Điều gì đang xảy ra khi doanh nghiệp Việt ồ ạt đóng cửa, rao bán dự án tỷ USD; ông Phạm Nhật Vượng cùng loạt tỷ phú USD nhận lương 0 đồng; vàng ‘rớt’ giá, người mua lỗ nặng... là những thông tin nổi bật tuần qua.
Ông Phạm Nhật Vượng cùng loạt tỷ phú USD nhận lương 0 đồng
Ông Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Vingroup; ông Trần Đình Long - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Hòa Phát; ông Nguyễn Đăng Quang - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Masan... đều nhận thù lao 0 đồng trong năm 2022.
Ngoài ra, tại Vingroup còn có bà Nguyễn Diệu Linh - Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị và ông Yoo Ji Han - Thành viên Hội đồng quản trị độc lập Tập đoàn Vingroup cũng nhận lương 0 đồng...
Ngân hàng Nhà nước tiếp tục giảm lãi suất điều hành từ ngày 3/4
Đây là lần thứ hai Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất điều hành trong tháng 3/2023, nhằm tiếp tục thực hiện chủ trương giảm lãi suất cho vay nhằm tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, doanh nghiệp và người dân.
Theo đó, lãi suất tái cấp vốn giảm từ 6%/năm xuống 5,5%/năm; lãi suất tái chiết khấu giữ nguyên 3,5%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với tổ chức tín dụng giữ nguyên 6,0%/năm.
NHNN cũng giảm lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng giảm từ 1,0%/năm xuống 0,5%/năm; lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng từ 6,0%/ năm xuống 5,5%/năm...
Đại diện NHNN cho biết, việc tiếp tục điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành là giải pháp linh hoạt, phù hợp với điều kiện thị trường hiện nay.
Phát hiện nhiều sai phạm về bảo hiểm liên kết với ngân hàng
Ngày 30/3, tại họp báo thường kỳ quý I của Bộ Tài chính, ông Doãn Thanh Tuấn - Cục phó quản lý, giám sát bảo hiểm - cho biết, năm 2022 đã thanh tra chuyên đề về phân phối bảo hiểm qua ngân hàng đối với 4 doanh nghiệp bảo hiểm và đang trong quá trình hoàn thiện kết luận thanh tra.
“Khi thanh tra, Cục Quản lý giám sát đã phát hiện sai phạm nhất định. Sau khi hoàn thành kết luận thanh tra, kiểm tra, chúng tôi xin hứa sẽ công bố rộng rãi theo quy định”, ông Tuấn nói.
Điều gì đang xảy ra khi doanh nghiệp Việt ồ ạt đóng cửa, rao bán dự án tỷ USD?
Tổng cục Thống kê cho biết, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I ước tính tăng 3,32% so với cùng kỳ năm trước. Mức đạt được này chỉ cao hơn tốc độ tăng 3,21% của quý I năm 2020 (thời điểm bùng nổ dịch COVID-19) trong giai đoạn 2011-2023.
Tính chung quý I, số rút lui khỏi thị trường là hơn 60.000 doanh nghiệp, vẫn cao hơn số gia nhập và tái gia nhập thị trường với gần 57.000.
Truyền thông quốc tế mới đây đưa tin một Tập đoàn của Singapore đang đàm phán để mua lại một số dự án của doanh nghiệp Việt, với tổng trị giá lên đến 1,5 tỷ USD. Nếu thành công sẽ trở thành một trong những thương vụ bất động sản lớn nhất tại Đông Nam Á trong những năm gần đây.
Chuyên gia cho rằng, con số doanh nghiệp phải phá sản, rút lui khỏi thị trường phần nào cho thấy sự khó khăn rất lớn mà doanh nghiệp phải “gồng”. “Nhiều đại gia ‘kêu trời kêu đất’ vì khó khăn quá. Doanh nghiệp mở mắt ra là tiền lãi ngân hàng, lo lương nhân viên, hàng tồn kho, giá thành tăng cao…”, một lãnh đạo công ty xếp hạng tín nhiệm cho hay.
Vàng ‘rớt’ giá, người mua lỗ nặng
Phiên giao dịch cuối cùng của tháng 3, giá vàng thế giới tiếp tục tăng cao, trong khi đó giá vàng trong nước giảm phiên thứ 4 liên tiếp và trượt khỏi mốc 67 triệu đồng/lượng.
Giá vàng thế giới tăng mạnh, trong nước “rớt” mốc 67 triệu đồng/lượng (ảnh minh họa).
Trong đó, giá vàng miếng SJC được Tập đoàn Doji niêm yết giá 66,25 - 66,95 triệu đồng/lượng, giảm 100.000 đồng/lượng. Công ty Bảo Tín Minh Châu niêm yết Vàng rồng Thăng Long 54,88 - 55,83 triệu đồng/lượng.
Giá vàng liên tiếp giảm và doanh nghiệp vàng giữ chênh lệch giá mua vào - bán ra ở mức 1 triệu đồng/lượng. Điều này khiến nhà đầu tư lỗ nặng ngay khi nắm giữ vàng.
EVN lỗ hơn 26.000 tỷ đồng, đối diện nguy cơ mất cân đối tài chính
Theo thông tin từ Bộ Công Thương ngày 31/3, tổng chi phí sản xuất kinh doanh điện năm ngoái của Tập đoàn Điện lực Việt Nam là gần 493.300 tỷ đồng, tương đương giá sản xuất 2.032,26 đồng một kWh, tăng 9,27% so với năm 2021.
EVN đối diện nguy cơ mất cân đối tài chính.
Như vậy, với giá bán lẻ điện bình quân duy trì ở mức 1.864,44 đồng một kWh từ tháng 3/2019 đến nay, EVN lỗ gần 168 đồng mỗi kWh điện bán ra. Cả năm ngoái, tập đoàn này lỗ hơn 36.294 tỷ đồng từ sản xuất kinh doanh điện, nếu trừ thu nhập tài chính khác, số lỗ giảm còn 26.236 tỷ đồng.
EVN cũng đang đối diện nguy cơ mất cân đối tài chính, giá điện dự kiến cũng sẽ sớm được điều chỉnh.
Theo Nguyên Mạnh/tienphong.vn - 02/04/2023
https://tienphong.vn/vang-rot-gia-doanh-nghiep-o-at-dong-cua-ty-phu-usd-nhan-luong-0-dong-post1522497.tpo#1522497|zone-highlight-3|4