Hiện nay, việc phát triển về số lượng các nhóm, lớp Mầm non tư thục đã mang lại những tác động tích cực, góp phần giảm bớt gánh nặng và tình trạng quá tải cho các Trường Mầm non công lập. Tuy nhiên, những khó khăn, bất cập trong công tác quản lý hoạt động các nhóm, lớp này đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ em.
Đặc biệt, sau vụ việc cháu bé 17 tháng tuổi ở Thành phố Hà Nội bị bạo hành dẫn đến tử vong càng đặt ra cho các cấp, ngành yêu cầu tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát thường xuyên hoạt động của các cơ sở Mầm non tư thục. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng bạo hành trẻ là do một số giáo viên mầm non không có trình độ chuyên môn những vẫn được tuyển dụng, khâu kiểm tra, giám sát của chủ cơ sở, cơ quan chức năng còn chưa được quan tâm đúng lúc, chính vì lẽ đó mà tình trạng bạo hành trẻ ở đâu đó vẫn còn xảy ra gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Trên địa bàn thành phố Vĩnh Yên hiện có 51 cơ sở giáo dục Mầm non ngoài công lập với trên 240 nhóm lớp được phép hoạt động. Để tăng cường công tác quản lý Nhà nước, không để xảy ra tình trạng bạo hành trẻ, thời gian qua, phòng GD&ĐT đã phối hợp với UBND các xã, phường của thành phố tiến hành kiểm tra nhiều cơ cở giáo dục mần non tư thục. Qua kiểm tra, đa số các cơ sở này đều làm tốt công tác chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ đảm bảo an toàn, môi trường học tập và vui chơi cho trẻ thân thiện; lồng ghép được nhiều nội dung chương trình GDMN của Bộ GDĐT phù hợp với đặc điểm phát triển tâm sinh lý của trẻ.
Để đảm bảo an toàn cho trẻ em tại các cơ sở giáo dục Mầm non, ngăn chặn tình trạng bạo hành trẻ, cần có sự phối hợp đồng bộ, trách nhiệm từ nhiều phía với những giải pháp thiết thực, mạnh mẽ, được thực hiện thường xuyên, liên tục chứ không phải chờ đến khi có sự việc đau lòng xảy ra mới lại rốt ráo triển khai. Có như vậy, những sự việc đáng tiếc liên quan đến mất an toàn với trẻ tại các cơ sở Mầm non tư thục mới có thể chấm dứt.
Nguyễn Toàn