Cập nhật: 08/02/2023 11:30:00
Xem cỡ chữ

Theo VCCI, khi giá bán lẻ điều hành thấp hơn chi phí, khoản âm này chủ yếu đổ vào doanh nghiệp bán lẻ. Do đó, mấu chốt là xử lý cơ chế giá bán lẻ, trong đó quy định mức chiết khấu tối thiểu.

Chuyen gia de xuat Bo Cong Thuong chu dong quan ly kinh doanh xang dau hinh anh 1

Một điểm bán xăng của Petrolimex. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Trong những ngày sau Tết Nguyên đán Quý Mão, hiện tượng một số cửa hàng xăng dầu nghỉ bán, hoặc bán cầm chừng với lý do thiếu nguồn cung hoặc đầu mối, thương nhân phân phối “chiết khấu kinh doanh 0 đồng” lại tiếp diễn.

Trong bối cảnh đó, việc sửa đổi Nghị định 83/CP ngày 3/9/2014 và Nghị định 95/CP ngày 1/11/2021 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu tiếp tục nhận được nhiều ý kiến từ giới chuyên gia và cộng đồng doanh nghiệp, nhằm xây dựng một hàng lang pháp lý giúp cho công tác quản lý và điều hành mặt hàng này một cách minh bạch, bám sát diễn biến thị trường.

Bất cập về chiết khấu và nguồn nhập hàng

Tại dự thảo lần 2 tờ trình Thủ tướng về sửa đổi Nghị định 95 và Nghị định 83 kinh doanh xăng dầu, Bộ Công Thương cho rằng việc quản lý Nhà nước với mặt hàng này vẫn cần sự tham gia, phối hợp của các bộ theo từng lĩnh vực.

Theo đó, Bộ Công Thương muốn giữ nguyên như cách điều hành hiện nay, tức sẽ có nhiều bộ ngành tham gia, trong đó Bộ Công Thương chủ trì cùng sự tham gia của Bộ Tài chính, các bộ khác theo chức năng quản lý Nhà nước với mặt hàng này. Nhưng sẽ làm rõ hơn thẩm quyền, trách nhiệm của các bộ, ngành và bổ sung quy định "thời gian điều chỉnh chi phí định mức rút xuống còn một quý một lần. Nếu trong quý biến động tăng, giảm từ 5% trở lên thì cho phép điều chỉnh ngay."

Ngoài ra, điểm mới tại dự thảo lần này là Bộ Công Thương đề xuất tăng vị thế cho doanh nghiệp bán lẻ, khi cho họ được lấy hàng từ nhiều nguồn. Việc này nhằm đa dạng nguồn cung xăng dầu cho đại lý, tăng vị thế của doanh nghiệp bán lẻ trong đàm phán mua hàng.

Thực tế, đây cũng là điểm được nhiều doanh nghiệp bán lẻ kiến nghị sửa đổi, bởi quy định hiện nay doanh nghiệp bán lẻ chỉ được lấy từ một nhà cung cấp khiến nhiều đơn vị gặp bất lợi, chèn ép nếu muốn có hàng để bán, nhất là khi thị trường có biến động, nguồn cung ứng gặp trục trặc.

Tuy vậy, Bộ Công Thương cũng lo ngại quy định trên có thể gây khó kiểm soát nguồn gốc, chất lượng, giá bán xăng dầu cho người tiêu dùng. Ngoài ra, khi nguồn cung gặp khó sẽ không có đơn vị nào đứng ra chịu trách nhiệm về nguồn cấp cho doanh nghiệp bán lẻ.

Trong văn bản gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ Công Thương về sửa đổi Nghị định 95/CP và Nghị định 83/CP kinh doanh xăng dầu, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng lan rộng, chủ yếu xuất phát từ phương thức quản lý giá của Nhà nước. Vừa qua doanh nghiệp bán lẻ phản ánh tình trạng chiết khấu - mức hoa hồng đầu mối, thương nhân phân phối cắt lại cho đơn vị bán lẻ-bằng 0 hoặc âm khiến họ không muốn bán hàng.

Quy định mức chiết khấu tối thiểu trong giá bán lẻ cũng là kiến nghị của hàng trăm doanh nghiệp bán lẻ, tỉnh Kiên Giang đưa ra gần đây. Tuy nhiên, tại dự thảo tờ trình lần 2, trong số các phương án đưa ra, Bộ Công Thương chọn phương án không quy định, để tự các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng thoả thuận.

Với quy định như hiện nay, theo VCCI, khi giá bán lẻ điều hành thấp hơn chi phí, khoản âm này chủ yếu đổ vào doanh nghiệp bán lẻ. Do đó, mấu chốt là xử lý cơ chế giá bán lẻ, trong đó quy định mức chiết khấu tối thiểu.

"Nếu vẫn không có, Nhà nước đang can thiệp vào thị trường một cách nửa vời," tức là, một mặt Nhà nước tôn trọng quan hệ dân sự bằng cách không quy định chiết khấu tối thiểu hay giá bán buôn tối đa và không xử phạt bên bán buôn khi dừng bán hàng. Mặt khác, Nhà nước lại can thiệp vào quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp bán lẻ bằng cách quy định giá bán lẻ tối đa và xử phạt khi cửa hàng bán lẻ ngừng bán.

Ngoài ra, liên quan tới Quỹ bình ổn giá xăng dầu (BOG), VCCI kiến nghị bỏ vì cho rằng điều hành vừa qua chưa đạt mục tiêu giúp giảm biên độ biến động giá trong nước.

Trong khi đó, theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, công tác dự báo và điều hành của liên bộ Công Thương-Tài chính thời gian qua còn chưa sát với thực tiễn, lấy cái “bình thường” để điều hành sự “bất thường” là cứng nhắc. Vì vậy, ông cho rằng, quan trọng không phải chỉ là sửa Nghị định như thế nào, mà vấn đề vẫn là ở sự phối hợp trong công tác quản lý trong chức năng, nhiệm vụ của các bộ, ngành có liên quan.

Dẫn chứng từ đề xuất rút ngắn thời gian điều hành giá trong Dự thảo Nghị định sửa đổi các Nghị định 95/CP và Nghị định 83/CP của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu, chuyên gia này phân tích, từ 30 ngày của Nghị định 84/CP rút xuống 15 ngày của Nghị định 83 và Nghị định sửa đổi Nghị định 83/CP rút xuống còn 10 ngày, nhưng qua quá trình điều hành cho thấy dù 10 ngày cũng vẫn gây ra sự bất cập trong điều hành giá xăng dầu.

"Có những lúc ngược với giá thế giới, khi giá thế giới tăng thì chúng ta lại giảm. Cho nên là theo quan điểm của cơ quan điều hành cũng như Ban soạn thảo thì nên rút xuống, càng rút ngắn được bao nhiêu thì càng tốt. Theo tôi nghĩ, ngoài tần suất cũng như thời gian điều chỉnh thì một vấn đề hết sức quan trọng đối với điều hành giá xăng dầu chính là làm sao phải điều hành sát với giá thị trường…," ông Ngô Trí Long nói.

Nên giao thống nhất một bộ điều hành xăng dầu

Nhằm nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước, ông Ngô Trí Long cho rằng, nên giao Bộ Công Thương là đầu mối thống nhất và chủ động điều hành lĩnh vực kinh doanh xăng dầu. Bởi hiện nay, Bộ Công Thương đã chịu trách nhiệm rất nhiều trong việc điều hành lĩnh vực xăng dầu, như: lập Quy hoạch phát triển hệ thống kinh doanh xăng dầu, Quy hoạch hệ thống kho cảng, Kho xăng dầu dự trữ; Cấp phép cho thương nhân kinh doanh xuất nhập khẩu; Quy hoạch hạn mức nhập khẩu; Quản lý đăng ký sản xuất xăng dầu trong nước...

Hơn nữa, Bộ Công Thương cũng chính là cơ quan quản lý sản xuất, kinh doanh và điều tiết cung-cầu và là đơn vị hiểu về sản xuất, kinh doanh về cung-cầu, hiểu về giá thị trường thế giới và thị trường trong nước hơn các bộ khác, như vậy, Bộ Công Thương quản lý là phù hợp.

"Không nên làm theo cách như hiện nay, đó là cắt khúc - Bộ Công Thương thì chịu trách nhiệm điều hành giá nhưng Bộ Tài chính thì chỉ tính mỗi chi phí định mức là một bộ phận trong cơ cấu giá, nhưng khi điều hành giá thì Bộ Công Thương lại phải chờ Bộ Tài chính thông báo cho Bộ Công Thương rồi mới lắp vào cái giá cơ sở để công bố, điều hành, đó là bất cập không cần thiết, cho nên giao tất cả việc điều hành giá cho Bộ Công Thương là phù hợp...," ông Ngô Trí Long nhấn mạnh.

- Biến động giá xăng dầu thời gian gần đây:

Chuyen gia de xuat Bo Cong Thuong chu dong quan ly kinh doanh xang dau hinh anh 2

Ở nội dung này, Phó Giáo sư, tiến sỹ Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính cũng đồng thuận với đề xuất của Bộ Tài chính trong việc giao việc điều hành giá xăng dầu về cho Bộ Công Thương để thống nhất một đầu mối quản lý.

Theo ông, với việc sửa đổi Luật giá trong thời gian tới đây thì giá của những mặt hàng mang tính đặc thù mà Nhà nước hiện đang quản lý như: giá xăng dầu, giá vật tư y tế, giá của các dịch vụ về giáo dục đào tạo… sẽ do các cơ quan chủ quản xây dựng và quyết định. Như vậy, nếu theo Luật giá được sửa đổi thì trước sau việc điều hành giá xăng dầu cũng thuộc về Bộ Công Thương.

Bên cạnh đó là bộ quản lý chuyên ngành về kinh doanh xăng dầu, cho nên Bộ Công Thương phải là cơ quan giúp cho các doanh nghiệp đầu mối, doanh nghiệp trung gian và các doanh nghiệp bán lẻ xây dựng nên hệ thống tổ chức sản xuất-kinh doanh sao cho đơn giản nhất, phù hợp nhất và đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ chính trị đề ra.

"Việc giao quản lý toàn bộ cho Bộ Công Thương để từ đó xác định định mức giá cả trong từng khâu trung gian hoặc bán lẻ sẽ phải thuộc về Bộ Công Thương, lúc đó việc điều phối của Bộ Công Thương với các doanh nghiệp nó mới phù hợp và mới đi sát vào thị trường và thực tiễn...," giáo sư Đinh Trọng Thịnh nêu ý kiến.

Liên quan đến việc sửa đổi Nghị định 95/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu, theo các chuyên gia có 3 điểm quan trọng cần phải được thực hiện, trong đó phải bảo đảm nguyên tắc xuyên suốt là phải tạo môi trường kinh doanh để doanh nghiệp hoạt động cạnh tranh theo nguyên tắc thị trường. Tiếp đến, là sắp xếp hợp lý lại hệ thống lưu thông-cung ứng xăng dầu.

Ngoài ra, vấn đề cốt lõi nhất là rà soát, sửa đổi lại toàn bộ cơ chế điều hành giá xăng, dầu và cơ chế bình ổn giá xăng dầu hiện hành, trong đó có quy định về thời gian giữa hai lần điều chỉnh. Cần tính đến phương án điều hành tiệm cận nhất với biến động giá thế giới và không có chuyện “nghỉ lễ, Tết” trong điều hành giá xăng dầu.

Muốn làm tốt được điều này, cần phải dự báo sát được tình hình cung-cầu và xây dựng các kịch bản để bảo đảm nguồn cung trong các tình huống khác nhau. Tiếp đến là xây dựng các kịch bản điều hành giá và giải pháp bình ổn giá theo các biến động của giá thế giới và cuối cùng là toàn bộ hệ thống kinh doanh xăng dầu từ thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối đến các đại lý, cửa hàng bán lẻ phải có sự phối hợp chặt chẽ, ràng buộc với nhau thông qua các hợp đồng kinh tế./.

Theo Nghị định 95/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 83/2014 về kinh doanh xăng, dầu có hiệu lực từ ngày 2/1/2022, giá xăng dầu được điều chỉnh mỗi tháng 3 lần vào các ngày: 1, 11 và ngày 21 hằng tháng (tức là 10 ngày một lần, thay vì 15 ngày một lần).

Nếu trùng vào ngày nghỉ, ngày lễ thì được lùi sang ngày làm việc tiếp theo sau ngày nghỉ; nếu trùng vào dịp nghỉ Tết Nguyên đán thì được lùi sang kỳ điều chỉnh tiếp theo.

Theo Đức Duy (Vietnam+)

https://www.vietnamplus.vn/chuyen-gia-de-xuat-bo-cong-thuong-chu-dong-quan-ly-kinh-doanh-xang-dau/844766.vnp