Cập nhật: 01/11/2022 09:18:00
Xem cỡ chữ

Không thể phủ nhận hiệu quả kinh tế mà các làng nghề, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh mang lại. Tuy nhiên, kéo theo đó là tình trạng ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, sức khỏe của chính những người dân trong khu vực.

Dù có hệ thống xử lý nước thải được xây dựng từ năm 2012 do Ban Quản lý đầu tư xây dựng dự án và Phát triển cụm công nghiệp Yên Lạc làm chủ đầu tư, nhưng hệ thống máy móc, cùng với hệ thống bể lọc, bể lắng của Cụm công nghiệp Tề Lỗ lại dừng hoạt động ngay từ những ngày đầu đi vào vận hành chạy thử.

Hiện nay, làng nghề Tề Lỗ có trên 300 cơ sở chuyên các đồ phế thải, phụ tùng máy móc xe cơ giới. Các phụ kiện như cao su, săm lốp, nhựa, dầu nhớt phế thải không thể tái chế được sẽ phải đốt, xả thải trực tiếp ra môi trường đã ảnh hướng đến đời sống sinh hoạt của người dân nơi đây.

Hiện nay, toàn tỉnh đã quy hoạch thành lập 16 cụm công nghiệp, làng nghề sản xuất tập trung với tổng diện tích quy hoạch là 344ha để từng bước di dời các cơ sở sản xuất ra khỏi khu dân cư; đồng thời tỉnh ban hành nhiều cơ chế hỗ trợ các cơ sở sản xuất trong làng nghề đầu tư xây dựng, lắp đặt hệ thống xử lý chất thải, nước thải. Tuy nhiên, việc thu gom, xử lý chỉ đạt từ 50 - 60%, chủ yếu bằng phương pháp đốt, chôn lấp thông thường.

Để góp phần giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các địa phương trong tỉnh lập đề án, kế hoạch, phương án quản lý giảm thiểu, phân loại, thu gom, vận chuyển, tái sử dụng, tái chế, xử lý chất thải rắn trên địa bàn đã được phê duyệt. Đồng thời tích cực tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ môi trường làng nghề để các hộ, cơ sở sản xuất trong làng nghề thực hiện./.

Đặng Thưởng