Đầu tư cơ sở vật chất đồng bộ, cùng với việc ứng dụng công nghệ thông tin vào đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe các hạng được xem là bước đi cần thiết, không chỉ góp phần nâng cao chất lượng công tác đào tạo, sát hạch, tạo tính minh bạch mà còn giúp học viên có kỹ năng thực chất, cũng như cách ứng xử văn hóa khi điều khiển phương tiên tham gia giao thông.
Để đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng công tác đào tạo, sát hạch lái xe, các Trung tâm Đào tạo sát hạch lái xe trên địa bàn tỉnh đã đầu tư cơ sở vật chất đồng bộ từ phương tiện dạy lái đến phòng học, sân tập, đáp ứng tiêu chuẩn theo quy định. Hầu hết các cơ sở đào tạo đã trang bị hệ thống máy chiếu phục vụ công tác giảng dạy, trang bị đủ máy vi tính cho học viên học Luật Giao thông đường bộ và sử dụng phần mềm của Tổng cục Đường bộ Việt Nam. Trên mỗi xe ô tô sát hạch đều gắn camera tự động để nhận biết chính xác học viên đăng ký học và dự thi. Phần sa hình với các bài thi mà học viên phải trải qua, tất cả được lắp cảm ứng từ, qua đó giúp cho việc dạy và học thuận lợi hơn rất nhiều.
Từ ngày 01/01/2023, các cơ sở đào tạo sát hạch lái xe phải trang bị thêm Ca bin điện tử để học viên có thể thực hành trước khi lái xe trên đường. Việc áp dụng mô hình Ca bin điện tử trong quá trình đào tạo sẽ giúp học viên được tập luyện kỹ năng và tập phản xạ trong điều kiện các tình huống giao thông khác nhau nhằm nâng cao kỹ năng lái xe, đảm bảo an toàn giao thông.
Nếu như trước đây, khi vượt qua được phần thi lý thuyết, các học viên sẽ chuyển sang bước thi thực hành. Còn hiện nay, sau khi Bộ Giao thông Vận tải ban hành Thông tư số 04 năm 2022, ngoài việc học luật, lái xe trên đường và lái xe sa hình, các học viên còn phải học và thi kỹ năng xử lý tình huống giao thông qua ứng dụng lái xe mô phỏng. Theo quy định, thời gian mỗi học viên học lái xe sẽ phải học với thiết bị mô phỏng là 3 giờ trước khi ra tập lái trên đường. Như vậy, việc đưa Ca bin tập lái vào quá trình giảng day sẽ mang lại nhiều lợi ích thiết thực.
Qua thực tế triển khai, thực hiện cho thấy việc đổi mới, nâng cao chất lượng công tác đào tạo, sát hạch, cấp GPLX, đặc biệt là việc bổ sung các quy định mới vào đào tạo đã giúp cơ quan Nhà nước quản lý được thời gian học lý thuyết, cũng như thực hành của các cơ sở đào tạo. Qua đó, hạn chế tối đa tình trạng cắt xén chương trình, ngăn chặn tiêu cực, giúp người điều khiển phương tiện giao thông nâng cao kỹ năng xử lý tình huống trong thực tế, góp phần đảm bảo an toàn giao thông./.
Tiến Chung