Bằng sự nhiệt tình, tâm huyết, tình yêu thương của mình, các thầy, cô giáo đã giúp các em học sinh dân tộc Chăm đọc thông, viết thạo tiếng Chăm, tiếng Việt và trưởng thành mỗi ngày.
Tại trường tiểu học Tân Hưng A, xã Tân Hưng, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh đã có rất nhiều thế hệ học sinh được học tập dưới sự dìu dắt bởi những thầy, cô giáo người Chăm.
Là người dân tộc Chăm, sinh ra và lớn lên ở xã Tân Hưng, ngay khi từ nhỏ cô giáo A Mi Ná đã ấp ủ ước mơ trở thành cô giáo để đưa cái chữ đến với con em trên quê hương mình. Ước mơ trở thành hiện thực khi cô thi đỗ vào khoa tiểu học của một trường sư phạm. Ra trường, cô được phân công giảng dạy tại Trường tiểu học xã Suối Dây, rồi chuyển về dạy tại trường Tiểu học Tân Hưng A. Phần lớn thời gian công tác, cô đều chủ nhiệm và dạy học sinh lớp 1.
Cô A Mi Ná luôn phải tìm ra nhiều phương pháp dạy để các em tiếp thu bài học
Học sinh đầu lớp 1 thường rụt rè, vì vừa hết tuổi mẫu giáo, nhất là với các em học sinh đồng bào dân tộc thường khó khăn vì chưa hiểu tiếng Việt, nên cô A Mi Ná luôn phải tìm ra nhiều phương pháp dạy để các em tiếp thu bài học. Cô chia sẻ, nhiều trẻ em dân tộc không học mẫu giáo trước khi vào lớp 1 nên nói tiếng Việt chưa tốt, vì thế khi giảng bài cô thường xuyên phải dùng những từ trong tiếng Chăm để diễn đạt sang tiếng Việt cho các em dễ hiểu.
“Dạy các em lớp 1 đã khó, với những em dân tộc Chăm còn khó hơn vì các em không thạo tiếng Việt. Tôi vừa dạy tiếng Việt rồi ngoài giờ ra chơi tôi thường cùng chơi với các em, đố các em bằng tiếng Chăm rồi hướng dẫn các em phiên ra tiếng Việt, như thế sẽ giúp các em nhanh hiểu bài hơn”, cô A Mi Ná chia sẻ.
Đa số học sinh dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn, nên sau khi biết đọc, biết viết tiếng Việt nhiều em phải bỏ học để phụ giúp gia đình. Để hạn chế tình trạng này, cô A Mi Ná thường xuyên đến tận gia đình học sinh để tìm hiểu từng hoàn cảnh, từ đó có hướng động viên các em đến trường.
“Nhiều em lớp 4,5 gia đình khó khăn là các em nghỉ học, là giáo viên người dân tộc nên tôi được phân công đến những gia đình người Chăm có con em nghỉ học để vận động gia đình cho các em đi học tiếp. Ngoài ra tôi còn bỏ tiền túi hỗ trợ mua đồng phục, sách vở cho các em học. Khi có những chương trình học bổng hoặc nhà tài trợ đến trường thì tôi sẽ giới thiệu những học sinh khó khăn để nhà trường hỗ trợ các em trước”, cô A Mi Ná cho hay.
Cũng như cô giáo A Mi Ná, thầy Chàm Ên gắn bó với việc trồng người đã hơn 30 năm với mong muốn học sinh dân tộc Chăm không quên ngôn ngữ, chữ viết và văn hóa của dân tộc mình. Là giáo viên dạy song ngữ Việt – Chăm tại trường tiểu học Tân Hưng A, thầy chia sẻ, niềm vui lớn nhất của thầy là trẻ em Chăm biết đọc, biết viết tiếng Việt, giỏi tiếng Chăm và học tốt chương trình trong sách giáo khoa. Để cuốn hút các em hiểu nhanh và dễ học, trong những bài giảng của mình, thầy Chàm Ên lồng vào đó những kiến thức về đời sống hàng ngày, về phong tục tập quán của dân tộc Chăm. Tuy nhiên, điều thầy Chàm Ên băn khoăn nhiều nhất, đó là học sinh vẫn phải học giáo trình song ngữ Việt - Chăm cũ.
Thầy Chàm Ên gắn bó với việc trồng người đã hơn 30 năm với mong muốn học sinh dân tộc Chăm không quên ngôn ngữ, chữ viết và văn hóa của dân tộc mình
“Dạy tiếng Chăm song ngữ ở trường thì chưa có giáo trình mới, vẫn dạy giáo trình cũ. Tôi rất muốn mang thêm nhiều kiến thức cho các em nhưng còn khó khăn trong không đủ sách giáo khoa”, thầy Chàm Ên nói.
Không chỉ là một người thầy hết lòng vì học sinh, thầy Chàm Ên còn đang giữ cương vị Chánh Văn phòng Ban Đại diện Cộng đồng Hồi giáo Islam tỉnh Tây Ninh; thư ký của Ban quản trị Thánh đường Nou Rul Islam tại ấp Tân Trung A. Với uy tín của mình trong cộng đồng, thầy Chàm Ên luôn có những hoạt động hỗ trợ bà con khó khăn, vận động bà con sống tốt đời đẹp đạo:.
“Bên cộng đồng hồi giáo tỉnh thì mình là cầu nối cùng chính quyền giúp đỡ đồng bào Chăm gặp khó khăn, như các em đi du học thì thầy giúp các em làm hồ sơ để đi du học. Với cộng đồng mình cũng vận động phụ huynh hỗ trợ cho những gia đình khó khăn nhu yếu phẩm, rồi kêu gọi mạnh thường quân thường xuyên hỗ trợ”, thầy Chàm Ên cho biết.
Thầy hiệu trưởng Lê Văn Bảo cho biết, nhiều năm liền trường Tiểu học Tân Hưng A được công nhận là tập thể lao động tiên tiến. 100% giáo viên đạt chuẩn trình độ giáo viên tiểu học. Năm 2017, trường đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia. Trong thành tích này có sự đóng góp công sức không nhỏ của các thầy cô giáo người Chăm.
“Sự đóng góp của thầy cô rất lớn cho các em dân tộc. Vì gần 30% là học sinh dân tộc Chăm, dạy song ngữ cho các em để các em vừa bảo tồn được văn hóa tiếng Chăm và tiếp cận với tiếng Việt được dễ hơn. Từ đó tư tưởng bỏ học, nghỉ học đã không còn. Sự đóng góp của thầy cô đã thêm sự tin tưởng cho học sinh và phụ huynh. Đặc biệt khi dịch Covid-19, thầy cô đều tham gia nhiệt tình, không từ chối bất cứ khó khăn nào luôn”, thầy Bảo cho hay.
Với sự nỗ lực, hết lòng với hoạt động giảng dạy và công tác chăm lo đời sống cho con em đồng bào Chăm, cô giáo A Mi Ná và thầy giáo Chàm Ên luôn được mọi người yêu thương, chính quyền địa phương tin tưởng. Đặc biệt, thầy cô là những giáo viên tiêu biểu, là tấm gương sáng để các em học sinh người Chăm học tập, noi theo./.
Theo Hoàng Liên/VOV-TP.HCM
https://vov.vn/xa-hoi/thay-giao-cham-dua-chu-cham-den-voi-hoc-sinh-cham-post994947.vov