Đại diện Trung tâm Bảo tồn di sản Thành nhà Hồ cho biết lễ dựng cây nêu ngày Tết là phong tục truyền thống của người Việt, khi cây nêu được dựng lên là báo hiệu ngày Tết chính thức bắt đầu.
Lễ thượng nêu ngầy tết diễn ra trang nghiêm, thành kính tại Di sản văn hóa thế giới Thành nhà Hồ. (Ảnh: Hoa Mai/TXTVN)
Sáng 16/1 (tức ngày 25 tháng Chạp), trước khu vực cổng Nam, Trung tâm Bảo tồn di sản thành nhà Hồ đã tổ chức nghi lễ thượng nêu (lễ dựng cây nêu) theo phong tục cung đình ngày xưa của vương triều Hồ vào ngày Tết Nguyên đán. Hoạt động này thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân cũng như du khách.
Đại diện Trung tâm Bảo tồn di sản Thành nhà Hồ cho biết lễ dựng cây nêu ngày Tết là phong tục truyền thống của người Việt, khi cây nêu được dựng lên là báo hiệu ngày Tết chính thức bắt đầu. Cây nêu gồm 2 loại là cây nêu quốc gia và cây nêu tư gia (tại các gia đình).
Trong các triều đại quân chủ Việt Nam, tục dựng cây nêu được đưa vào hoàng cung và sử dụng như một phong tục, điển chế của triều đình.
Việc khôi phục lễ thượng nêu ngày Tết tại Thành nhà Hồ diễn ra với mong muốn cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, người người ấm no, nhà nhà cát khánh, đồng thời góp phần vào việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa phi vật thể của vùng đất Tây đô. Lễ hạ cây nêu sẽ diễn ra vào ngày mùng 7 tháng Giêng năm Quý Mão.
Ông Nguyễn Văn Long, Phó giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Thành nhà Hồ, cho biết: Sau một thời gian nghiên cứu và chuẩn bị, Trung tâm tổ chức phục dựng thành công nghi lễ dựng cây nêu ngày Tết. Đây là lần đầu tiên Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành nhà Hồ tái hiện nghi lễ thượng nêu ngày Tết để nhân dân và du khách được trải nghiệm cũng như hiểu hơn về những nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam.
Cũng trong sáng 16/1, tại khuôn viên Di sản văn hóa thế giới Thành nhà Hồ tái hiện không gian Tết xưa với nhiều mô hình, đồ vật mang đậm không khí ngày Tết ở vùng nông thôn Việt Nam. Không khí Tết cổ truyền dân tộc mang đậm dấu ấn thời gian, không gian cổ xưa với những hương vị ẩm thực đặc trưng như: bánh chưng, mâm ngũ quả, hoa đào, hoa mai... được tái hiện, giúp mỗi người nhớ về cội nguồn dân tộc và những những nét văn hóa đặc trưng ngày Tết xưa.
Hoạt động này diễn ra đến hết ngày 19/2/2023.
Trong dịp Tết cổ truyền 2023, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành nhà Hồ còn tổ chức nhiều hoạt động vui Xuân đón Tết khác như: hoạt động cho chữ với chủ đề “Gieo chữ đầu Xuân”, Chương trình nghệ thuật chào Xuân Quý Mão 2023; hoạt động trưng bày hoa Xuân; trưng bày triển lãm ảnh với chủ đề “Di sản văn hóa xứ Thanh - Di sản chung của chúng ta”; trưng bày các vật dụng, sản phẩm nông nghiệp vùng Tây Đô...
Việc tổ chức các hoạt động trên vừa đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá về hình ảnh di sản Thành nhà Hồ với bạn bè trong nước và quốc tế đồng thời góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của cộng đồng vì sự nghiệp bảo tồn di sản văn hóa, phát triển du lịch bền vững; từ đó nâng cao sức hấp dẫn của Di sản văn hóa thế giới Thành nhà Hồ, thu hút du khách tham quan di sản trong thời gian tới.
Nhân dịp Tết cổ truyền Quý Mão 2023, Trung tâm Bảo tồn di sản thành nhà Hồ sẽ miễn 100% phí tham quan từ ngày 16-22/1 (tức ngày 25 tháng Chạp đến hết ngày mùng 1 Tết). Ngoài ra, Trung tâm còn tổ chức nhiều hoạt động mừng Đảng, mừng Xuân và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá di sản Thành nhà Hồ đến đông đảo du khách trong và ngoài nước./.
Theo Hoa Mai (TTXVN/Vietnam+)
https://www.vietnamplus.vn/tet-co-truyen-2023-tai-hien-le-thuong-neu-ngay-tet-tai-thanh-nha-ho/841561.vnp