Cập nhật: 28/03/2023 09:05:00
Xem cỡ chữ

Trải qua những biến cố của đại dịch, chuỗi cung ứng toàn cầu đang được định hình lại, tạo ra làn sóng dịch chuyển sản xuất và đầu tư mạnh mẽ.

Đây chính là cơ hội mở ra cho tất cả các nhà đầu tư muốn tham gia vào chuỗi cung ứng. Với lợi thế nhất định về kinh tế-chính trị, Vĩnh Phúc đang trở thành điểm đến hứa hẹn đón làn sóng dịch chuyển này. Hàng loạt doanh nghiệp đầu chuỗi chọn Vĩnh Phúc là cứ điểm sản xuất mới, mở hướng cho ngành công nghiệp hỗ trợ, cơ hội lớn phát triển và tham gia sâu hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Tại Vĩnh Phúc, chuỗi cung ứng đang tập trung vào 6 lĩnh vực trọng điểm, đầu tiên là lĩnh vực sản xuất xe máy - đây là khu vực liên kết đã phát triển nhất ở Vĩnh Phúc. Các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ của Vĩnh Phúc cung cấp cho rất nhiều hãng như Honda, Piaggio, Yamaha, Vinfast. Dự báo đến năm 2030, sản lượng tiêu thụ vẫn đạt khoảng 2,5-3 triệu xe/năm. Trong tương lai gần, các dòng xe máy chất lượng cao và xe máy điện có cơ hội phát triển mạnh.

Lĩnh vực thứ 2 là ô tô, hiện dung lượng thị trường ngành ô tô Việt Nam đang ở mức thấp, dưới 300.000 xe/năm. Với dân số khoảng100 triệu người, cùng với chính sách khuyến khích tiêu dùng ô tô của Chính Phủ Việt Nam thì đây là lĩnh vực có tiềm năng lớn trong vòng 5-10 năm tới, đặc biệt là phát triển ngành ô tô, ô tô điện và linh kiện ô tô. 

Công nghiệp điện tử là lĩnh vực thu hút FDI nhiều nhất ở Vĩnh Phúc. Hiện tại mới chỉ có một vài doanh nghiệp Vĩnh Phúc đã cung cấp linh kiện cơ khí và nhựa cho khách hàng FDI điện tử sản xuất các sản phẩm như TV, tủ lạnh, máy giặt... của Panasonic, LG, Canon, Samsung, Brother và xuất khẩu.

Đối với lĩnh vực may mặc, chuỗi cung ứng của các Công ty may FDI tại Vĩnh Phúc không phát triển tại nội địa, chỉ phục vụ xuất khẩu cho các hãng và thương hiệu lớn trên toàn cầu.

Đối với lĩnh vực máy nông nghiệp và cơ khí chế tạo, hiện tại ở Vĩnh Phúc không có Công ty FDI nào sản xuất. Đây là khu vực có tiềm năng cao, với sản lượng rất lớn, đa dạng về chủng loại.

Đối với lĩnh vực chế biến nông sản, hiện nay đã có các Công ty FDI đầu tư vào Vĩnh Phúc. Đây là lĩnh vực có thuận lợi về nguồn nguyên liệu, đang được Chính phủ hỗ trợ, phù hợp với năng lực của người lao động Việt nam. Thị trường của ngành có thể rất rộng mở, cả ở nội địa và quốc tế.

Vĩnh Phúc có 19 KCN với tổng diện tích trên 5.000 ha. Hiện nay, nhiều khu công nghiệp đã có sẵn hạ tầng dành cho các nhà đầu tư tại KCN Thăng Long, KCN Bá Thiện... nhiều quỹ đất tại các KCN đang thực hiện giải phóng mặt bằng, sẵn sàng chào đón các nhà đầu tư./.

Thuỳ Linh