Cập nhật: 24/10/2022 09:14:00
Xem cỡ chữ

Phát triển chăn nuôi trở thành ngành hàng hóa chính trong sản xuất nông nghiệp, đưa chăn nuôi theo hướng công nghiệp, tập trung, chuyên môn hóa trên cơ sở ứng dụng kỹ thuật công nghệ tiên tiến; năng suất chất lượng cao gắn với bảo quản, chế biến với thị trường. Đó là một trong những hướng đi của ngành nông nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc trong giai đoạn 2021-2025.

Việc triển khai nuôi cá lồng trên sông Phó Đáy được gia đình ông Nguyễn Quang Đức, xã Thái Hòa, huyện Lập Thạch thực hiện từ năm 2016 với 2 lồng cá.

Nhờ tích lũy được nguồn vốn và có nhiều kinh nghiệm trong việc nuôi cá, hiện nay, gia đình ông Đức phát triển lên 10 lồng cá, mỗi năm xuất bán được 2 lứa, năng suất đạt từ 30-40 tấn cá gồm cá trắm và cá chép giòn. Với việc chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học nên việc tiêu thụ cá cũng rất thuận lợi, trừ chi phí mỗi năm thu lãi từ 400-500 triệu đồng.

Nhận thấy tiềm năng vườn đồi của gia đình rất phù hợp với phát triển chăn nuôi, năm 2016 ông Hoàng Văn Nguyên, thôn Gò Giềng, xã Thái Hòa, huyện Lập Thạch đã xây dựng chuồng trại để nuôi gà ta lai thả vườn. Với diện tích đất vườn đồi hơn 1 ha, ông Nguyên đã xây dựng 3 chuồng nuôi rộng gần 1.500 mét vuông. Mỗi lứa nuôi 12-15 nghìn con gà ta lai, thời gian nuôi trong vòng 3,5 tháng cho xuất bán, thu lãi 600-700 triệu đồng.

Ngành Nông nghiệp Vĩnh Phúc phấn đấu giá trị sản xuất chăn nuôi giai đoạn 2022 - 2025 tăng bình quân 3,0%/năm; chuyển dịch chăn nuôi nông hộ sang chăn nuôi trang trại, hàng hóa; xây dựng cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh động vật trên cạn. Đồng thời, duy trì và mở rộng các mô hình nông nghiệp hàng hóa về chăn nuôi đã có hiệu quả, tập trung xây dựng, phát triển các liên kết theo chuỗi giá trị khép kín từ sản xuất-chế biến-tiêu thụ sản phẩm./.

Đặng Thưởng