Xuất khẩu thuỷ sản nhất là ngành hàng tôm và cá tra ở khu vực ĐBSCL đang khó khăn hơn so với cùng kỳ năm trước và dự báo đến quý II/2023 tình hình xuất khẩu sẽ có những khởi sắc.
Năm qua, xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam lần đầu tiên cán mốc 11 tỷ USD, xuất khẩu tăng đã đưa kim ngạch xuất khẩu đánh dấu cột mốc mới. Vùng ĐBSCL đã đóng góp rất lớn vào kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản chung của cả nước. Tuy nhiên, hiện nay xuất khẩu thuỷ sản nhất là ngành hàng tôm và cá tra ở khu vực này khó khăn hơn so với cùng kỳ năm trước và dự báo đến quý II/2023 tình hình xuất khẩu sẽ có những khởi sắc.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), tháng 1 vừa qua, xuất khẩu cá tra tiếp tục giảm sâu so với cùng kỳ và nhiều thị trường chính đều giảm mạnh. Trong đó, giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường Mỹ trong tháng 1/2023 giảm gần 40% so với tháng 12/2022.
Dự báo xuất khẩu tôm sẽ khởi sắc trong tháng 3
Cà Mau là địa phương đứng hàng đầu cả nước về xuất khẩu tôm. 3 năm gần đây xuất khẩu tôm của Cà Mau luôn đạt hơn 1 tỷ USD. Riêng năm 2022, đạt gần 1,1 tỷ USD. Dịp đầu năm luôn là khoảng thời gian xuất hàng trầm lắng nhất trong năm của các DN xuất khẩu tôm ở Cà Mau. Nguyên nhân đến từ việc, các đối tác nước ngoài thường chủ động nhập hàng vào khoảng tháng 9 - 11 hàng năm để chuẩn bị cho dịp Lễ, Tết cuối năm cũng như những tháng đầu năm.
Tình tình chế biến tôm của các DN ở Cà Mau hạn chế do ít đơn hàng hơn các năm trước.
Thực tế cho thấy, tình hình xuất khẩu tôm đầu năm nay của Cà Mau có phần ảm đạm hơn giai đoạn đầu năm của các năm trước. Kim ngạch xuất khẩu tôm tháng 1 của địa phương chỉ đạt hơn 56 triệu USD, giảm hơn 18% so với cùng kỳ. Thời gian gần đây, nhu cầu hàng hóa thị trường thế giới nói chung vẫn chậm do suy thoái kinh tế. Những thị trường xuất khẩu tôm lớn của Cà Mau như Mỹ, EU lạm phát ở mức khá cao nên các mặt hàng thủy sản xuất khẩu cũng bị tác động. Đặc biệt, đối với sản phẩm tiêu dùng có giá trị cao như tôm của Cà Mau có phần bị ảnh hưởng nhiều hơn.
Ông Dương Vũ Nam, Phó Giám đốc Sở Công Thương Cà Mau cho biết, ngoài nguyên nhân kim ngạch xuất khẩu tôm của tỉnh giảm khá mạnh do ảnh hưởng của cuộc xung đột giữa Nga - Ukraine, giá năng lượng leo thang, lạm phát cao, chi phí đầu vào cho sản xuất, chế biến tăng cao, cũng như việc các ngân hàng trung ương trên toàn cầu thắt chặt chính sách tiền tệ đang khiến nhiều nền kinh tế lớn suy giảm; người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu dẫn đến sức tiêu thụ hàng hóa giảm điều này ảnh hưởng đến tăng trưởng xuất khẩu, thì các sản phẩm xuất khẩu của tỉnh đang phải cạnh tranh gay gắt với sản phẩm xuất khẩu cùng loại của các nước trên thị trường lớn EU, Mỹ, Nhật Bản, Đông Á.
Ông Nam nhận định, hoạt động xuất khẩu tôm của Cà Mau sẽ còn gặp khó khăn cho đến hết tháng 2 và bắt đầu khởi sắc từ tháng 3. Đến quý II/2023, tình hình xuất khẩu sẽ có những bước tiến rõ nét. “Xuất khẩu tôm khó là do tồn kho của đối tác còn nhiều, lạm phát cao của thế giới tác động, thị trường châu Âu bị ảnh hưởng nhiều nhất. Tôm nguyên liệu hiện đang dồi dào, nguồn cung nguyên liệu rất đa dạng, không chỉ trong tỉnh mà các DN còn thu mua ở các tỉnh trong vùng, một số DN còn nhập khẩu nguyên liệu để chế biến cho các thị trường dễ tính”, ông Nam cho hay.
Tôm sú là một trong những mặt hàng tôm xuất khẩu có giá trị cao của tỉnh Cà Mau.
Giá cá tra nguyên liệu đang có xu hướng tăng
Thông tin từ VASEP cũng cho thấy, dù xuất khẩu cá tra trong cả năm 2022 tăng trưởng mạnh, nhưng trong quý IV/2022, xuất khẩu lại giảm so với cùng kỳ 2021 do ảnh hưởng của lạm phát trên toàn cầu. Tuy vậy, cá tra được đánh giá là vẫn có nhiều triển vọng về thị trường trong năm nay. Trước hết, tại thị trường lớn nhất là Trung Quốc, việc chính sách Zero Covid được bãi bỏ đang tạo thuận lợi hơn cho xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản Việt Nam sang thị trường này, trong đó có cá tra, mặt hàng số 1 của thủy sản Việt Nam tại thị trường Trung Quốc.
Mặc dù trong tháng đầu năm 2023 xuất khẩu cá tra giảm, nhưng nhiều DN cá tra thực hiện đơn hàng xuất khẩu mới cho thấy tín hiệu lạc quan vào sự hồi phục đơn hàng từ các thị trường. Ông Đỗ Lập Nghiệp, Chủ tịch HĐQT, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Nam Việt cho biết, những tháng đầu năm, xuất khẩu cá tra của công ty vẫn tăng 20%.
“Từ đầu năm thị trường Trung Quốc mở cửa đã tạo điều kiện cho ngành hàng cá tra Việt Nam phát triển đồng bộ lại và cân đối. Giá cá tra nguyên liệu đầu năm là 28.000 đồng/kg, giờ đã lên đến 30.000 - 31.000 đồng/kg. DN đang tập trung triển khai vùng nguyên liệu đầy đủ để đáp ứng yêu cầu thị trường, cùng với đó là mở rộng thêm thị trường các nước trên thế giới với tiêu chí luôn đảm bảo chất lượng”, ông Nghiệp thông tin.
Các công nhân đang thực hiện các bước trong sản xuất cá tra.
Sự phát triển của ngành cá tra còn phụ thuộc nhiều vào các thị trường nhập khẩu với những đòi hỏi ngày càng khắt khe hơn đối với những yêu cầu cạnh tranh ngoài giá. Do đó, việc tăng cường đổi mới công nghệ cũng là một bước đi cần thiết để củng cố sự vững chắc của của ngành cá tra Việt Nam, tạo lập được một lợi thế bền vững trong cạnh tranh trên thị trường trong nước và thị trường thế giới.
Kiểm soát tốt diện tích, tránh thả nuôi ồ ạt
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, tiềm năng, lợi thế về thuỷ sản nhất là cá tra vùng ĐBSCL còn rất lớn nhưng vẫn chưa được khai thác một cách hiệu quả. Vì vậy, cần tạo sức cạnh tranh cho ngành hàng cá tra và áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào các khâu trong quá trình sản xuất và chế biến góp phần cải thiện quy trình nuôi, tạo được hàng hóa lớn, giá trị cao và giải quyết tốt vấn đề kiểm soát môi trường.
Trước những dự báo khó khăn, các địa phương cần phải kiểm soát tốt diện tích nuôi cá tra, không mở diện tích ồ ạt khi dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn khi thị trường thế giới diễn biến phức tạp, nhu cầu cá tra có thể chững lại. Vấn đề cốt lõi là giảm giá thành sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng chứ không phải mở rộng diện tích nuôi.
“Chưa có ngành hàng nào trong thời gian rất ngắn đã trở nên một ngành hàng mũi nhọn, chủ lực với quy mô, tỷ suất hàng hoá cao và nhanh như cá tra. Ngành hàng cá tra có trong tay rất nhiều cơ hội nhưng cũng đối diện với nhiều khó khăn, thách thức. Theo dự báo, thị trường thế giới diễn biến phức tạp do những bất ổn về chính trị, kinh tế, nhu cầu cá tra có thể chững lại và không cao như các năm trước đây, nhưng ngành này vẫn phải giải quyết rất đồng bộ từ khâu giống, chăm sóc nuôi dưỡng, thú y phòng bệnh, an toàn sinh học”, ông Phùng Đức Tiến chỉ rõ.
Cá tra nguyên liệu ở vùng ĐBSCL đang tăng giá.
Hiện nay giá cá tra nguyên liệu ở vùng ĐBSCL đang có xu hướng tăng, hiện cá tra nguyên liệu đang được thu mua từ 30.000 – 31.000 đồng/kg. Dự báo giá cá tra nguyên liệu sẽ tiếp tục tăng vào cuối tháng 2 và đầu tháng 3 sẽ ở mức khoảng 32.000 – 33.000 đồng/kg và dự báo giá cá sẽ còn tăng trong thời gian tới. Như vậy, với mức giá bán cá tra nguyên liệu này người nuôi có lãi.
Có thể nói rằng, năm 2022 đánh dấu cột mốc xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam 11 tỷ USD và ngành hàng cá tra đóng góp khoảng 2,4 tỷ USD. Tuy nhiên, trong tháng 1 vừa qua, xuất khẩu cá tra giảm do nhiều nguyên nhân nhưng với lợi thế về nguồn cung thì xuất khẩu cá tra được dự báo vẫn có nhiều cơ hội bứt phá trong năm nay.
Để đạt được các mục tiêu về xuất khẩu và nâng cao giá trị ngành hàng cá tra, các doanh nghiệp cần đổi mới công nghệ, thiết bị, hạ giá thành sản phẩm, đảm bảo chất lượng và tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm. Ngoài ra, tiếp tục xúc tiến thương mại tại thị trường trên thế giới, nhất là những thị trường mà Việt Nam đã tham gia ký kết các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới./.
Theo Trần Hiếu – Phan Ánh – Phạm Hải/VOV-ĐBSCL
https://vov.vn/kinh-te/thuy-san-vung-dbscl-vuot-kho-de-cho-co-hoi-but-pha-post1003179.vov