Năm 2023, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex, mã chứng khoán PLX) sẽ triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp để góp phần thực hiện bình ổn thị trường xăng dầu và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Nhân viên Petrolimex đang bán xăng cho khách hàng. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)
Năm 2023, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex, mã chứng khoán PLX) sẽ triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp để góp phần thực hiện bình ổn thị trường xăng dầu và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Theo Tập đoàn, đối với nhiệm vụ đảm bảo nguồn, Petrolimex đàm phán với các nhà máy lọc dầu trong nước để ký kết các hợp đồng mua sản phẩm.
Bên cạnh đó, Petrolimex tiếp tục chủ động tìm kiếm các nguồn hàng nhập khẩu có tính cạnh tranh về giá và thuế. Ngoài ra, giải pháp tối ưu hóa vận chuyển xăng dầu từ kho đến các cửa hàng và hoàn thành xây dựng ngày tồn kho định hướng sẽ được tập trung triển khai nhằm đảm bảo dự trữ nguồn hàng hợp lý.
Đối với hoạt động kinh doanh, Petrolimex sẽ tăng cường dự báo thị trường, xây dựng các kịch bản điều hành tổ chức kinh doanh bán hàng đối với các tình huống bất thường có thể xảy ra; phát triển hệ thống thương nhân nhượng quyền có chọn lọc, đồng thời xây dựng các gói sản phẩm, dịch vụ, chính sách kinh doanh, nhận diện thương hiệu, công nghệ thông tin… theo hướng chuẩn hóa, đóng gói.
Petrolimex cũng tập trung mở rộng phát triển mạng lưới cửa hàng xăng dầu, nhất là trên các tuyến cao tốc, trục lộ, tỉnh lộ, thành phố lớn, phát triển cửa hàng xăng dầu theo tiêu chuẩn mới, hiện đại, đáp ứng tích tiện ích, tính phục vụ và nâng cao trải nghiệm khách hàng; triển khai thí điểm mô hình trạm dịch vụ xe tải.
Đặc biệt, Petrolimex tiếp tục đẩy mạnh phương thức thanh toán không dùng tiền mặt kết hợp nghiên cứu khai thác nguồn cơ sở dữ liệu Petrolimex ID một cách hiệu quả nhằm gia tăng trải nghiệm để thu hút thêm khách hàng.
Ngoài ra, để hoàn thành kế hoạch năm 2023, Petrolimex tiếp tục tập trung triển khai đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật; ứng dụng công nghệ, tự động hóa, chuyển đổi số; hoàn thành ứng dụng hóa đơn điện tử theo từng giao dịch; triển khai sử dụng số liệu từ các hệ thống đo mức tự động tại bể chứa kho xăng dầu và cửa hàng xăng dầu đã được lắp đặt trong quản lý, hạch toán; tổ chức kiểm thử nâng cấp hoàn thiện hệ thống ERP-SAP/EGAS đồng bộ và đáp ứng các yêu cầu mới của Tập đoàn; tiếp tục rà soát các khoản mục chi phí lớn và triển khai các giải pháp tiết giảm hiệu quả…
Năm 2022, Petrolimex hoạt động kinh doanh khó khăn trong bối cảnh giá dầu diễn biến phức tạp do tác động bất lợi của xung đột Nga-Ukraine. Ở trong nước, với việc Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn giảm mạnh công suất trong trong quý 1/2022, Petrolimex phải tăng cường nhập khẩu thêm xăng dầu từ nước ngoài theo chỉ đạo của Bộ Công Thương trong điều kiện giá xăng dầu biến động bất thường để thực hiện nhiệm vụ bình ổn thị trường.
Tuy nhiên, với các giải pháp đồng bộ đã triển khai, tổng doanh thu hợp nhất năm 2022 của Petrolimex ước đạt 300.000 tỷ đồng, tăng 78% so với năm 2021 và vượt 25% kế hoạch. Lãi trước thuế ước đạt 2.000 tỷ đồng; nộp ngân sách Nhà nước ước 32.000 tỷ đồng, vượt kế hoạch 33%. Tổng sản lượng xuất bán hợp nhất năm 2022 đạt 13 triệu m3 tấn, tăng hơn 2 lần cùng kỳ và vượt 13% kế hoạch.
Trên thị trường chứng khoán, thị giá PLX năm 2022 đã giảm 39,92%, trong đó giá đóng cửa cao nhất là 60.817 đồng/cổ phiếu (ngày 24/2) và giá đóng cửa thấp nhất là 24.650 đồng/cổ phiếu (ngày 15/11)./.
Theo Anh Nguyễn (TTXVN/Vietnam+)
https://www.vietnamplus.vn/petrolimex-thuc-hien-cac-giai-phap-de-dam-bao-cung-ung-xang-dau/841450.vnp