Mỗi buổi chiều về, tại những địa điểm công cộng như nhà văn hóa thôn, công viên, sân bóng, trung tâm văn hóa ở khắp các địa phương trong tỉnh lại sôi động bởi không khí vui nhộn, tiếng reo hò, vỗ tay, tiếng ca hát rộn ràng vang lên của những bài thể dục nhịp điệu và những hoạt động thể thao. Điều đó cho thấy những giá trị văn hóa đang được bồi đắp trong từng gia đình, nếp sống văn minh cũng đang hiện hữu ở từng thôn xóm, đời sống tinh thần của người dân chuyển biến rõ rệt.
Có thể nói, phong trào văn hóa, văn nghệ trong cộng đồng dân cư đã tác động tích cực đến đời sống văn hóa tinh thần của mỗi người dân, gia đình, thôn, xóm, tạo động lực thúc đẩy các phong trào thi đua, góp phần làm nên những “làng quê đáng sống”. Nghị quyết 15 của Tỉnh ủy Vĩnh Phúc xác định mục tiêu phát triển văn hóa ngang tầm với phát triển kinh tế, chính trị, xã hội, đang tạo điều kiện thuận lợi để người dân tham gia, thụ hưởng và phát huy sức sáng tạo, giữ gìn những giá trị truyền thống tốt đẹp của con người Việt Nam. Phong trào văn hóa, văn nghệ không chỉ mang lại niềm vui cho mọi người, mà nó còn là hoạt động bồi đắp các giá trị văn hóa xưa và nay, hướng đến cuộc sống yên vui và hạnh phúc, là “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt trong tiến trình xây dựng, là thước đo giá trị đang được kiến tạo ở khắp các vùng quê.
Xây dựng nếp sống mới, nếp sống văn minh là quá trình làm cho lối sống mới dần trở thành thói quen, trong đó có sự kế thừa, phát triển những thuần phong mỹ tục của dân tộc và bổ sung những cái mới, tiến bộ hơn để phong trào văn nghệ quần chúng được duy trì và phát triển có chiều sâu, phát huy khả năng sáng tạo của Nhân dân, tạo nên sân chơi đa dạng và hấp dẫn, là món ăn tinh thần của tất cả mọi người.
Vĩnh Phúc sẽ dành tối thiểu 2% tổng chi ngân sách hằng năm để đầu tư cho lĩnh vực văn hóa và đặt mục tiêu đến năm 2025 tỷ lệ gia đình, thôn, tổ dân phố đạt chuẩn văn hóa trên 92%; 100% các khu dân cư có và thực hiện tốt hương ước, quy ước nếp sống văn minh phù hợp với truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
Thuỳ Linh