Cập nhật: 15/02/2023 07:32:00
Xem cỡ chữ

Dù tình hình nền kinh tế năm nay được dự báo sẽ còn tiếp tục khó khăn do tác động của nhiều yếu tố, nhu cầu đi du lịch, vui chơi giải trí của du khách trong nước và quốc tế có thể suy giảm.

Du khách trải nghiệm tour “Ký ức Biệt động Sài Gòn”

Tuy nhiên, với sự hồi phục nhanh và mạnh mẽ trong thời gian qua, các địa phương vẫn kỳ vọng và chủ động có giải pháp đưa ngành du lịch bứt phá ngoạn mục.

Đột phá từ chương trình “Mỗi quận, huyện một sản phẩm du lịch đặc trưng”

Là thị trường du lịch trọng điểm của cả nước, TP.HCM đã nỗ lực thực hiện vai trò trung tâm du lịch lớn nhất nước bằng việc đổi mới sản phẩm trên cơ sở khai thác và phát huy các giá trị về văn hóa - lịch sử - kiến trúc gắn liền với sự phát triển của Sài Gòn - Gia Định và nhịp sống hiện đại của TP.HCM ngày nay. Trong đó, sự thành công của chương trình “Mỗi quận, huyện một sản phẩm du lịch đặc trưng” tạo nên chuỗi sản phẩm mới phù hợp với nhu cầu của từng du khách đã phát huy được thế mạnh, bản sắc của du lịch thành phố.

Một trong những đơn vị lữ hành tham gia xây dựng sản phẩm theo chương trình nói trên, ông Nguyễn Ngọc An, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Lữ hành Vietluxtour cho biết, sau khoảng 5 tháng giới thiệu ra thị trường hai sản phẩm du lịch đặc trưng của quận 1 là tour “Ký ức Biệt động Sài Gòn” và “Quận 1 - Sống động Sài Gòn”, đến nay đã thu hút lượng khách tham quan đáng kể, có những đoàn lên đến 80 khách. Đặc biệt, thông qua việc thu hút lượng khách tại chỗ bằng những chương trình tour trọn gói về nguồn của các đơn vị đóng chân trên địa bàn, sản phẩm mới đã tạo sức lan tỏa rộng rải đến đông đảo du khách. Qua đây cho thấy rõ, việc làm mới sản phẩm phù hợp với nhu cầu của từng đối tượng du khách sẽ tạo nên sức hấp dẫn nhất định. Nhất là các sản phẩm tiêu biểu, mang đặc trưng rõ nét.

Theo Sở Du lịch TP.HCM, sau một năm triển khai, chương trình đã tạo nên bức tranh du lịch Thành phố sống động với hơn 60 sản phẩm du lịch, có thời gian trải nghiệm linh hoạt từ nửa ngày, 1 ngày cho đến 2 ngày. Qua đây, khởi xướng và hình thành một trào lưu về trải nghiệm, khám phá du lịch Thành phố với bao điều mới lạ. Điển hình là những tour tham quan: Theo dấu chân biệt động Sài Gòn, hành Trình theo dấu chân Bác, Sài Gòn - Di sản trăm năm, lãng mạn trên dòng kênh huyền thoại, quận 1 - Sống động Sài Gòn, về với ấp đảo Thiềng Liềng... Sở Du lịch TP.HCM cho biết năm 2022, thành phố đón hơn 35 triệu lượt khách quốc tế và nội địa, sự phục hồi ngoạn mục này có sự đóng góp rõ nét của chương trình “Mỗi quận, huyện một sản phẩm du lịch đặc trưng”.

Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM Nguyễn Thị Ánh Hoa chia sẻ, thành phố sẽ tiếp tục nâng chất và đa dạng hóa sản phẩm, trong đó chú trọng đến sản phẩm du lịch đặc trưng; tập trung quảng bá về sản phẩm du lịch đặc trưng - điểm đến du khách không thể bỏ qua; thúc đẩy kích cầu và khai thác ứng dụng số... nhằm hướng đến mục tiêu đón 5 triệu lượt khách quốc tế, 35 triệu lượt khách nội địa với tổng thu du lịch khoảng 160.000 tỉ đồng trong năm nay.

Du khách tham quan Khu di tích Gò Tháp

Đẩy mạnh liên kết

Để tăng cường thu hút lượng du khách trong nước và quốc tế đến trải nghiệm vùng đất và người “Sen Hồng”, ngành du lịch tỉnh Đồng Tháp vừa tổ chức gặp với các doanh nghiệp du lịch, lữ hành tại TP.HCM nhằm đẩy mạnh liên kết, thúc đẩy phát triển mạnh mẽ hơn nữa du lịch của địa phương. Đây cũng là một trong năm giải pháp của địa phương để phấn đấu thu về 1.800 tỉ đồng từ các hoạt động du lịch trong năm nay.

Bà Huỳnh Thị Hoài Thu, Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Đồng Tháp cho biết, không chỉ chủ động liên kết với TP.HCM, tỉnh nhà còn có chương trình liên kết với Đồng bằng sông Cửu Long, các tỉnh miền Đông Nam Bộ. Trên cơ sở này, Sở sẽ tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp và người dân làm du lịch tại địa phương kết nối với các doanh nghiệp lữ hành trong và ngoài tỉnh, nhằm vừa tạo điểm nhấn riêng cho điểm đến, vừa góp phần giải quyết công ăn việc làm cho người dân bản xứ. Đồng thời, đầu tư phát triển hạ tầng du lịch, sản phẩm du lịch nông nghiệp đặc thù gắn với sản phẩm OCOP; tăng cường tạo nguồn nhân lực, đăc biệt là kỹ năng nghề du lịch; đẩy mạnh chuyển đổi số trong du lịch… “Hiện tỉnh đã ra Nghị quyết 06 về Phát huy văn hóa con người Đồng Tháp nghĩa tình - năng động - sáng tạo, góp phần hỗ trợ cho phát triển du lịch tỉnh nhà”, bà Thu chia sẻ thêm.

Theo ông Trần Chí Cường, Giám đốc Ban quản lý Khu di tích Gò Tháp, ngoài việc phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng về di sản văn hóa, đơn vị còn chủ động kết hợp cùng các doanh nghiệp du lịch, cơ sở đào tạo trong và ngoài tỉnh để đưa du khách đến trải nghiệm du lịch sinh thái, nông nghiệp, dã ngoại tại di tích quốc gia đặc biệt này. 

Theo HOÀNG HẢI/baovanhoa.com.vn

http://baovanhoa.com.vn/du-lich/artmid/416/articleid/61118/lam-moi-de-but-pha