Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần này được lấy ý kiến rộng rãi tới Nhân dân, không chỉ thể thiện rõ dân chủ, mà còn là cơ sở pháp lý quan trọng nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về đất đai, góp phần đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người được sử dụng đất. Do đó, nhiều ý kiến mong muốn Luật Đất đai (sửa đổi) lần này cần có những quy định cụ thể để sát và phù hợp hơn với điều kiện thực tiễn.
Thực tế cho thấy, trong nhiều năm qua công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư là một trong những nội dung thường có nhiều vướng mắc phát sinh, kéo dài mà chủ yếu là do trong quá trình tổ chức thực hiện. Để tháo gỡ vấn đề này, Điều 107 dự thảo Luật quy định người có đất thu hồi được bố trí tái định cư tại chỗ nếu tại khu vực thu hồi đất có dự án tái định cư hoặc có điều kiện bố trí tái định cư; ưu tiên vị trí thuận lợi cho người có đất thu hồi sớm bàn giao mặt bằng, người có công với cách mạng,... Tuy nhiên, để thực hiện hiệu quả luật cần có quy định cụ thể bảo đảm giá đền bù hợp lý, công bằng. Đặc biệt, để tránh tình trạng chây ỳ kéo dài trong bàn giao mặt bằng, cần bổ sung các quy định ưu tiên với các hộ dân bàn giao sớm.
Bên cạnh đó, ngoài vấn đề mong muốn Nhà nước định khung giá đất sát với điều kiện thực tế, sát với giá thị trường để đảm bảo quyền lợi cho Nhân dân, thì nhiều ý kiến rất đồng tình chính sách khuyến khích tổ chức, cá nhân, hộ gia đình thực hiện tích tụ ruộng đất, đất đai đối với quy mô phù hợp để sản xuất nông nghiệp, ứng dụng khoa học công nghệ để sử dụng tiết kiệm, hiệu quả quỹ đất. Tuy nhiên, cũng cần có quy định cụ thể về trình tự, thủ tục hay là phương án khuyến khích việc sử dụng.
Những ý kiến đóng góp đầy tâm huyết của Nhân dân về Luật Đất đai (sửa đổi) trong thời gian qua, sẽ góp phần quan trọng tháo gỡ những tồn tại, vướng mắc, tạo hành lang pháp lý quan trọng, mang tính thực tiễn cao trong công tác quản lý Nhà nước về đất đai./.
Tiến Chung