Cập nhật: 31/03/2023 14:02:00
Xem cỡ chữ

Mức tăng nhẹ đã phản ánh tình hình sản xuất kinh doanh trong nước có xu hướng chậm lại do tác động tiêu cực của nhiều yếu tố như lạm phát trên thế giới, chính sách thắt chặt tiền tệ của các quốc gia.

Von dau tu thuc hien toan xa hoi trong quy 1 nam 2023 tang 3,7% hinh anh 1

Nhà thầu tham gia thi công đoạn tuyến của dự án cao tốc Bắc-Nam. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Tổng cục Thống kê cho biết, trong quý 1 năm 2023, vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội theo giá hiện hành tăng 3,7% so với cùng kỳ năm trước.

Điều này đã phản ánh tình hình sản xuất kinh doanh trong nước có xu hướng chậm lại do tác động tiêu cực của nhiều yếu tố như lạm phát trên thế giới, chính sách thắt chặt tiền tệ của các quốc gia.

Cụ thể, vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội quý 1 năm 2023 theo giá hiện hành ước đạt 583.100 tỷ đồng, tăng 3,7% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm vốn khu vực Nhà nước ước đạt 153.000 tỷ đồng, chiếm 26,2% tổng vốn đầu tư và tăng 11,5% so với cùng kỳ năm trước; khu vực ngoài Nhà nước đạt 328.600 tỷ đồng, chiếm 56,4%, tăng 1,8%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 101.500 tỷ đồng, chiếm 17,4% và giảm 1,1%.

Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương cho biết vốn đầu tư thực hiện của khu vực nhà nước tăng 11,5% cho thấy, sự quyết tâm nỗ lực của Chính phủ, bộ ngành và địa phương trong việc quyết liệt đẩy mạnh thực hiện nguồn vốn đầu tư công ngay từ các tháng đầu năm. Từ đó, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cả trong ngắn hạn và dài hạn mặc dù nền kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, thách thức.

Trong vốn đầu tư của khu vực Nhà nước, vốn thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước quý 1 năm 2023 ước đạt 91.500 tỷ đồng, bằng 13,4% kế hoạch năm và tăng 18,1% so với cùng kỳ năm trước (quý 1 năm 2022 bằng 12,9% và tăng 12,3%).

Theo cấp quản lý, vốn Trung ương đạt 17.100 tỷ đồng, bằng 12,9% kế hoạch năm và tăng 33,4% so với cùng kỳ năm trước; vốn địa phương đạt 74.400 tỷ đồng, bằng 13,5% và tăng 15,1%.

Trong vốn địa phương quản lý, vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh đạt 50.700 tỷ đồng, bằng 12,7% và tăng 17,6%; vốn ngân sách Nhà nước cấp huyện đạt 20.600 tỷ đồng, bằng 15,5% và tăng11,6%; vốn ngân sách Nhà nước cấp xã đạt 3.100 tỷ đồng, bằng 16,8% và tăng 0,8%.

Theo Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương, việc giải ngân vốn đầu tư công đạt kế hoạch là động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Chính vì vậy, ngay từ đầu năm, Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo, đốc thúc các bộ, ngành, địa phương khẩn trương giải ngân vốn đầu tư công. Nhiều bộ, ngành, địa phương năm trước có tỷ lệ giải ngân thấp nhất, nay đã có nhiều chuyển biến.

Bà Rịa-Vũng Tàu là một trong những địa phương có chuyển biến tích cực trong việc thực hiện nguồn vốn đầu tư công.

Bà Trần Thụy Cẩm Lệ, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, tính đến ngày 29/3, lũy kế thanh toán tất cả các nguồn vốn dự án cả Trung ương và địa phương trên địa bàn tỉnh là hơn 2.044 tỷ đồng, đạt 14,28% so với kế hoạch giao, cao hơn tỷ lệ giải ngân hết tháng 3/2023 theo cam kết của các chủ đầu tư 13,96%.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, với mức giải ngân trên vẫn còn đạt thấp, nguyên nhân vẫn là do vướng mắc về bồi thường, giải phóng mặt bằng; trong đó, một số dự án còn có vướng mắc về quy định đất đai, Luật chưa thống nhất, việc xác định giá đất.

Bên cạnh đó, do có sự chênh lệch giữa giá đất do Nhà nước thu hồi với giá đất các khu đất dẫn tới việc chưa thỏa thuận được việc bồi thường... Khó khăn về hoàn thiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư và hồ sơ pháp lý dự án; Khó khăn về thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng.

Tổng cục Thống kê cho biết nhiều địa phương khác cũng đang có nhiều chuyển biến tích cực khi năm 2022 tỷ lệ giải ngân còn thấp, ngay trong 3 tháng đầu năm nay đã đạt tới trên 30% như Tiền Giang, Bến Tre.

Điều đó cho thấy sự nỗ lực, quyết tâm của các địa phương nhằm tháo gỡ các vướng mắc trong việc giải ngân, để từ đó góp phần duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, tăng năng lực sản xuất cho nền kinh tế.

Nhằm thúc đẩy giải ngân nhanh nguốn vốn đầu tư công, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu Lê Ngọc Khánh đề nghị các địa phương khẩn trương hoàn thành việc ký cam kết tiến độ bồi thường giải phóng mặt bằng, gửi báo cáo về Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp báo cáo ủy ban nhân dân tỉnh.

Phó Chủ tịch tỉnh Lê Ngọc Khánh cũng yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư kiện toàn lại Tổ lãnh đạo, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Đồng thời, đôn đốc, theo dõi, hỗ trợ thúc đẩy các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ các dự án. Về bồi thường, các chủ đầu tư phối hợp các địa phương bám sát các văn bản quy định, quyết định của ủy ban nhân dân để nhanh chóng triển khai thực hiện dự án.

Thủ tướng Chính phủ cũng vừa ký Quyết định 235/QĐ-TTg về thành lập 5 tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu giải ngân vốn đầu tư công phải đảm bảo tỷ lệ cao, đúng chất lượng, hiệu quả; khẩn trương phân bổ chi tiết kế hoạch đầu tư công và vốn ngân sách nhà nước năm 2023.

Cụ thể, với Quyết định 235/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ sẽ thành lập 5 Tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 tại các bộ, cơ quan trung ương và địa phương, trường hợp bộ, cơ quan trung ương, địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới mức trung bình của cả nước. Thời gian kiểm tra, đôn đốc từ ngày 10 đến ngày 25 hằng tháng.

"Tăng cường giải ngân vốn đầu tư thực hiện trong thời gian tới, đặc biệt là vốn đầu tư công làm vốn mồi, giúp tạo động lực cho ngắn hạn và dài hạn của nền kinh tế," bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết./.

Theo Thúy Hiền (TTXVN/Vietnam+) - 30/03/2023  

https://www.vietnamplus.vn/von-dau-tu-thuc-hien-toan-xa-hoi-trong-quy-1-nam-2023-tang-37/854503.vnp