Hội nghị nhằm đưa ra những giải pháp đổi mới hoạt động của Ủy ban và phát huy hiệu quả nguồn lực đầu tư của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, góp phần thực hiện kế hoạch chiến lược phát triển kinh tế xã hội.
Sáng 18/3, tại trụ sở Chính phủ, Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và 19 Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước trực thuộc Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã diễn ra với mục tiêu đưa ra những giải pháp đổi mới hoạt động của Ủy ban và phát huy hiệu quả nguồn lực đầu tư của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, góp phần thực hiện kế hoạch chiến lược phát triển kinh tế xã hội.
Thủ tướng chủ trì Hội nghị
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị, cùng dự có Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, đại diện các Bộ ban ngành Trung ương, địa phương, các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty trực thuộc Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Thời gian qua Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, quyết sách lớn về phát triển của DNNN, trong đó, tách bạch, phân định rõ chức năng chủ sở hữu vốn của Nhà nước với chức năng quản lý nhà nước với đối với mọi hoạt động của doanh nghiệp. Vì vậy, năm 2018, Chính phủ đã thành lập UBQLVNN và giao thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước tại 19 Tập đoàn, Tổng công ty. Đây là cách nhìn mới, các giải pháp mới, mang tính chất đột phá để nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN, huy động tối đa nguồn lực của khối doanh nghiệp này phục vụ công cuộc phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, đáp ứng một cách chủ động tiến trình hội nhập và xu thế phát triển bền vững trong thời kỳ cách mạng 4.0.
Với vai trò, vị trí quan trọng của UBQLVNN tại doanh nghiệp được giao quản lý nguồn lực lớn của đất nước (chiếm 2% về số lượng nhưng nắm giữ tới khoảng 63% về vốn chủ sở hữu và 65% tổng tài sản của DNNN), UBQLVNN cần phải đổi mới để thực hiện được sứ mệnh của mình và những nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó.
Sau gần 5 năm thành lập, UBQLVNN đã đạt được những thành quả nhất định, như: Hình thành được cơ quan chuyên trách thực hiện đại diện quyền sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp; triển khai thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước tại 19 tập đoàn, tổng công ty; làm đầu mối của Ban chỉ đạo xử lý các dự án thua lỗ, yếu kém của ngành công thương; chỉ đạo triển khai các dự án quan trọng của DN, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội.
Các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước trực thuộc UBQLVNN tại doanh nghiệp thực hiện được vai trò nòng cốt trong nhiều ngành, lĩnh vực kinh tế quan trọng của đất nước, góp phần bảo đảm các cân đối lớn, ổn định kinh tế vĩ mô, đóng góp lớn cho ngân sách nhà nước, tạo tiền đề và động lực quan trọng cho phát triển các ngành, lĩnh vực và nền kinh tế, góp phần thực hiện an sinh xã hội và quốc phòng an ninh. Sau khi chuyển về UBQLVNN, vốn chủ sở hữu và tài sản được bảo toàn, hiệu quả SXKD của nhiều tập đoàn, TCTy được duy trì, bảo đảm việc làm, thu nhập cho người lao động. Đồng thời tham gia tốt công tác an sinh xã hội của đất nước.
Giai đoạn 2016-2020, các Tập đoàn, Tổng công ty đã thực hiện tổng vốn đầu tư là 976 nghìn tỷ đồng. Giai đoạn 2021-2025, 19 tập đoàn, TCT dự kiến thực hiện các dự án đầu tư phát triển với tổng vốn đầu tư khoảng 1,2 triệu tỷ đồng chủ yếu từ nguồn vốn của các TĐ, TCTy), bằng khoảng 42% mức vốn kế hoạch trung hạn nguồn NSNN giai đoạn 2021-2025, khoảng 2,87 triệu tỷ đồng theo NQ 29/2021/QH15 ngày 28/7/2021 về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025). Vì vậy, nếu các dự án đầu tư của 19 Tập đoàn, Tcty được thực hiện cùng với kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021- 2025 một cách hiệu quả, đúng kế hoạch, sẽ góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng và phát triển KTXH đất nước.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được thời gian qua, UBQLVNN tại doanh nghiệp và 19 Tập đoàn, tổng công ty còn những hạn chế, vẫn chưa thể hiện tốt vị thế, vai trò của mình, chưa phát huy được lợi thế về nắm giữ nguồn lực trong thực hiện sứ mệnh của mình.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng yêu cầu, các đại biểu nói thẳng, nói thật, đi vào trọng tâm vấn đề, về các khó khăn, vướng mắc, tồn tại, thảo luận, bàn kỹ, làm rõ thêm, bổ sung về các vấn đề trọng tâm, các nhiệm vụ, giải pháp cho thời gian tới.
Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu làm rõ những vấn đề về mô hình, tổ chức hoạt động của UBQLVNN cần phải đổi mới như thế nào? Chất lượng và trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ đã đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đặt ra chưa? Phân cấp, phân quyền giữa UBQLVNN và các Tập đoàn, Tổng công ty do UBQLVNN làm chủ sở hữu như thế nào? UBQLVNN đã tập trung thực hiện nhiệm vụ trọng tâm hoạch định chiến lược phát triển cho hệ thống doanh nghiệp nhà nước trực thuộc để giữ vai trò nòng cốt trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN hay chưa? Ủy ban phê duyệt hoặc trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược, kế hoạch sản xuất, kinh doanh, đầu tư phát triển của doanh nghiệp trực thuộc tại sao còn thực hiện chậm, nguyên nhân là gì?
Thủ tướng yêu cầu làm rõ những vấn đề về mô hình, tổ chức hoạt động của UBQLVNN cần phải đổi mới
Tình hình thực hiện các nhiệm vụ được giao nêu trong Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 12/5/2022 của Chính phủ về tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động và huy động nguồn lực của DNNN, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước trong phát triển kinh tế - xã hội như thế nào?
Giải pháp nào để hoàn thành Kế hoạch sản xuất kinh doanh và thực hiện các dự án đầu tư năm 2023 và cả giai đoạn 2023-2025 của 19 TĐ, TCT? Trong đó, tập trung vào các giải pháp để đẩy mạnh thực hiện các dự án đầu tư lớn, trọng điểm, tạo tiền đề và động lực quan trọng cho phát triển các ngành, lĩnh vực và cả nền kinh tế. Giải pháp nào để tận dụng được tối đa các nguồn lực sẵn có của hệ thống DNNN, tạo sự phối hợp, liên kết, tận dụng thế mạnh của doanh nghiệp trong các lĩnh vực để thực hiện các dự án lớn, trọng điểm của đất nước góp phần thực hiện 3 đột phá chiến lược mà Đại hội Đảng XIII đã đề ra?
Tại sao hiệu quả sản xuất kinh doanh, của nhiều DNNN còn thấp so với nguồn lực đang nắm giữ (tổng lợi nhuận trước thuế năm 2022 đạt 83.167 tỷ đồng, chỉ bằng 75,16% của năm 2018 (110.651 tỷ đồng)? Do cơ chế chính sách hay tổ chức thực hiện hay do trình độ, năng lực độ ngũ cán bộ? Giải pháp nào để thúc đẩy các DNNN thực sự hoạt động theo cơ chế thị trường, chủ động và vận hành linh hoạt?
Vì sao 19 TĐ, TCT chưa thể hiện được vai trò nổi bật trong việc dẫn dắt, tạo động lực, mở đường, hướng dẫn, thu hút, thúc đẩy các thành phần khác phát triển? Tại sao các doanh nghiệp nhà nước là chưa chú trọng đầu tư vào lĩnh vực nghiên cứu và phát triển nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và đổi mới sáng tạo? Giải pháp thúc đẩy DNNN giữ vị thế đi đầu trong việc ứng dụng công nghệ và đổi mới sáng tạo để nâng cao hiệu suất lao động và tạo thêm sản phẩm, dịch vụ mới?
Tại sao công tác quản trị doanh nghiệp chậm được đổi mới, chưa theo kịp với quy mô tài sản doanh nghiệp quản lý, thu hút lao động chất lượng cao còn hạn chế? Các giải pháp nào để hoàn thiện hệ thống quản trị DNNN theo các tiêu chuẩn quản trị hiện đại?./.
Theo Vũ Khuyên/VOV
https://vov.vn/chinh-tri/thu-tuong-lam-ro-vai-tro-cua-tap-doan-kinh-te-tong-cong-ty-nn-trong-phat-trien-ktxh-post1008203.vov