Cập nhật: 24/01/2023 08:10:00
Xem cỡ chữ

Trong năm 2023, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ tiếp tục điều hành chủ động, linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ để kiểm soát lạm phát; góp phần ổn định vĩ mô, hỗ trợ phục hồi kinh tế...

Năm 2022 là năm đầu nền kinh tế phục hồi sau đại dịch Covid-19 nhưng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức chưa từng có, trong đó có xung đột Nga-Ukraine leo thang, giá hàng hóa, lạm phát tăng cao... Xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ (CSTT) được các ngân hàng trung ương (NHTW) thúc đẩy mạnh mẽ trong năm 2022. Mức độ và tần suất tăng lãi suất được Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED thực thi nhanh nhất trong lịch sử với 7 lần điều chỉnh tăng liên tục trong năm 2022 từ 0-0,25%/năm lên 4,25-4,5%/năm. Trước xu thế đó, nhiều NHTW tại cả nước phát triển và đang phát triển đã phải tăng mạnh lãi suất và bán ngoại tệ can thiệp thị trường để bảo vệ giá trị đồng bản tệ, kiểm soát lạm phát.

Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà cho biết, Việt Nam là nền kinh tế nhỏ với độ mở lớn, biến động về giá cả, lạm phát, lãi suất, tỷ giá trong nước và diễn biến bất trắc từ thị trường quốc tế đặt ra thách thức rất lớn cho công tác điều hành CSTT. Trong khi đó, nhu cầu về vốn phục vụ quá trình phục hồi kinh tế sau đại dịch gia tăng áp lực lên tín dụng ngân hàng, trong bối cảnh thị trường vốn (cổ phiếu, trái phiếu) chưa đáp ứng được nhu cầu về vốn trung dài hạn của nền kinh tế.

Dieu hanh chinh sach tien te 2023 chu dong, linh hoat, dong bo hinh anh 1

(Ảnh minh họa: KT)

Lạm phát nhập khẩu làm tăng chi phí sản xuất, gây sức ép lên lạm phát trong nước; do đó mặc dù lạm phát bình quân năm 2022 được kiểm soát dưới 4%, nhưng lạm phát cơ bản tăng nhanh, đột biến từ 0,66% tháng 1/2022 so với cùng kỳ năm 2021 lên trên 5% vào tháng 12/2022, cho thấy thách thức rất lớn trong kiểm soát lạm phát năm 2023. Trong bối cảnh đó, điều hành CSTT phải cân đối giữa các nhiệm vụ, mục tiêu đan xen, thậm chí có thời điểm mâu thuẫn nhau trong việc kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phục hồi kinh tế, ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối, đảm bảo an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD), duy trì niềm tin của nhà đầu tư và người dân, nâng cao tính linh hoạt, tạo dư địa chính sách để tăng khả năng hấp thụ các cú sốc từ bên ngoài.

Đóng góp tích cực vào các thành quả nổi bật của nền kinh tế

Trước những biến động nhanh, khó lường của thị trường trong nước và quốc tế, bám sát chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, NHNN đã linh hoạt điều hành CSTT, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế, thích ứng kịp thời với diễn biến thị trường. Theo đó, các công cụ, giải pháp điều hành CSTT được phối hợp đồng bộ, chủ động, linh hoạt nhằm ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối, đặc biệt trong các thời điểm thanh khoản căng thẳng, tâm lý thị trường lo ngại sau sự cố xảy ra tại ngân hàng SCB trong tháng 10; qua đó đã giảm thiểu các cú sốc tiêu cực tác động lên lãi suất, tỷ giá; đảm bảo cung ứng vốn hỗ trợ phục hồi kinh tế; thực hiện tốt mục tiêu kiểm soát lạm phát; đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống các TCTD.

Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà cho biết, với các giải pháp CSTT được triển khai đồng bộ, năm 2022 ngành Ngân hàng đã đóng góp tích cực vào các thành quả nổi bật của nền kinh tế. Lạm phát năm 2022 được kiểm soát theo mục tiêu đề ra, trong đó lạm phát CPI bình quân cả năm 2022 là 3,15%, tăng trưởng GDP đạt 8,02%, là mức cao nhất trong nhiều năm gần đây. Những áp lực lớn trên thị trường tiền tệ, ngoại hối trong nước được hóa giải, qua đó góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo an toàn của hệ thống TCTD. Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody’s và S&P nâng mức xếp hạng tín nhiệm quốc gia cho Việt Nam. Niềm tin của nhà đầu tư, doanh nghiệp và người dân vào môi trường và triển vọng kinh tế trung hạn tiếp tục được giữ vững.

Để NHNN thực hiện được cả 2 mục tiêu vừa ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, vừa hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế, công tác điều hành đòi hỏi phải theo sát diễn biến thị trường, kinh tế vĩ mô, trên cơ sở phân tích, dự báo để phối kết hợp đồng bộ, nhuần nhuyễn các công cụ phù hợp với thời điểm, hoàn cảnh.

Dieu hanh chinh sach tien te 2023 chu dong, linh hoat, dong bo hinh anh 2

Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà

Trước bối cảnh kinh tế thế giới biến động khó lường, trong 9 tháng đầu năm, NHNN bám sát diễn biến thị trường trong và ngoài nước để điều hành đồng bộ các công cụ và giải pháp CSTT góp phần kiểm soát lạm phát bình quân ở mức thấp (2,73%), hỗ trợ tăng trưởng kinh tế phục hồi tích cực (GDP tăng 8,83%), thị trường tiền tệ, ngoại hối cơ bản ổn định, VND mất giá ở mức thấp (4,8%) so với đồng tiền của nhiều nước (từ 6%-33%), mặt bằng lãi suất VND tăng nhẹ (khoảng 0,3-0,4%) trong khi lãi suất tại nhiều nước tăng mạnh. Thanh khoản hệ thống TCTD ổn định, thông suốt, đáp ứng đầy đủ nhu cầu chi trả của doanh nghiệp, người dân.

Trong tháng 10/2022, thị trường tiền tệ, ngoại hối chịu áp lực trước xu hướng tỷ giá tăng kịch trần, thanh khoản thị trường kém, tâm lý găm giữ ngoại tệ gia tăng. Để giải tỏa áp lực thị trường, NHNN đã phải thực hiện đồng thời các giải pháp cấp bách như: tăng biên độ giao dịch của tỷ giá và cho phép VND biến động linh hoạt hơn như đề cập ở trên; sẵn sàng bán ngoại tệ can thiệp; tăng 1% các mức lãi suất điều hành; hỗ trợ thanh khoản và đảm bảo an toàn hệ thống các TCTD.

Đối với điều hành tín dụng, NHNN đưa ra chỉ tiêu định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2022 khoảng 14% và điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tiễn. Do kinh tế phục hồi sau đại dịch, trong khi thị trường trái phiếu doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, nên tín dụng ngân hàng tăng cao, 9 tháng đầu năm 2022 đã tăng 17% so với cùng kỳ 2021 – là mức tăng cao so với nhiều năm trở lại đây. Sau tháng 11, khi thị trường tiền tệ, ngoại hối đã bớt áp lực, thanh khoản cải thiện, NHNN đã điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng thêm 1,5-2% cho các TCTD để hỗ trợ hơn nữa cho doanh nghiệp và người dân, góp phần phục hồi tăng trưởng kinh tế. Đồng thời, NHNN chỉ đạo các TCTD mở rộng tín dụng phù hợp với năng lực quản trị rủi ro, khả năng cân đối vốn để cấp tín dụng, giữ ổn định mặt bằng lãi suất thị trường; hướng tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên, các lĩnh vực tạo động lực cho tăng trưởng theo chủ trương của Chính phủ, tín dụng cho nhà ở xã hội; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

Điều hành CSTT đã bám sát diễn biến thị trường trong từng thời điểm, đưa ra các giải pháp điều hành phù hợp tùy thuộc vào bối cảnh tình hình, qua đó đã hỗ trợ nền kinh tế phục hồi tích cực, đồng thời đảm bảo để kiểm soát lạm phát tăng thấp hơn mục tiêu đặt ra, Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà khẳng định.

Giải pháp điều hành CSTT trong năm 2023 

Trong thời gian tới, Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà cho rằng, bối cảnh kinh tế toàn cầu tiếp tục còn nhiều yếu tố bất lợi và khó lường, các NHTW tiếp tục duy trì thắt chặt CSTT, tăng lãi suất để tiếp tục kiểm soát lạm phát. Mặc dù lạm phát trong nước hiện vẫn đang được kiểm soát, tuy nhiên, áp lực sẽ tiếp tục gia tăng trong năm 2023, đặc biệt là lạm phát cơ bản có thể tạo nhiều thách thức đối với kiểm soát lạm phát trong năm 2023, đến từ cả yếu tố bên cung (chi phí đẩy) và bên cầu (cầu kéo).

Về phía cung, tác động vòng 2 từ giá hàng hóa thế giới tăng cao trong các năm 2020-2022 sẽ tiếp tục được phản ánh vào chi phí sản xuất (lạm phát nhập khẩu) và từ đó tác động vào chi phí tiêu dùng các mặt hàng trong nước. Về phía cầu, dự kiến kinh tế trong nước tiếp tục quá trình phục hồi, qua đó thúc đẩy phục hồi và tăng nhanh tổng cầu của nền kinh tế, gây áp lực lên giá cả. "Do đó, chúng ta không thể chủ quan với rủi ro lạm phát năm 2023", Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà nêu rõ.

Dieu hanh chinh sach tien te 2023 chu dong, linh hoat, dong bo hinh anh 3

NHNN sẽ tiếp tục điều hành chủ động, linh hoạt, đồng bộ các công cụ CSTT để kiểm soát lạm phát

Để thực hiện thành công mục tiêu lạm phát bình quân năm 2023 khoảng 4,5% mà Quốc hội đặt ra, thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục điều hành chủ động, linh hoạt, đồng bộ các công cụ CSTT để kiểm soát lạm phát; góp phần ổn định vĩ mô, hỗ trợ phục hồi kinh tế; điều hành lãi suất phù hợp với tình hình kinh tế vĩ mô, diễn biến lạm phát và mục tiêu CSTT, hỗ trợ phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh; điều hành tỷ giá linh hoạt, phối hợp đồng bộ với các biện pháp và công cụ CSTT để ổn định thị trường ngoại tệ; sẵn sàng can thiệp thị trường tiền tệ, ngoại hối để đáp ứng nhu cầu thanh khoản của TCTD, qua đó góp phần ổn định thị trường, đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng.

Hiện nay, vốn đầu tư trung dài hạn của nền kinh tế phụ thuộc chủ yếu vào hệ thống ngân hàng, trong khi huy động vốn của ngân hàng chủ yếu là ngắn hạn, do đó hệ thống các TCTD đối mặt với rủi ro thanh khoản, rủi ro kỳ hạn. Để đảm bảo nguồn vốn cho phát triển kinh tế thì cần phát triển thị trường vốn một cách an toàn, bền vững như thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường chứng khoán, theo đó cần rà soát lại các quy định pháp lý và có giải pháp khắc phục những bất cập hiện nay trên các thị trường này.

Theo ông Phạm Chí Quang – Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ NHNN, mặt bằng lãi suất toàn cầu rất cao, làm cho đồng USD tăng ở mức cao nhất trong vòng 20 năm trở lại đây, tạo áp lực rất lớn lên việc điều hành chính sách tiền tệ không chỉ ở Việt Nam mà của các nước đang phát triển và những nước mới nổi.

Trong bối cảnh đó, đồng USD trở thành “hầm trú ẩn” cho các nhà đầu tư, dòng tiền chảy ra khỏi các thị trường mới nổi và các nước đang phát triển. Dự trữ ngoại hối của các nước sụt giảm gần 10.000 tỉ USD, giảm gần 9% tổng dự trữ ngoại hối của các nước trước xu hướng dòng tiền đổi chiều. Trong khi đó, trong nước, kinh tế phục hồi nhưng chưa bền vững; thị trường chứng khoán, bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp đều gặp khó khăn đã tạo áp lực rất lớn đối với công tác điều hành chính sách tiền tệ. Với bối cảnh đó, sự chống chọi của chính sách tiền tệ của các nước, đặc biệt của Việt Nam – một nước có độ mở kinh tế lớn với các cú sốc này là rất căng thẳng.

"Làm sao để tìm điểm cân bằng hài hòa giữa điều hành lãi suất và điều hành tỉ giá?", ông Phạm Chí Quang nêu vấn đề, đồng thời phân tích: Nếu hy sinh tỷ giá để tỷ giá tăng cao, đồng nội tệ mất giá nhiều thì sẽ giữ được lãi suất, giữ được dự trữ ngoại hối; nhưng ngược lại, nền kinh tế Việt Nam độ mở rất lớn, nếu để tỷ giá mất giá nhanh và mất giá quá lớn thì chúng ta sẽ nhập khẩu lạm phát, từ đó không kiểm soát được lạm phát, các cân đối vĩ mô sẽ không kiểm soát được và có thể rơi vào mất ổn định kinh tế vĩ mô.

“Nhúng” hệ điều hành chính sách tiền tệ vào bối cảnh kinh tế vĩ mô nói chung sẽ cho thấy được bức tranh chung mà ngành Ngân hàng phải đối mặt với những thách thức thời gian qua cũng như trong năm 2023./.

Theo Trần Ngọc/VOV.VN

https://vov.vn/kinh-te/dieu-hanh-chinh-sach-tien-te-2023-chu-dong-linh-hoat-dong-bo-post997427.vov