Cập nhật: 26/01/2023 07:19:00
Xem cỡ chữ

Người kinh doanh có đạo đức sẽ biết cân bằng lợi ích giữa DN với cộng đồng và đây là xu thế sẽ phải làm, vì kinh doanh không có trách nhiệm, không có đạo đức sẽ bị cộng đồng xa lánh, đối tác, bạn hàng ít hợp tác.

Năm 2022, nhiều doanh nhân đứng đầu các tập đoàn kinh tế lớn liên tiếp vướng vào vong lao lý bởi bất chấp đạo lý, vi phạm nghiêm trọng các hoạt động kinh doanh trái quy định của pháp luật.

Đơn cử có thể kể đến như cựu Chủ tịch Tân Hoàng Minh Đỗ Anh Dũng cùng một số lãnh đạo dưới quyền thực hiện hành vi gian dối trong việc phát hành, mua bán trái phiếu, huy động tiền trái quy định của nhiều nhà đầu tư. Hay như cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC bị bắt với cáo buộc có hành vi tạo cung cầu giả, “thổi giá”, bán chui cổ phiếu khiến nhiều nhà đầu tư thiệt hại nặng.

Rồi đến cựu Chủ tịch Vạn Thịnh Phát và các bị can có hành vi gian dối trong việc phát hành, mua bán trái phiếu trái quy định pháp luật để chiếm đoạt hàng nghìn tỉ đồng của nhà đầu tư…Những vụ án này đã khiến dư luận dậy sóng, bức xúc trước những động thái kinh doanh thiếu đàng hoàng, làm mất đi tính lành mạnh, công bằng của nền kinh tế thị trường.

xuan moi nghi ve van hoa doanh nghiep, dao duc kinh doanh hinh anh 1

Tinh thần của mỗi DN cần phải được xác định từ tôn chỉ mục đích, phương châm hoạt động từ người lãnh đạo. (Ảnh minh họa)

Nhận xét về hành vi của những doanh nhân sai phạm, nhiều người cho rằng, thật đáng tiếc khi các doanh nhân đã bất chấp các quy định pháp lý và giá trị đạo đức nhằm gia tăng lợi ích bằng mọi giá. Nếu như, những doanh nhân này giữ được phẩm chất đạo đức, có tầm nhìn xa, nhạy bén và có trách nhiệm hơn với xã hội, chắc chắn họ cùng DN sẽ còn tiến xa.

Chia sẻ suy nghĩ về điều này, Tổng Giám đốc Công ty CP MISA Đinh Thị Thúy cho rằng, văn hóa của mỗi DN phải được định vị và xuất phát từ người đứng đầu. Người chủ DN khi đã ở vị thế của một doanh nhân trong kinh doanh nhất định phải phải tôn trọng những giá trị đạo đức đặc biệt. Yếu tố con người trong mỗi DN là vô cùng quan trọng và chịu ảnh hưởng rất lớn từ chính người lãnh đạo với 6 chữ Vàng: Trí - Dũng - Nhân - Công - Tâm - Chính. “Đó là bộ quy tắc ứng xử bên trong và bên ngoài. Từ định hướng đó đặt ra những hướng đi, những hành động của mỗi tổ chức, mỗi con người trong tổ chức đó”, bà Thúy tâm niệm.

Cũng theo bà Thúy, tinh thần của mỗi DN cần phải được xác định từ tôn chỉ mục đích, phương châm hoạt động từ người lãnh đạo là phục vụ xã hội, trao những giá trị đó, giúp cho DN có những sản phẩm thực sự hữu ích để giúp cộng đồng DN cùng phát triển. Cùng với đó, doanh nhân, DN cần tích lũy từ kinh nghiệm của những người đi trước và muốn xây dựng được văn hóa DN, phải xây dựng được quy trình trong tổ chức của mình với sự hỗ trợ của công nghệ để rút ngắn được quá trình xây dựng và phát triển văn hóa DN.

Khi bàn về đạo đức kinh doanh và văn hóa DN, ông Nguyễn Quang Huân, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Halcom Việt Nam, Đại biểu Quốc hội khóa XV đoàn Bình Dương khẳng định ngay rằng, văn hoá DN không phải là đạo đức. Văn hoá của một DN được hình thành bởi các giá trị cốt lõi từ người lãnh đạo các DN cùng với chiến lược, định hướng, thói quen và đạo đức được chi phối bởi những người xung quanh. Còn đạo đức có phạm trù khác, có thể đạo đức sẽ một phần chi phối trong văn hoá. DN hướng đến cộng đồng, làm việc thiện, việc tốt mới là đạo đức.

“Có những việc buộc doanh nhân phải đứng trước sự lựa chọn hoặc là được lợi nhiều nhưng cộng đồng được ít thì có thể sẽ làm hoặc không làm. Nhưng người kinh doanh có đạo đức sẽ biết cân bằng lợi ích giữa DN với cộng đồng và những người có trách nhiệm xã hội đồng nghĩa với kinh doanh có đạo đức. Đây là xu thế sẽ phải làm, vì kinh doanh không có trách nhiệm, không có đạo đức sẽ bị cộng đồng xa lánh, đối tác, bạn hàng ít hợp tác”, ông Huân chia sẻ.

xuan moi nghi ve van hoa doanh nghiep, dao duc kinh doanh hinh anh 2

Nếu doanh nhân nào có tầm nhìn xa sẽ tính đến sự gắn kết của bản thân với lợi ích của cộng đồng, coi đây là con đường dài giúp DN phát triển bền vững. (Ảnh minh họa)

Ông Huân cũng cho rằng, trong xây dựng văn hoá DN, bản thân mỗi DN muốn phát triển bền vững và đạt được khát vọng phải đạt được tầm nhìn xuyên suốt và kiên định đi theo tầm nhìn đó. Doanh nhân phải xác định sứ mệnh của mình, trách nhiệm của doanh nhân đối với những người không thuộc DN của mình, bản thân mình, gia đình vợ con mình, cán bộ nhân viên của mình. Khi doanh nhân có được sứ mệnh đó thì sẽ có được ý tưởng và trách nhiệm xã hội rất rõ ràng. Khát vọng, tầm nhìn và trách nhiệm nếu gắn kết được với nhau mới xác định được giá trị văn hoá của doanh nhân, con người có tính cách như thế nào thì DN có nét văn hoá như vậy.

“Đạo đức phải được lồng ghép vào trách nhiệm xã hội của mỗi doanh nhân. Bản thân khi kinh doanh, các doanh nhân phải tính đến sinh lời cho DN và xã hội, làm ra được nhiều của cải vật chất cho cuộc sống. Nhưng nếu doanh nhân chỉ luôn suy nghĩ về đạo đức trong kinh doanh sẽ làm mất đi tính cạnh tranh và tính “chiến đấu” của mỗi DN”, ông Huân thừa nhận.

Doanh nhân nào cũng mong muốn phát triển, nhưng đi kèm là bền vững, sự phát triển của doanh nhân, DN phải gắn với sự phát triển của đất nước. Là người đứng đầu DN, bản thân mỗi doanh nhân đã có khát vọng được làm giàu và kinh doanh thì phải có lợi nhuận. Nếu doanh nhân nào có tầm nhìn xa sẽ tính đến sự gắn kết của bản thân với lợi ích của cộng đồng, coi đây là con đường dài giúp DN phát triển bền vững.

“Muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì phải đi cùng nhau”. Đi xa đông người có thể chậm nhưng chắc và với đội ngũ doanh nhân cũng vậy, cùng với khát vọng chung là làm giàu, trong số đó sẽ có những doanh nhân có đạo đức, có tầm nhìn xa, nhạy bén và có trách nhiệm với xã hội họ sẽ đến đích với kết quả hoàn mỹ và trọn vẹn hơn./.

Theo Nguyễn Quỳnh/VOV.VN

https://vov.vn/kinh-te/xuan-moi-nghi-ve-van-hoa-doanh-nghiep-dao-duc-kinh-doanh-post997399.vov