quỳnh cho biết, đoàn của anh gồm 4 người từ TP.HCM ra, đã đi qua các điểm du lịch bên Lào Cai và sang Sin Suối Hồ từ Xảng Ma Sáo (thuộc huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai). Được trải nghiệm cuộc sống, sinh hoạt của đồng bào Mông, được thưởng thức các món ăn truyền thống như cá suối, thịt treo gác bếp, mèn mén, gà đen, rượu táo mèo, được uống thứ nước đặc trưng mà người dân bản tự pha từ thảo quả với mật ong rừng, đong trong những chiếc ống tre và được rót ra những chiếc cốc bằng tre, khiến đoàn của anh vô cùng ấn tượng. “Cảnh sắc, con người, nét văn hóa nơi đây rất tuyệt. Chúng tôi sẽ còn trở lại Sin Suối Hồ nhiều lần, vào các mùa khác nhau để cảm nhận được hết những vẻ đẹp và những điều thú vị nơi đây”, anh Phạm Ngọc Quỳnh chia sẻ.
Mùa lúa chín, thung lũng đẹp như một bức tranh
Đời sống ấm no nhờ làm du lịch
Chủ tịch xã Sin Suối Hồ Chéo Quẩy Hòa cho biết, bản Sin Suối Hồ hiện có có 103 hộ dân với 595 nhân khẩu, trong đó 100% là người Mông, sống tập chung. Với khí hậu mát mẻ quanh năm, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, hoang sơ và những phong tục, tập quán sinh hoạt văn hóa đặc trưng cùng với phương thức lao động sản xuất thủ công truyền thống, bản Sin Suối Hồ đã trở thành bản du lịch cộng đồng từ năm 2015.
Các homestay được thiết kế mang đậm bản sắc dân tộc Mông
Chủ tịch xã Chéo Quẩy Hòa cho biết, với những ưu đãi về khí hậu, hiện nay Sin Suối Hồ đã trở thành thủ phủ của địa lan. Toàn bản hiện có 38.000 gốc địa lan cung cấp cho các tỉnh, mỗi năm thu nhập tới 3 tỷ. 103 hộ gia đình ở bản Sin Suối Hồ đều trồng phong lan và địa lan, ít thì vài chục chậu, nhiều lên đến vài trăm. Vàng A Tủa, một người dân trong bản cho biết, hằng năm khoảng trước Tết Nguyên đán hai tháng cho đến hết tháng giêng năm sau, khách mua hoa đánh xe từ TP Lai Châu lên, từ Sa Pa (Lào Cai) sang, thậm chí cả từ Hà Nội cũng vượt hàng trăm cây số đến Sin Suối Hồ để lựa những chậu lan nổi tiếng ở vùng Tây Bắc này, với giá lên tới vài ba triệu đồng/chậu. Vàng A Tủa cho biết, ngoài trồng lan, gia đình anh và các hộ dân trong bản vẫn giữ cả nghề trồng ngô, nuôi dê, dệt thổ cẩm của người Mông. Đây cũng chính là những sản phẩm du lịch phục vụ du khách.
Một homestay đươch thiết kế theo kiểu tổ chim trên 1 thân cây to
Cùng với địa lan, thì thảo quả cũng đang vừa là cây trồng mang giá trị kinh tế, vừa là sản phẩm du lịch độc đáo của Sin Suối Hồ. Nếu lên Bản vào khoảng tháng 9, tháng 10, du khách sẽ được lạc vào những rừng thảo quả thơm ngát, mà khi ra khỏi rừng, cả buổi, mùi hương vẫn còn vương vấn trên áo, trên tóc, như một sự lưu luyến của núi rừng.
Trưởng bản Sin Suối Hồ Vàng A Chỉnh cho biết, những năm qua, nhờ làm kinh tế gắn với phát triển du lịch mà đời sống của người dân đã trở nên ấm no và truyền thống văn hóa dân tộc được giữ gìn. Hiện nay, ngoài trồng lan, trồng thảo quả để cung cấp sản phẩm cho các nơi, dân bản còn phát huy nghề dệt truyền thống để cung cấp các sản phẩm thổ cẩm cho du khách, cung cấp các dịch vụ lưu trú và các dịch vụ du lịch cho khách. Với mỗi khách lưu trú, mỗi đêm giá thuê phòng là 100.000 đồng, nếu ăn uống sẽ là 250.000/ khách.
Khách du lịch tạo dáng trong bộ trang phục dân tộc
Anh Vàng A Lử, một trong những thành viên của đội văn nghệ Bản cho biết, những tiết mục văn nghệ mô phỏng lại cuộc sống sinh hoạt thường ngày do chính người dân trong bản biểu diễn có sức thu hút khách du lịch rất lớn, vừa giúp người dân bảo tồn vốn văn hóa truyền thống, vừa tạo thu nhập cho người dân.
Trước đại dịch Covid-19, mỗi năm Bản đón tới 20.000-30.000 lượt khách, trong đó có cả khách nước ngoài như: Australia, Mỹ, Singapore... Năm nay, lượng khách du lịch đến Sin Suối Hồ có thấp hơn, nhưng cũng đang tăng dần đều. Chủ tịch Chéo Quẩy Hòa cũng như trưởng bản Vàng A Chỉnh hy vọng năm tới, lượng khách sẽ đạt được hoặc cao hơn mức trước dịch. Hy vọng thế, bởi con đường từ thành phố Lai Châu lên Bản đang được thi công, theo kế hoạch sẽ hoàn thành vào năm tới, sẽ đưa bước chân du khách nhanh đến với Sin Suối Hồ.
Theo HOÀNG HƯƠNG/baovanhoa.vn
http://baovanhoa.vn/du-lich/artmid/416/articleid/55777/len-voi-sin-suoi-ho