Cập nhật: 19/11/2022 09:00:00
Xem cỡ chữ

Vào thời điểm này, người dân Vĩnh Tường đang ở trong những ngày thật đặc biệt khi vùng đất này chuẩn bị kỷ niệm 200 năm hình thành và phát triển.

2 tiếng Vĩnh Tường đã đi sâu vào tâm thức của mỗi người dân nơi đây. Thế nhưng không phải ai cũng biết rõ nguồn gốc của tên gọi đó. Những vết tích xưa của Vĩnh Tường giờ đây đã mai một ít nhiều nhưng vẫn còn đủ để nhắc nhớ về một thời oai hùng của ông cha.

Theo sử sách ghi lại thì năm 1822, trong công cuộc cải cách hành chính của triều Nguyễn, vua Minh Mệnh đã cho đổi tên từ phủ Tam Đa thành phủ Vĩnh Tường. Trải qua hai thế kỉ (1822 - 2022) với danh xưng “Đất phủ Vĩnh Tường” đến nay Vĩnh Tường đang ngày càng khẳng định vị thế của một huyện giàu truyền thống văn hóa, văn hiến và đấu tranh cách mạng, đóng góp quan trọng vào quá trình xây dựng và phát triển của tỉnh Vĩnh Phúc.

Địa danh Vĩnh Tường được nhắc đến như cái nôi của nền văn hóa Văn Lang - Âu Lạc dưới thời các vua Hùng dựng nước. Mở lại những trang sử của dân tộc để tìm những giá trị văn hóa qua hàng nghìn năm lịch sử tại mảnh đất này, nơi mà đang lưu giữ nhiều di sản có giá trị của nền văn hóa Bắc Bộ.

Trải qua nhiều thăng trầm lịch sử và sự hội nhập phát triển kinh tế, mảnh đất và con người Vĩnh Tường vẫn giữ nguyên vẹn những nền móng sơ khai của những công trình, những dấu tích lịch sử và những nét văn hóa truyền thống. Bởi những di chỉ khảo cổ học còn được lưu giữ, giá trị văn hóa truyền thống được bảo tồn đã thể hiện rõ nơi đây là một vùng đất cổ.

Các nghiên cứu khảo cổ học đã cho thấy, dưới lòng đất Vĩnh Tường còn lưu giữ nhiều di chỉ khảo cổ có niên đại trải dài từ thời kì văn hóa Phùng Nguyên - Đồng Đậu - Gò Mun - Đông Sơn, cách đây từ 3.000- 3.700 năm. Đáng chú ý, trong tổng số 18 di chỉ khảo cổ học liên quan đến văn hóa thời Phùng Nguyên trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã được phát hiện và công bố, riêng huyện Vĩnh Tường có 7 di tích, tiêu biểu như các di tích: Lũng Hòa (xã Lũng Hòa), Nghĩa Lập (xã Nghĩa Hưng).

Trải qua thời gian cùng nhiều biến động, thăng trầm của lịch sử, đến nay, huyện Vĩnh Tường vẫn còn lưu giữ được hệ thống kho tàng di tích, di sản văn hóa lịch sử đồ sộ, minh chứng cho một vùng đất có bề dày truyền thống văn hóa, văn hiến.

Theo thống kê, trên địa bàn huyện Vĩnh Tường hiện có 269 di tích lịch sử, văn hóa (trong đó có 1 di tích quốc gia đặc biệt là đình Thổ Tang, 19 di tích được xếp hạng quốc gia, 74 di tích cấp tỉnh) và gần 100 di sản văn hóa phi vật thể (trong đó có 2 di sản được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia).

Cần cù, sáng tạo trong sản xuất, các cư dân nông nghiệp ở Vĩnh Tường đã góp sức kiến tạo nên một vùng quê trù phú ven sông Hồng. Vùng quê ấy giờ đây trở nên năng động, hiện đại hơn bởi sự hiện diện của các doanh nghiệp, nhà máy trong các khu, cụm công nghiệp. Đặc biệt, bằng sự nỗ lực, đồng lòng của cả hệ thống chính trị và Nhân dân, huyện Vĩnh Tường đã có 26/26 xã được công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới.

Nhờ đó, những con đường làng bùn đất được thay thế bằng lộ bê-tông, trải nhựa thẳng tắp, bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc. Đời sống vật chất tinh thần của Nhân dân được nâng lên, thu nhập bình quân đầu người năm 2021 đạt 58,5 triệu đồng/người/năm. Các lĩnh vực văn hóa - xã hội của huyện luôn được chú trọng phát triển.

Tiếp tục phát huy truyền thống văn hiến, cách mạng, kiên định với lý tưởng và con đường lên chủ nghĩa xã hội mà Đảng, Bác Hồ đã lựa chọn, Đảng bộ và nhân dân Vĩnh Tường tiếp tục củng cố khối đoàn kết thống nhất, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, giữ vững ổn định chính trị - xã hội, phát huy và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực để phát triển nhanh và bền vững, vì mục tiêu dân xây dựng quê hương phồn vinh, thịnh vượng, vì lợi ích của Nhân dân./.

Thu Thủy