Sáng 24/2, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự và chỉ đạo Hội nghị trực tuyến triển khai công tác y tế năm 2023.
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự và chỉ đạo hội nghị.
Theo Bộ Y tế, Năm 2022, tình hình thế giới, trong nước diễn biến phức tạp hơn so dự báo; khó khăn, thách thức đối với nền kinh tế ngày càng tăng, tạo sức ép rất lớn lên quản lý, điều hành kinh tế vĩ mô, tác động lớn đến phục hồi, phát triển của nhiều ngành, lĩnh vực và đời sống nhân dân.
Trên thế giới, đầu năm 2022, Tổ chức Y tế thế giới (WHO), các nhà khoa học và các quốc gia đều nhận định dịch Covid-19 chưa thể kiểm soát được hoàn toàn trước năm 2023 và có thể xuất hiện các chủng virus mới nguy hiểm hơn làm cho dịch diễn biến phức tạp khó lường. Việc bao phủ vaccine, có thuốc điều trị giúp giảm số ca nặng, tử vong và giảm tỷ lệ mắc. Do vậy, đã có nhiều quốc gia thay đổi chiến lược ứng phó dịch bệnh từ cố gắng dập tắt dứt điểm sang sống chung an toàn với dịch bệnh. Trong nước, dịch bệnh được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc; cả nước chuyển sang giai đoạn “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” theo Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ.
Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan phát biểu khai mạc hội nghị.
Cùng với dịch Covid-19, sự bùng phát của dịch sốt xuất huyết, nguy cơ xâm nhập của các bệnh dịch nguy hiểm mới nổi như bệnh đậu mùa khỉ, viêm gan cấp tính chưa rõ nguyên nhân... Hệ thống y tế còn những tồn tại, hạn chế chưa được giải quyết triệt để trong giai đoạn trước, đã nảy sinh thêm những khó khăn, vướng mắc trong giai đoạn “hậu Covid-19” ảnh hưởng trực tiếp công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Quán triệt và tổ chức thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về phát triển kinh tế-xã hội năm 2022; Bộ Y tế ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ với phương châm hành động là “Đoàn kết kỷ cương, chủ động thích ứng, an toàn hiệu quả, phục hồi phát triển”; trong đó cụ thể hóa các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ được Quốc hội giao tại Nghị quyết số 32/2021/QH15 ngày 12/11/2021 và Chính phủ giao tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 8/01/2022 với 19 chỉ tiêu, 5 trọng tâm chỉ đạo điều hành, 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu.
Quang cảnh hội nghị.
Mặc dù gặp nhiều khó khăn, hạn chế, biến cố trong năm 2022, dưới sự lãnh đạo của Đảng, giám sát của Quốc hội, sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự phối hợp của các bộ, ngành, địa phương, sự cố gắng phấn đấu vượt khó khăn của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong toàn ngành y tế; do vậy, công tác y tế năm 2022 đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần vào thành tựu chung của đất nước.
Trong các chỉ tiêu chủ yếu của Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2022 theo Nghị quyết số 32/2021/QH15 ngày 12/11/2021 của Quốc hội, Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 8/1/2022 của Chính phủ, ngành y tế được giao 3 chỉ tiêu chủ yếu là: số bác sĩ trên 10.000 dân đạt 9,4 bác sĩ: thực hiện là 11,5 bác sĩ, vượt chỉ tiêu được giao; số giường bệnh trên 10.000 dân đạt 29,5 giường bệnh: thực hiện là 31 giường bệnh, vượt chỉ tiêu được giao; tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt 92% dân số: thực hiện là 92,03% dân số, đạt chỉ tiêu được giao.
Các đại biểu tham dự hội nghị.
Năm 2023, Bộ Y tế đặt mục tiêu phát triển hệ thống y tế công bằng, chất lượng, hiệu quả, bền vững, tập trung kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 và các dịch bệnh mới phát sinh; tăng cường y tế cơ sở, y tế dự phòng, nâng cao năng lực điều trị ở tất cả các tuyến; tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách; giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu nhân lực, thuốc, trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế. Các chỉ tiêu chủ yếu được giao tại Nghị quyết số 68/2022/QH15 của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2023 và Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 6/1/2023 của Chính phủ: tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 93,2%; số bác sĩ trên 10.000 dân đạt 12 bác sĩ; số giường bệnh trên 10.000 dân đạt 32 giường bệnh…
Đối với công tác quản lý dược, cơ sở hạ tầng y tế, Bộ triển khai thực hiện Nghị quyết số 144/NQ-CP ngày 5/11/2022 của Chính phủ về việc bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế và thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế. Giải quyết tình trạng thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên toàn quốc. Tăng cường quản lý giá thuốc, bảo đảm thị trường dược phẩm được duy trì bình ổn, đáp ứng đủ thuốc vaccine cho nhu cầu phòng và điều trị của người dân. Phát huy hiệu quả cao nhất của đấu thầu tập trung, đàm phán giá góp phần giảm chi phí thuốc. Xây dựng cơ chế tổ chức cung ứng, dự trữ, mua sắm đặc thù đối với các loại thuốc hiếm, thuốc điều trị bệnh hiếm.
Hội nghị được kết nối trực tuyến đến các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Tập trung quản lý, cấp phép, gia hạn thuốc, trang thiết bị y tế; giải quyết triệt để các hồ sơ tồn đọng. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ hoạt động nhập khẩu, bảo đảm chất lượng thuốc, dược liệu, trang thiết bị y tế. Đẩy mạnh phát triển công nghiệp dược, dược liệu, trang thiết bị y tế. Nâng cao năng lực hệ thống kiểm nghiệm, kiểm định thuốc, vaccine, sinh phẩm y tế. Tiếp tục triển khai quy hoạch hệ thống kiểm nghiệm trên cả nước. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm, hoàn thành và đưa vào sử dụng để tăng thêm số cơ sở y tế, số giường bệnh. Đôn đốc các đơn vị, địa phương khẩn trương thực hiện và hoàn thành các dự án đầu tư hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng sử dụng nguồn vốn từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội…
Theo THANH GIANG - Ảnh TRẦN HẢI/nhandan.vn
https://nhandan.vn/thu-tuong-pham-minh-chinh-du-hoi-nghi-trien-khai-cong-tac-y-te-nam-2023-post740208.html