Nâng cao tinh thần cảnh giác với các trường hợp gọi điện video để mượn tiền. Thường các trường hợp lừa đào trên, có một số dấu hiệu chung như đối tượng sẽ lấy lý do là mạng kém, nên chuyển sang nhắn tin qua các ứng dụng như Messenger, Zalo, Telegram…
Thời gian gần đây, theo Cục An ninh mạng – Bộ Công an (A05), đã xuất hiện một số trường hợp bị lừa tiền, tài sản bằng công nghệ Deepfake (sử dụng trí tuệ nhân tạo để giả khuôn mặt và giọng nói). Phó Cục trưởng A05 – Trung tá Triệu Mạnh Tùng nhận định: Trong nhiều vụ lừa đảo, tội phạm thường thông qua việc chiếm quyền sử dụng tài khoản, sử dụng công nghệ Deepfake để tương tác với người thân của chủ tài khoản, từ đó thực hiện hoạt động lừa đảo.
Deepfake từ một ứng dụng dùng để giải trí, đến nay đã được tội phạm mạng sử dụng để lừa đảo. Nhằm làm rõ vấn đề này, PV VOV đã cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Ngọc Tuấn – Giám đốc Công ty CP tích hợp Công nghệ truyền thông và Tri thức mới NKG.
Ông Nguyễn Ngọc Tuấn – Giám đốc Công ty CP tích hợp Công nghệ truyền thông và Tri thức mới NKG.
PV: Ông có thể phân tích về những thế mạnh của Deepfake, đặc biệt là hiệu quả của nó trong việc giả dạng, lừa đảo?
Ông Nguyễn Ngọc Tuấn: Deepfake có những thế mạnh và hiệu quả sau đây: Thứ nhất là tạo ra nội dung chân thật và sống động. Deepfake cho phép tạo ra các video hay hình ảnh giả mạo, nhưng chất lượng sống động giống như thật. Từ đó tạo ra tính thuyết phục nhằm lừa đảo hoặc phát tán thông tin sai.
Thứ hai là rất khó để phát hiện video đó là chân thực hay do Deepfake tạo ra. Do tính chân thực và sống động của nội dung Deepfake, việc phát hiện các video hay hình ảnh giả mạo trở nên khó khăn. Nạn nhân khó có thể phân biệt được giữa Deepfake và người thật, từ đó dễ bị lừa đảo.
PV: Deepfake được xem là ứng dụng giả hình ảnh, giọng nói hàng đầu hiện nay. Theo ông, đối với người dân, để phòng tránh và phân biệt các trường hợp lừa đảo sử dụng Deepfake thì phải lưu ý điều gì?
Ông Nguyễn Ngọc Tuấn: Theo tôi, để phòng tránh và phân biệt các trường hợp lừa đảo sử dụng Deepfake, người dân cần lưu ý một số điểm như sau:
Nâng cao tinh thần cảnh giác với các trường hợp gọi điện video để mượn tiền. Thường các trường hợp lừa đào trên, có một số dấu hiệu chung như đối tượng sẽ lấy lý do là mạng kém, nên chuyển sang nhắn tin qua các ứng dụng như Messenger, Zalo, Telegram…
Tìm cách xác thực thông tin kỹ càng trước khi quyết định cho mượn tiền/tài sản. Thường các video dựng sẵn từ Deepfake sẽ lộ ra nhược điểm khi đoạn hội thoại kéo dài hoặc khi bị hỏi những thông tin mà chỉ người thật mới có thể trả lời.
Thông báo với người thân và bạn bè ngay khi phát hiện mình hoặc người thân và bạn bè là nạn nhân của việc lừa đảo Deepfake, để kẻ lừa đảo không thể lợi dụng uy tín cá nhân nhằm mượn tiền hoặc tài sản.
Một người dùng internet sử dụng Deepfake để cải trang thành tài tử Tom Cruise. (Ảnh: Reuters)
PV: Đối với các đối tượng lừa đảo công nghệ cao sử dụng Deepfake, chúng ta có cách nào lần ra dấu vết và xác định danh tính của đối tượng hay không?
Ông Nguyễn Ngọc Tuấn: Như các vụ lừa đảo qua internet khác, việc lần ra dấu vết và xác định danh tính của đối tượng lừa đảo sử dụng Deepfake là một công việc khó khăn. Vì các đối tượng lừa đảo này có tổ chức, sử dụng các kỹ thuật che giấu vết tích và danh tính của họ.
Các tài khoản ngân hàng được sử dụng cũng là những tài khoản được mở bởi thông tin giả (giả thẻ căn cước, chứng minh thư nhân dân). Sau khi nhận tiền của nạn nhân thì chúng thường chuyển ngay qua 1 bên thanh toán trung gian như tài khoản game, tiền ảo. Sau đó chúng sẽ chuyển qua lại giữa các tài khoản trong game, trung gian rồi mới chuyển ra tài khoản thật để rút tiền.
Một số biện pháp có thể cân nhắc như: Truy vết lại các dấu vết để xác định danh tính của kẻ lừa đảo, bao gồm các tài khoản mạng xã hội, địa chỉ IP, thông tin đăng ký tên miền, tài khoản nhận tiền, các hình ảnh hoặc video của kẻ lừa đảo lúc rút tiền hoặc xuyên suốt quá trình lừa đảo.
Liên kết các dấu vết bên trên và tìm được các điểm chung hướng tới đối tượng lừa đảo từ đó khoanh vùng tìm kiếm. Sau đó, liên tục theo dõi để có thể phát hiện đối tượng khi có sơ hở trong quá trình thực hiện lừa đảo
PV: Theo ông, để phong tránh Deepfake thì người dân phải có những biện pháp nào?
Ông Nguyễn Ngọc Tuấn: Bên cạnh việc trang bị các kỹ năng để phân biệt DeepFake như tôi đã nêu trên, người dân cũng cần chú ý bảo vệ tài khoản mạng xã hội hoặc số điện thoại của mình.
Vì để chiếm được lòng tin của người cho vay, bên lừa đảo cần sử dụng tài khoản cá nhân hoặc số điện thoại của chính nạn nhân để liên hệ với người thân hoặc bạn bè của họ. Tuyệt đối không chia sẻ các mã xác thực (OTP) hoặc bấm vào các đường link lạ để tránh hacker có thể lợi dụng, chiếm đoạt tài khoản hoặc số điện thoại của mình.
PV: Xin cảm ơn ông./.
Theo Trọng Phú/VOV.VN - 01/04/2023
https://vov.vn/phap-luat/chuyen-gia-goi-dien-video-de-vay-tien-chieu-lua-sau-cua-toi-pham-mang-post1010924.vov