Các chuyên gia đều cho rằng, những thách thức bên ngoài đã gây ra sự chuyển đổi nhanh hơn của nền kinh tế Nga.
Thay đổi đối với nền kinh tế
Đầu tư ở Nga đang tăng lên do sự đứt gãy và ngăn chặn chuỗi cung ứng từ các quốc gia khác. Các doanh nghiệp Nga đang bắt đầu xây dựng các ngành sản xuất thay thế để không phụ thuộc vào nguồn cung bên ngoài. Đầu tư tư nhân đã tăng lên do nhu cầu thay thế nhập khẩu trong nhiều lĩnh vực. Chính phủ Nga hiện cũng đang tích cực đầu tư tiền (bao gồm cả từ Quỹ tài sản quốc gia) vào các ngành công nghiệp then chốt có ý nghĩa quan trọng để đảm bảo chủ quyền công nghệ và sự độc lập của cơ sở hạ tầng quan trọng của đất nước.
Người đi bộ băng qua đại lộ Nevsky, trung tâm thành phố Saint Petersburg, Nga. Ảnh: Reuters
Lý do thứ hai cho sự tăng trưởng đầu tư của Nga là sự ra đi của nhiều công ty nước ngoài. Và doanh nghiệp Nga quan tâm đến việc mua lại các tài sản bị bỏ lại. Đồng thời, nhiều doanh nghiệp nước ngoài rời khỏi Nga đã thúc đẩy sự thay thế họ bằng các công nghệ tương tự, dẫn đến việc gia tăng mua thiết bị mới. Cũng theo các chuyên gia, một phần quan trọng của nền kinh tế Nga, đó là lĩnh vực dầu khí, đã và đang chuyển hướng xuất khẩu từ Tây sang Đông, phân bổ tiền thu được nhằm xây dựng cơ sở hạ tầng cần thiết và phát triển quan hệ với các đối tác thương mại mới.
Chuyên gia về Nga và Cộng đồng các quốc gia độc lập Vasily Astrov cho rằng, nền kinh tế Nga đã chuẩn bị khá tốt cho các biện pháp trừng phạt tài chính. Nga đã theo đuổi một chính sách kinh tế vĩ mô rất thận trọng trong những năm gần đây, xây dựng dự trữ và giảm nợ nước ngoài. Sự phụ thuộc của nhà nước và hệ thống tài chính vào tư bản phương Tây ngày càng giảm.
Ngoài ra, trong những năm gần đây, Nga đang nghiên cứu tạo ra một giải pháp thay thế cho SWIFT - Hệ thống chuyển tin nhắn tài chính SPFS. Khi các ngân hàng hàng đầu của Nga bị ngắt khỏi SWIFT, ít nhất Nga có thể sử dụng một phần hệ thống thanh toán của riêng mình. Ngoài ra, sau khi phương Tây áp đặt các biện pháp trừng phạt thương mại và dòng nhập khẩu sụt giảm rất mạnh, chính phủ Nga đã cho phép nhập khẩu "song song". Điều này đã đáp ứng một phần nhu cầu hàng hóa nhập khẩu.
Nga ứng phó các lệnh trừng phạt
Theo các chuyên gia, trong năm 2022, ngành dầu khí của Nga đã tìm kiếm các chuỗi cung ứng mới, chuyển hướng cung cấp sang các thị trường châu Á và giảm chi phí cho các nguồn năng lượng. Bộ Phát triển Kinh tế Nga đã công bố số liệu thống kê cho thấy, trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 11/2022, tỷ trọng của các nước không thân thiện trong xuất khẩu của nước này đã giảm từ 58 xuống 53% so với cùng kỳ năm 2021, trong khi tỷ trọng của các nước thân thiện, ngược lại, tăng từ 42 lên 65%. Theo cơ quan này, tổng cộng, xuất khẩu của Nga đã tăng hơn 23% về mặt tiền tệ, đạt 538 tỷ USD.
Phó Tổng giám đốc Viện Năng lượng Quốc gia Nga Alexander Frolov xác nhận rằng, ngành công nghiệp dầu khí nước này đã đứng vững trước các lệnh trừng phạt và tiếp tục phát triển. Điều này bao gồm việc hiện đại hóa các nhà máy lọc dầu và định hướng lại các nguồn cung cấp từ Tây sang Đông.
Trong năm 2022, việc nhập khẩu khí đốt và dầu của Nga đã tăng lên đáng kể bởi các nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Ấn Độ. Chuyên gia Frolov gọi các quốc gia này là những nền kinh tế đang phát triển làm tăng sản xuất công nghiệp và đồng thời tăng tiêu thụ năng lượng, điều đó có nghĩa là trong năm 2023 họ sẽ lại mua các nguồn năng lượng của Nga. Ông tin rằng, Nga và Trung Quốc sẽ có thể ký hợp đồng cung cấp thông qua đường ống dẫn khí Sức mạnh Siberia-2, nhiên liệu của Nga sẽ đến Trung Quốc thông qua Mông Cổ và có thể bù đắp cho khối lượng cung cấp cho châu Âu giảm.
Đồng thời, trong năm 2023, nhà máy xử lý khí Amur sẽ được mở rộng công suất, đây là nhà máy lớn nhất ở Nga. Khí đốt ở đó được cung cấp thông qua đường ống Sức mạnh Siberia từ hai mỏ ở Yakutia và vùng Irkutsk. Các loại khí hiếm như etan, heli, propan được khai thác từ nguyên liệu thô tự nhiên, sau đó được gửi đi, kể cả để xuất khẩu sang Trung Quốc. Tuy nhiên, ông Frolov lưu ý rằng, không thể tránh khỏi việc giảm doanh thu từ việc bán dầu và khí đốt trong năm 2023.
Nhà phân tích chính của TeleTrade Mark Goykhman cũng lưu ý rằng, việc định hướng lại một phần dòng xuất khẩu của Nga từ Tây sang Đông đi kèm với những tổn thất không thể tránh khỏi về khối lượng và thu nhập. Ông nhấn mạnh, người tiêu dùng châu Á chỉ chấp nhận dầu Urals của Nga với giá rất thấp, với mức chiết khấu khoảng 1/3 so với dầu Brent chuẩn. Do đó, ngay cả khi duy trì khối lượng bán hàng thực tế ở nước ngoài, các nhà xuất khẩu và ngân sách Nga vẫn bị mất thu nhập tiền mặt.
Định hướng phát triển kinh tế của Nga
Có lẽ là câu trả lời rõ nhất sẽ có trong thông điệp liên bang mà Tổng thống Nga V.Putin sẽ đọc trước Quốc hội vào ngày 21/2 tới đây. Còn tại một cuộc họp vào cuối năm 2022, nhà lãnh đạo Nga đã nêu ra một số nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2023, trước hết là đưa sự tương tác với các đối tác quan trọng lên một tầm cao mới, loại bỏ các hạn chế về hậu cần và tài chính, tăng cường tương tác thương mại và đầu tư nước ngoài.
Đẩy mạnh thực hiện các dự án khí đốt ở phía Đông đất nước để tăng xuất khẩu sang các nước Châu Á. Mặt khác, cần củng cố chủ quyền công nghệ và tiến tới dẫn đầu về các hướng chính trong lĩnh vực này, tốc độ tăng trưởng của ngành công nghiệp chế biến phải vượt trội. Nhà lãnh đạo Nga cũng yêu cầu đảm bảo chủ quyền tài chính, đó là hệ thống tài chính trong nước phải đáp ứng các nhu cầu mà trước đây các nguồn tài chính của phương Tây đảm nhận. Bên cạnh đó là ưu tiên phát triển cơ sở hạ tầng, xây dựng đường cao tốc khu vực, xây dựng nhà ở và cải thiện điều kiện sống của người dân, giảm nghèo và bất bình đẳng.
Còn trong tất cả các kịch bản cho sự phát triển của nền kinh tế Nga, các chuyên gia đều dự tính đến áp lực trừng phạt trong 10-15 năm tới. Do đó, chuyển đổi cơ cấu kinh tế Nga là quá trình không thể tránh khỏi và cần tiếp tục, tăng đầu tư tư nhân, do nhà nước không thể có đủ nguồn lực đầu tư. Tăng cường sản xuất trong nước- thay thế nhập khẩu, tập trung nhiều hơn vào nhu cầu của thị trường trong nước, với hơn 146 triệu dân. Định hướng lại dòng chảy xuất khẩu, thiết lập lại chuỗi cung ứng.
Theo chuyên gia về Nga và Cộng đồng các quốc gia độc lập Vasily Astrov, kịch bản có khả năng xảy ra nhất là doanh thu từ xuất khẩu năng lượng bị thu hẹp trong những năm tới. Đồng thời, thay thế nhập khẩu sẽ xảy ra ở một mức độ nào đó. Có thể hàng hóa sản xuất ở Nga sẽ không tương đương với hàng hóa phương Tây cung cấp cho nước này trước đây, nhưng một số loại hình sản xuất sẽ được thiết lập và điều này ở một mức độ nhất định sẽ làm giảm vai trò của ngành năng lượng trong nền kinh tế.
Theo Anh Tú/VOV-Moscow
https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/tac-dong-cua-cuoc-xung-dot-tai-ukraine-doi-voi-nen-kinh-te-nga-sau-gan-1-nam-post1001225.vov