Iran đã tận dụng xung đột giữa Nga và Ukraine để xoay chuyển tình thế liên quan đến Israel và tạo ra thách thức lớn đối với Azerbaijan.
Ngay từ đầu, cuộc xung đột Nga - Ukraine đã lập tức vượt ra ngoài khuôn khổ các xung đột khu vực, hướng tới tái cấu trúc quan hệ giữa các nước lớn - Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Nga và Trung Quốc. Xung đột đó cũng ảnh hưởng lớn đến quan hệ giữa các nước Trung Đông, nơi các liên minh địa chính trị và chiến lược khác nhau đang được củng cố.
Một liên minh được đặc biệt củng cố là quan hệ đối tác giữa Israel và Azerbaijan - trong những năm gần đây đã trở thành liên minh chiến lược - quân sự đầy đủ. Trong quan hệ đó, Azerbaijan nổi lên trở thành bên cung cấp năng lượng chính cho Israel và nguồn thông tin tình báo về Iran, đồng thời là bên quan trọng mua công nghệ của Israel.
Khi xung đột Ukraine - Nga nổ ra với những hệ lụy khó lường, liên minh Azerbaijan - Israel bị căng kéo và lôi vào xung đột này.
Mặt trận Trung Đông
Kể từ khi Nga đưa quân vào Syria năm 2015 cho đến mùa hè năm 2022, Nga đã nỗ lực duy trì quan hệ cân bằng với cả Israel và Iran. Kremlin theo đuổi học thuyết "cân bằng lợi ích" với "thế đứng 2 chân ở Trung Đông".
Nga và Israel dàn xếp với nhau để không cản bước lẫn nhau khi hành động ở địa bàn Trung Đông nói chung và Syria nói riêng.
Nhưng xung đột Ukraine đã thay đổi sự dàn xếp nói trên. Các tổn thất trong giao chiến đã khiến Nga phải tái triển khai một bộ phận lực lượng ở Syria sang Ukraine và Nam Kavkaz.
Khi Nga rút quân một phần khỏi Syria, Iran đã lập tức trám vào khoảng trống vừa tạo ra. Iran đã tích cực cung cấp cho Nga các UAV, tên lửa... Thế cân bằng "2 chân" của Nga ở Trung Đông có dấu hiệu thay đổi, nghiêng sang liên minh quân sự-chiến lược trực tiếp với Iran.
Mặt trận Nam Kavkaz
Tại Syria, Iran khó lòng chống lại các hành động của Israel. Thay vào đó, Iran chuyển hướng sang một khu vực khác nhạy cảm với lợi ích của Israel, đó là vùng Nam Kavkaz. Động cơ của Iran ở đây rất rõ rệt.
Tehran cảm nhận rõ sự phát triển nhanh chóng trong quan hệ Azerbaijan-Israel về kinh tế và quân sự đe dọa lợi ích của Iran. Sau nhiều biến cố, quan hệ giữa Israel và Thổ Nhĩ Kỳ gần đây đã nồng ấm lên (Azerbaijan đóng vai trò quan trọng trong hòa giải quan hệ giữa 2 nước này).
Do tập trung vào mặt trận Ukraine, Nga cũng để trống ít nhiều ở khu vực phân giới giữa Azerbaijan và Armennia. Khi ấy, Iran cũng quan tâm đến việc lấp chỗ trống, dưới danh nghĩa bảo vệ lợi ích của Armenia.
Ngoài ra, Iran muốn "cảnh báo" các nước trong khu vực về việc hình thành quan hệ chiến lược với Israel.
Cuối cùng, Iran muốn vô hiệu hóa các cuộc biểu tình chống chế độ bằng cách huy động toàn xã hội chống lại "kẻ thù từ bên ngoài", ám chỉ Mỹ và Israel.
Ngày 21/10, Tư lệnh Lục quân Iran, Abdulrahim Musavi, trực tiếp tố cáo Israel và Mỹ đã xúi giục biểu tình ở Iran gây bất ổn xã hội thông qua tác động lên các nhóm dân tộc thiểu số, tôn giáo và giới thanh niên.
Iran gây áp lực lớn lên Azerbaijan, gợi nhắc lại lịch sử
Cũng ngày 21/10, một sĩ quan cấp cao của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) cáo buộc Azerbaijan tìm cách "thay đổi đường biên giới để làm tổn hại các tuyến đường thương mại của Iran với châu Âu". Nhân vật này cũng nhắc Azerbaijan rằng lãnh thổ của nước này từng là một phần trong Đế chế Ba Tư xưa.
Trong các ngày từ 17-19/10, Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran đã tổ chức các cuộc tập trận quy mô lớn ở phía Nam biên giới với Azerbaijan, tạo cảm giác như các lực lượng này chuẩn bị tiến vào lãnh thổ Azerbaijan.
Các kênh truyền hình Iran khi ấy đã phát các thông cáo tạo cảm giác rằng các cuộc tập trận này nhằm vào Israel trước tiên, sau đó là nhằm vào Azerbaijan. Theo Viện Nghiên cứu Chiến tranh (Mỹ), hoạt động tập trận này nhằm chứng tỏ Iran không dung thứ "hoạt động tình báo của Israel" dọc biên giới Iran-Azerbaijan.
Vào ngày 22/10, quân đội Iran tiến hành một cuộc tập trận nữa ở tỉnh Tây Azerbaijan (đây là tên của một tỉnh nằm trong lãnh thổ Iran - ND), trong đó họ thực hành đổ bộ đường không, tấn công đêm và tác chiến đô thị.
Song song với đó, Iran thực hiện vô số dự án tuyên truyền trên mạng xã hội và truyền thông truyền thống, huy động những người ủng hộ tư tưởng đưa vùng Nakhichevan (thuộc Cộng hòa Azerbaijan) về nằm dưới sự kiểm soát của Iran.
Vào ngày 21/10, một kênh Telegram tuyên bố rằng "nhân dân của Cộng hòa Tự trị Nakhchivan mơ ước trở thành một phần của Cộng hòa Hồi giáo Iran".
Ngoài ra còn có các dấu hiệu cổ xúy cho phong trào ly khai ở miền Bắc Azerbaijan theo hướng có lợi cho Nga.
Xung đột quân sự Nga - Ukraine đang tạo ra các thách thức mới, theo nhiều cách nhau, cho sự ổn định của quốc gia Azerbaijan./.
Theo Trung Hiếu/VOV.VN biên dịch. Nguồn: Wilson Center
https://vov.vn/the-gioi/ho-so/xung-dot-nga-ukraine-tac-dong-manh-vao-tam-giac-iran-israel-azerbaijan-post982107.vov