Năm 2022, các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đã đẩy mạnh huy động vốn, chủ động triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng.
Đáng chú ý, dòng vốn tín dụng tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, đầu tư và phát triển đã góp phần bù đắp đáng kể sự thiếu hụt vốn cho doanh nghiệp, từng bước đưa nền kinh tế của tỉnh phục hồi và phát triển.
Với mục tiêu vừa đồng hành, hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, vừa đáp ứng nhu cầu vay vốn của người dân và doanh nghiệp, trong năm 2022, BIDV Vĩnh Phúc đã triển khai các chương trình ưu đãi lãi suất đối với khách hàng vay vốn thuộc lĩnh vực ưu tiên; khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; khách hàng có hoạt động xuất, nhập khẩu; khách hàng doanh nghiệp nước ngoài... Qua đó, giúp người dân, doanh nghiệp duy trì ổn định sản xuất và mở rộng kinh doanh.
Theo Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước tỉnh, năm 2022, tổng dư nợ tín dụng của các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh ước đạt 117,5 nghìn tỷ đồng, tăng 15,15% so với cuối năm 2021, cao hơn mức tăng trưởng chung của cả nước. Cơ cấu tín dụng phần lớn là cho vay các hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ và đầu tư phát triển, tiêu dùng của người dân và doanh nghiệp. Trong năm đã có 3.300 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh được tiếp cận nguồn vốn ngân hàng với dư nợ đạt 52.000 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ trên 44% tổng dư nợ
Hiện các ngân hàng trên địa bàn tỉnh đang tập trung đẩy mạnh huy động vốn, đặc biệt là nguồn vốn trung và dài hạn. Tập trung đầu tư vốn tín dụng có trọng tâm, trọng điểm theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Đảm bảo tăng trưởng tín dụng phải đi đôi với kiểm soát chất lượng tín dụng, giảm thiểu nợ xấu.
Phương Liên