Học sinh không có nguyện vọng và nhà trường chưa có giáo viên chuyên môn nên nhiều Trường THPT chưa thể tổ chức dạy môn âm nhạc, mỹ thuật đối với lớp 10 năm học 2022-2023. Đây cũng là những khó khăn mà các Trường THPT trên địa bàn tỉnh đang gặp phải khi triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 mới của Bộ GD&ĐT.
Năm học 2022-2023, Trường THPT Bến Tre có 420 học sinh lớp 10, qua triển khai các văn bản hướng dẫn của cấp trên thì không có em nào đăng ký lựa chọn môn học âm nhạc, mỹ thuật. Các em chủ yếu lựa chọn theo nhóm khoa học tự nhiên và khoa học xã hội. Hiện tại đối với hai môn này nhà trường cũng không có giáo viên chuyên môn nên trong năm học này Trường THPT Bến Tre, thành phố Phúc Yên chưa thể triển khai đưa vào giảng dạy môn âm nhạc, mỹ thuật cho các em học sinh.
Tương tự, tại Trường THPT Võ Thị Sáu, năm học này có 240 học sinh lớp 10, do học sinh không có nhu cầu và trường chưa có giáo viên chuyên môn nên nhà trường cũng không thể tổ chức giảng dạy môn âm nhạc, mỹ thuật. Các em học sinh ở đây chủ yếu đăng ký các môn học thuộc ban khoa học tự nhiên, khoa học xã hội.
Theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 mới, học sinh từ lớp 10 THPT sẽ có 8 môn học và hoạt động bắt buộc, bao gồm toán, ngữ văn, ngoại ngữ, giáo dục quốc phòng an ninh, giáo dục địa phương, giáo dục thể chất, hoạt động trải nghiệm - hướng nghiệp và lịch sử. Các em đăng ký học tổ hợp lựa chọn 4 môn học, được chọn trong 3 nhóm. Nhóm khoa học tự nhiên với các môn vật lý, hóa học, sinh học. Nhóm khoa học xã hội bao gồm địa lý, giáo dục kinh tế và pháp luật. Nhóm môn công nghệ và nghệ thuật bao gồm công nghệ, tin học, âm nhạc, mỹ thuật.
Việc đưa nhóm môn nghệ thuật vào giảng dạy là bước tiến lớn của chương trình giáo dục phổ thông mới, đáp ứng mục tiêu giáo dục định hướng nghề nghiệp sớm cho học sinh, giúp các em học tập trung theo sở thích, không dàn trải. Việc dạy học các môn nghệ thuật sẽ phát huy được khả năng sáng tạo, đáp ứng mục tiêu dạy học theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất học sinh./.
Nguyễn Toàn