Cập nhật: 22/10/2022 07:35:00
Xem cỡ chữ

Cứ mỗi độ thu về, khi mùa vàng trải dài trên khắp nương đồi cũng là lúc báo hiệu mùa thu hoạch lúa mới của đồng bào các dân tộc vùng Tây Bắc bắt đầu. Với người Thái trắng ở Phong Thổ (Lai Châu), đây cũng là lúc tổ chức Lễ hội Kin lẩu khẩu mẩu, cầu cho dân bản và du khách luôn khoẻ mạnh, mưa thuận gió hòa.

Ngay từ sáng sớm, khắp các bản làng người Thái trắng xứ Mường So, huyện Phong Thổ (Lai Châu) đã rộn ràng tiếng trống, tiếng chiêng thúc giục bà con dân bản hướng về cánh đồng bản Huổi Én. Màu vàng của lúa chín xen lẫn sắc áo cóm, áo đen truyền thống của đồng bào Thái tạo nên một không gian văn hóa đa sắc màu.

Dac sac le hoi kin lau khau mau cua dong bao thai trang phong tho hinh anh 1

Lễ hội Kin lẩu khẩu mẩu được bắt đầu từ nghi thức rước hồn lúa, thể hiện sự trân quý Thần nông

Chị Hoàng Thị Thiên, bản Huổi Én, xã Mường So, huyện Phong Thổ cho biết, Lễ hội kin lẩu khẩu mẩu diễn ra sau những ngày lao động vất vả của bà con dân bản, nên ai cũng hào hứng. Đây là dịp người dân trong bản diện trên mình bộ quần áo mới nhất, để cùng tham gia hoạt động nghi lễ và hòa mình vào các trò chơi truyền thống dân tộc.

"Để gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc Thái trắng, hàng ngày tôi vẫn đi tập văn nghệ với các bản, các thôn, các xã trong vùng. Vào những dịp lễ hội, tôi vẫn mặc trang phục người Thái trắng, để duy trì bản sắc văn hóa dân tộc Thái của mình", chị Thiên nói thêm.

Dac sac le hoi kin lau khau mau cua dong bao thai trang phong tho hinh anh 2

Đây là nghi thức linh thiêng, nhằm tạ ơn thần linh ban cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi.

Lễ hội Kin lẩu khẩu mẩu gồm 2 phần lễ và hội. Phần lễ thực hiện 4 nghi thức là rước hồn lúa; cúng hồn lúa; giã cốm, cầu bình an; cúng thần linh, cầu phúc và tạ ơn.

Đây là nghi thức tâm linh trong đời sống của đồng bào Thái trắng, trong đó điểm nhấn là nghi lễ giã cốm và cầu bình an. Trước khi mang đi làm lễ, thóc được nướng trong lửa nhỏ, lật liên tục sao cho nóng đều; lửa phải được duy trì đều trong khoảng 30 phút đến khi nứt hạt và dậy mùi thơm. 

Dac sac le hoi kin lau khau mau cua dong bao thai trang phong tho hinh anh 3

Những bông lúa được chọn để cúng là những bông to đều, mẩy hạt, lấy từ cánh đồng bản Huổi Én.

Ông Nông Văn Nảo, nghệ nhân ưu tú tín ngưỡng văn hóa Thái ở xã Mường So cho biết: Theo quan niệm của người Thái, đây là công đoạn quan trọng quyết định độ ngon của cốm, bởi nếu quá lửa sẽ bị cứng, nếu non lửa sẽ bị mất đi độ dẻo.

Khi nướng xong sẽ cho vào cối giã, người giã phải đều tay, liên tục và nhịp nhàng để chày giã không mạnh quá hoặc nhẹ quá. Cốm giã xong được gói trong lá dong xanh, vừa tăng thêm màu xanh của cốm, vừa lưu giữ mùi thơm của sữa lúa.

"Lễ hội Kin lẩu khẩu mẩu của người Thái trắng Phong Thổ đã có từ xưa kia. Hàng năm bà con, nhất là người nông dân đã canh tác ở cánh đồng Mường So phải tổ chức lễ hội. Đây là dịp để cho bà con nông dân tạ ơn ông trời, thần đất thần nước và tạ ơn tổ tiên đã cho con cháu những mùa màng tốt tươi; phù hộ cho con cháu sức khỏe, chăn nuôi phát triển, trồng trọt tốt tươi", ông Nông Văn Nảo bộc bạch.

Dac sac le hoi kin lau khau mau cua dong bao thai trang phong tho hinh anh 4

Sau nghi thức rước hồn lúa, thầy mo tiến hành làm Lễ cúng hồn lúa để bày tỏ lòng biết ơn của dân bản đối với thần linh.

Sau phần lễ, đồng bào Thái trắng xứ Mường So cùng du khách sẽ hòa mình vào các trò chơi dân gian, điệu múa như: kéo co, nhảy sạp, ném còn và múa xòe.

Các hoạt động giúp gắn kết người dân, du khách đến gần nhau hơn, thể hiện sự trân trọng những nét văn hóa truyền thống của dân tộc Thái trong cộng đồng văn hoá các dân tộc Việt Nam. 

Dac sac le hoi kin lau khau mau cua dong bao thai trang phong tho hinh anh 5

Lúa được nướng bằng lửa nhỏ, sao cho nóng đều và duy trì đều trong khoảng 30 phút đến khi nứt hạt, dậy mùi thơm.

Bà Mai Thị Hồng Sim, Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu cho biết: Đồng bào Thái trắng chiếm hơn 20% dân số và sống tập trung tại 6 xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Vùng đất Mường So, Khổng Lào được xác định là cái nôi văn hóa dân tộc Thái trắng ở tỉnh Lai Châu. Đến nay, huyện đã có nhiều giải pháp nhằm giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa đồng bào dân tộc Thái gắn với phát triển du lịch.

"Lễ hội Kin lẩu khẩu mẩu là một lễ hội đặc trưng của dân tộc Thái khu vực Mường So của huyện Phong Thổ. Lễ hội đã được phục dựng và bảo tồn, đây cũng là nét văn hóa truyền thống và là nét văn hóa đặc trưng riêng của đồng bào dân tộc Thái khu vực Mường So; nhằm động viên tinh thần bà con nhân dân, cũng như động viên nhân dân phát triển sản xuất. Trong thời gian tới huyện tiếp tục chỉ đạo xã, cũng như bà con nhân dân khu vực Mường So bảo tồn nét văn hóa truyền thống này gắn với phát triển du lịch", bà Mai Thị Hồng Sim nói.

Dac sac le hoi kin lau khau mau cua dong bao thai trang phong tho hinh anh 6

Nghi thức giã cốm được chia thành 2 bên nam - nữ, thể hiện sự giao thoa âm dương của trời đất.

Dac sac le hoi kin lau khau mau cua dong bao thai trang phong tho hinh anh 7

Dưới bàn tay khéo léo của phụ nữ dân tộc Thái, lúa được tẽ ra, làm nên món cốm thơm ngon nức tiếng trong vùng.

Ngoài ý nghĩa về tâm linh trong văn hóa cộng đồng dân tộc, lễ hội Kin lẩu khẩu mẩu của người Thái trắng xứ Mường So, huyện Phong Thổ còn là dịp để nhân dân các dân tộc trên địa bàn cùng tụ hội, giao lưu văn hóa. Từ đó, nâng cao ý thức xây dựng đời sống mới lành mạnh, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc; góp phần xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc./.

Theo Nguyễn Khắc Kiên/VOV-Tây Bắc

 https://vov.vn/van-hoa/dac-sac-le-hoi-kin-lau-khau-mau-cua-dong-bao-thai-trang-phong-tho-post978885.vov