Thoái hoá điểm vàng tuổi già là một trong những nguyên nhân chính gây suy giảm thị lực ở những bệnh nhân trên 65 tuổi.
Các bác sĩ ở Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 nhấn mạnh, ở những nước phát triển, tỷ lệ các bệnh thừa cân, tăng huyết áp, đái tháo đường, hút thuốc và uống rượu nhiều là những yếu tố nguy cơ cho bệnh thoái hóa hoàng điểm tuổi già xuất hiện...
Thoái hoá điểm vàng tuổi già là gì?
Thoái hóa điểm vàng do tuổi tác (AMD) là một bệnh về mắt có thể trở nên tồi tệ hơn theo thời gian. Đây là nguyên nhân hàng đầu gây mất thị lực nghiêm trọng, vĩnh viễn ở những người trên 60 tuổi.
Thoái hóa hoàng điểm tuổi già xảy ra khi phần nhỏ ở trung tâm của võng mạc, được gọi là điểm vàng hay hoàng điểm, bị mòn. Bệnh có thể xảy ra ở một hoặc cả hai bên mắt.
Thoái hoá điểm vàng tuổi già không thể điều trị phục hồi
Vì bệnh AMD xảy ra khi bạn già đi nên nó thường được gọi là thoái hóa điểm vàng do tuổi tác. Bệnh thường không gây mù nhưng có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng về thị lực.
Một dạng khác của bệnh thoái hóa điểm vàng, được gọi là bệnh Stargardt hoặc bệnh thoái hóa điểm vàng vị thành niên, ảnh hưởng đến trẻ em và thanh niên.
Các bác sĩ tại Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 lưu ý, cần phải chú ý chăm sóc sức khoẻ mắt, đặc biệt ở những người trên 60 tuổi, bởi thoái hoá điểm vàng tuổi già hiện nay vẫn chưa có phương pháp điều trị dứt điểm, chỉ có thể ngăn chặn tiến triển bệnh xấu hơn. Trong trường hợp xấu nhất, bệnh nhân sẽ mất hoàn toàn thị lực và không có khả năng phục hồi.
Các thể thoái hoá điểm vàng tuổi già
Qua trao đổi với các bác sĩ tại Bệnh viện Mắt Hà Nội 2, có hai dạng thoái hóa hoàng điểm do tuổi tác:
Thoái hóa hoàng điểm thể khô hay teo:
Là dạng hay gặp nhất của thoái hóa hoàng điểm do tuổi già, với tần suất lên tới 90 %. Dấu hiệu sớm của bệnh là khi hoàng điểm xuất hiện các đốm do lắng đọng các chất chuyển hóa (drusen), lớp tế bào cảm thụ ánh sáng bị mỏng đi. Các cấu trúc võng mạc tại hoàng điểm bị teo thoái hóa gây giảm thị lực từ từ, có thể xuất hiện ám điểm trung tâm (bệnh nhân nhìn thấy 1 vùng mờ ở chính giữa khoảng nhìn), có khi mất hẳn thị lực trung tâm.
Hiếm khi thoái hóa điểm vàng thể khô dẫn đến thể ướt.
Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh thoái hóa điểm vàng thể khô bao gồm:
Giảm thị lực trung tâm
Sự biến dạng của các đường thẳng trong tầm nhìn của mắt
Cần nguồn sáng lớn hơn, khó thích nghi với ánh sáng yếu
Mờ mắt
Khó nhận dạng khuôn mặt
Tổn thương võng mạc
Triệu chứng thoái hoá hoàng điểm thể khô
Thoái hóa hoàng điểm thể ướt (hay thoái hóa hoàng điểm tuổi già thể tân mạch):
Tình trạng này xảy ra khi các mạch máu phát triển bất thường dưới võng mạc và điểm vàng. Nó làm phá vỡ cấu trúc bình thường của hoàng điểm, gây bong biểu mô sắc tố, xuất huyết võng mạc. Các mạch máu bị rò rỉ máu và chất lỏng (một tình trạng gọi là tân mạch hắc mạc, viết tắt là CNV). Do chất lỏng tích tụ dẫn đến hình thành nên khối phồng hay còn gọi là sẹo xơ mạch vùng hoàng điểm. Mắt người bệnh xuất hiện vùng tối ở trung tâm thị giác.
Khoảng 15% người bị thoái hóa điểm vàng có dạng ướt. Loại này nặng hơn. Nó có thể nhanh chóng dẫn đến mất hoàn toàn thị lực trung tâm. Nếu bị thoái hóa điểm vàng thể ướt, người bệnh cần theo dõi thị lực cẩn thận và đi thăm khám bác sĩ nhãn khoa thường xuyên.
Người bị bệnh thoái hóa điểm vàng thể ướt có thể gặp phải các dấu hiệu và triệu chứng sau:
Biến dạng thị giác
Giảm thị lực trung tâm
Vết chấm đen ở trung tâm tầm nhìn do rò rỉ máu hoặc chất dịch
Tầm nhìn lờ mờ như có màn sương che phủ trước mắt
Các triệu chứng xấu đi nhanh chóng
Thoái hóa điểm vàng thể ướt tiến triển nhanh hơn thoái hóa điểm vàng thể khô.
Cách chăm sóc ngăn chặn diễn tiến của bệnh
Các chuyên gia vẫn chưa xác định được cách nào để ngăn ngừa thoái hóa điểm vàng. Tuy nhiên, bạn có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh bằng cách duy trì lối sống lành mạnh.
Theo tư vấn của các bác sĩ tại Bệnh viện Mắt Hà Nội 2, bạn có thể ngăn chặn bệnh diễn tiến nhanh bằng các phương pháp sau:
- Dùng thuốc: thuốc chống oxy hóa các gốc tự do, các thuốc giãn mạch, các thuốc tăng cường cung cấp oxy võng mạc…
- Bỏ hút thuốc, uống rượu
- Ăn nhiều trái cây tươi và rau xanh, cá biển
- Đeo kính mát khi ra đường: Những loại kính này phải đảm bảo tiêu chuẩn ngăn tia cực tím
- Kiểm tra thị lực thường xuyên: Những người trên 50 tuổi nên đi khám mắt định kỳ một năm một lần.
- Tự phát hiện sớm bệnh: Kiểm tra mắt bằng lưới Amsler gồm những đường kẻ vuông góc với nhau tạo thành nhiều ô vuông: bình thường những đường thẳng này thẳng hàng. Khi có bệnh hoàng điểm, những đường thẳng này bị mờ, biến dạng.
Bệnh thoái hoá hoàng điểm tuổi già vẫn còn đang được tiếp tục nghiên cứu và chúng ta hy vọng trong tương lai còn có nhiều tiến bộ hơn nữa trong việc phòng và chữa bệnh này.
Theo PV/suckhoedoisong.vn
https://suckhoedoisong.vn/thoai-hoa-diem-vang-tuoi-gia-khong-the-dieu-tri-phuc-hoi-169221207093610482.htm